Quy Nhơn mở hội thi nêu
Sáng 28 tháng Chạp Ất Mùi, tiết trời lạnh se sắt, lại thêm ẩm ướt từ những cơn mưa xuân không ngừng rây hạt.Tuy nhiên, Hội thi dựng nêu đón Tết cổ truyền vẫn diễn ra rộn ràng, nhộn nhịp với sự chuẩn bị chu đáo và tham gia tích cực của 14 phường.
Là năm thứ ba được Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP Quy Nhơn duy trì tổ chức, năm nay, Hội thi Dựng nêu đón Tết cổ truyền (khai mạc ngày 6.2 tại Quảng trường cạnh Trung tâm Thương mại Quy Nhơn) thu hút sự tham gia của 14 phường gồm: Đống Đa, Hải Cảng, Ghềnh Ráng, Lê Hồng Phong, Lê Lợi, Lý Thường Kiệt, Nhơn Bình, Nhơn Phú, Ngô Mây, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Diệu, Trần Phú và Thị Nại.
Một nét văn hóa cổ truyền được tái hiện ở Quy Nhơn: Dựng nêu đón Tết.
Sau hồi trống chầu khai hội, Trưởng Ban giám khảo Hội thi, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn An Pha vẫn giữ trong tay chiếc dùi, chốc chốc lại đánh những tràng dài như thúc giục, cổ vũ tinh thần các nghệ nhân dựng nêu, như mời gọi những người đang đi đường, dạo phố, chợ hoa, chụp ảnh xuân… bớt chút thì giờ, dừng ghé lại với một Hội thi ý nghĩa tái hiện tập tục cổ truyền của ông cha.
Có mặt tại địa điểm dựng nêu từ sớm, nhóm 5 người lo việc dựng nêu của phường Ngô Mây gồm Lừng Thanh Bình (cán bộ phụ trách văn hóa của UBND phường), Lê Hồng Nam, Nguyễn Đức Nhuận, Huỳnh Thương Sum, Huỳnh Tàu mải mê với việc sửa soạn, “điểm trang” cho cây nêu của đơn vị mình và mặc kệ cho mưa xuân rắc lên tóc, thấm vào áo.
Trang trí xong xuôi, họ ngắm cây nêu dài đến 12 m thân cao thẳng, dài lóng đẹp mắt mà họ cất công kiếm tìm ở nhiều làng tre trong tỉnh mới có, với ánh nhìn mỹ mãn. Cái cách họ mân mê thân tre láng bóng ánh lên màu xanh kịt, cẩn thận chùi những vết bụi, đất bám trên thân hay gỡ rối những chùm chuông gió, buộc chặt lại những câu đối, đèn lồng trang trí cứ bị gió cuốn làm rối nhặng lên… với tất cả sự chăm chút, tỉ mẩn và ánh mắt trìu mến như vuốt ve, khích lệ con tuấn mã sắp bước vào đường đua.
Ở Hội thi này năm ngoái, phường Ngô Mây đạt giải Nhì. “Anh em chúng tôi đặt mục tiêu cây nêu phường mình năm nay phải giành giải Nhất” - tiếng một người trong nhóm, liền sau đó là tràng cười hào sảng, vui vẻ.
Các “nghệ nhân” của phường Ngô Mây trang trí cho cây nêu của đơn vị mình
Ngay trong buổi trưa khai mạc Hội thi, qua quan sát 14 cây nêu vừa mới được dựng lên và mới chấm điểm “sơ bộ” nêu vào ban ngày (sau đó, còn phải chấm nêu vào ban đêm để thấy vẻ đẹp lung linh của nêu về đêm khi những chiếc đèn dầu treo trên cây nêu phát huy chức năng của mình và chấm điểm bài thuyết trình về cây nêu của mỗi đơn vị), Ban giám khảo đã thể hiện tâm trạng phấn khởi về chất lượng Hội thi. Bởi qua những thông điệp chứa đựng từ các vật trang trí trên cây nêu, Ban giám khảo hiểu được rằng, qua 3 lần tổ chức Hội thi, hiểu biết về cây nêu người dân đã dần nắm vững, thấm thía hơn và cả không thiếu những sự thể hiện sáng tạo.
Giám khảo Bùi Việt Thanh cười hài lòng khi bắt gặp hình ảnh chùm lông chim (tuy được bó, kết lại chưa khéo tay lắm) trên ngọn nêu của phường Đống Đa. Bó lông chim ấy chính là vũ - tượng trưng cho chim thần mang điều phúc, một kiểu trang trí rất cổ xưa trên cây nêu Việt truyền thống mà chưa thấy xuất hiện tại Hội thi hai kỳ trước.
Tương tự, ông Bùi Việt Thanh cũng đánh giá cao hiểu biết sâu sắc của phường Quang Trung bởi sự xuất hiện của ba sản vật nông nghiệp: bó lúa, trái bắp (ngô) và chùm khoai lang trên cây nêu của phường. Theo ông Bùi Việt Thanh, ba sản vật ấy gắn với tích về cuộc đấu trí giữa người và quỷ, trong đó con người có sự giúp đỡ của Phật để chiến thắng quỷ.
“Nguồn gốc của việc dựng nêu là để ngừa quỷ đến phá nhiễu con người. Truyền thuyết kể rằng ngày xưa khi con người trồng lúa, đến kỳ thu hoạch, quỷ ngang ngược đến đòi lấy ngọn, cho người phần gốc. Người đến hỏi Phật cách trị quỷ, Phật dạy con người trồng khoai, tha hồ cho quỷ lấy phần ngọn. Quỷ tức tối đòi mùa tới sẽ lấy cả gốc lẫn ngọn, Phật lại dạy con người trồng bắp…” - ông Bùi Việt Thanh nói. Còn theo các “nghệ nhân” dựng nêu của phường Quang Trung, chọn đưa vào trang trí ba sản vật nông nghiệp này, phần để gợi lại một tích xưa liên quan đến cây nêu, mặt khác nhằm tôn vinh văn minh nền nông nghiệp của dân tộc ta…
Một vật trang trí khác đặc biệt gây ấn tượng và xúc động mạnh cho Ban giám khảo lẫn người xem: bộ cung đã giương tên, mũi hướng về biển - cùng xuất hiện trên hai cây nêu của phường Đống Đa và Trần Hưng Đạo.
Kết quả thi dựng nêu dự kiến sẽ được công bố trong lễ hạ nêu, ngày 23. 2 (tức 16 tháng Giêng âm lịch)
Các thành viên Ban giám khảo cho biết, cũng như vũ và “bộ ba” sản vật nông nghiệp lúa - khoai - bắp, cung tên cũng là vật trang trí thường có trên cây nêu truyền thống ngày xưa, với ý nghĩa là vũ khí để ngừa quỷ.
Cũng cần nhắc lại một chút, phong tục dựng nêu là thay lời khẳng định chủ quyền, rằng đây là đất có chủ, quỷ đừng đến. Đi trong ngày hội dựng nêu ngày Tết, tôi nghe những người cùng dự hội “kháo” nhau về chi tiết trang trí này, rằng: ngày xưa, cung tên (trên cây nêu) là để ngừa quỷ, ngày nay cung tên - đặc biệt hướng về phía biển - là để khẳng định chủ quyền, ngăn chặn thế lực nào đang lăm le xâm chiếm đất nước mình…
SAO LY