Dạ hội đón Xuân trên quê hương Bình Định
Tối nay (29 Tết, tức ngày 7.2.2016), tại Quảng trường Trung tâm tỉnh (đường Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn) diễn ra Dạ hội mừng Đảng mừng Xuân, đón Giao thừa Bính Thân - năm 2016.
Chương trình năm nay gồm hai phần chính, từ 20 giờ 30 đến 22 giờ là chương trình chính với chủ đề Sắc Xuân trên quê hương Bình Định; từ 22 giờ đến 24 giờ là chương trình hoạt náo đón giao thừa với các hoạt động: Ca múa nhạc, võ thuật, múa Lân Sư Rồng vui Xuân đón Tết. Tiếp dó, đúng thời khắc giao niên, sẽ là màn bắn pháo hoa tầm thấp đón chào năm mới Bính Thân - 2016.
PV Báo Bình Định đang có mặt tại nơi diễn ra Lễ hội sẽ liên tục cập nhật thông tin, hình ảnh về Lễ hội chuyển đến quý độc giả.
20 giờ 30 đêm 29 tháng Chạp năm Ất Mùi (7.2), tại khu vực Quảng trường Trung tâm tỉnh ở TP Quy Nhơn, chương trình Dạ hội mừng Đảng, mừng Xuân đón giao thừa có chủ đề “Sắc Xuân trên quê hương Bình Định” bắt đầu.
Đến dự chương trình Dạ hội có các đồng chí: Nguyễn Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh…
Năm nay, bên cạnh khu vực tổ chức Dạ hội là Đường hoa Thanh niên Bình Định rất đẹp mắt, thu hút rất đông người dân và du khách. Vì vậy, khi chương trình Dạ hội giao thừa bắt đầu, lượng người sau khi thưởng ngoạn xong Đường hoa đã tiếp tục sang thưởng thức chương trình nghệ thuật, khiến không khí vô cùng náo nhiệt.
Chương trình Dạ hội Giao thừa mở đầu bằng tiết mục bằng tiếng mục ấn tượng múa “Âm vang tiếng trống quê hương”.
Trong âm thanh vang vọng của dàn trống chầu rền, trên màn hình led ở trung tâm sân khấu hiện lên những hình ảnh trống đồng, tượng Hoàng đế Quang Trung, hoa mai, cờ Tổ quốc, cờ Đảng cùng dòng chữ “Mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân thịnh vượng”... như khẳng định sự tiếp nối truyền thống hào hùng từ quá khứ đến hiện tại, cùng hướng về nhân dân, quê hương, đất nước.
Sau tiếng trống khai hội của Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng, dàn trống chầu cũng đã vang lên, các võ sinh, diễn viên cùng ra sân khấu biểu diễn tạo nên phần mở đầu đầy khí thế và hoành tráng.
Sau phần mở màn, tiết mục hợp xướng “Như hoa hướng dương” vang vọng những lời ca: “Như hoa hướng dương/ Hướng về mặt trời/ Chúng ta nguyện đi theo Đảng. Đời đời nguyện đi theo Đảng...”, trên màn hình led cũng xuất hiện những hình ảnh về Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIX; hình ảnh giới thiệu những thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội tiêu biểu mà tỉnh nhà đạt được trong 5 năm qua... Tất cả như chuyển tải ý nghĩa với niềm tin lớn, khí thế mới, tỉnh Bình Định hòa cùng niềm vui chung của cả nước hân hoan chào đón kỷ niệm 86 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chào mừng thành công Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Trong niềm vui mừng Đảng mừng Xuân, nhiều thế hệ người dân Việt Nam đều thành kính tưởng nhớ đến Bác Hồ. Những hình ảnh về Bác xuất hiện trên màn hình led cùng tiết mục đơn ca nữ “Những bông hoa trong vườn Bác” khiến khán giả lắng đọng trong dòng cảm xúc đêm cuối năm : “Những bông hoa trong vườn Bác/ Tỏa ngát hương mang tình yêu mênh mông của Người/ Mỗi mùa hoa một mùa quê hương... Em ơi nghe chăng mùa xuân đến/ Trong muôn tươi xanh hay trong cánh chim/ Trong muôn tiếng ca ngọt ngào tình quê hương/ Say muôn sắc hoa dịu dàng trong nắng xuân”.
Sau những tiết mục đặc sắc ca ngợi Đảng, Bác Hồ, chương trình Dạ hội giao thừa đã đem đến cho không khí lạnh đêm cuối năm những sắc màu lung linh nhưng gần gũi, nồng ấm của bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam.
Liên khúc dân ca bài chòi “Mùa xuân trên biển đảo” đã được các nghệ sĩ Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định thể hiện ngọt ngào, lôi cuốn, với những lời ca ngợi ca những đổi thay trên quê hương, thể hiện tình cảm gắn kết giữa các chiến sĩ Biên phòng và ngư dân, hỗ trợ ngư dân Bình Định vươn khơi xa đánh bắt, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc...
Cũng khai thác từ nguồn mạch truyền thống, tiết mục múa “Văn là đây võ cũng là đây” của biên đạo Thu Hương đã sử dụng chất liệu vũ đạo của nghệ thuật tuồng để các diễn viên múa trình diễn, cùng sự tham gia của các võ sư, võ sinh thể hiện cảnh thầy dạy trò học văn luyện võ... khắc họa trên sân khấu bằng ngôn ngữ múa về một miền đất được mệnh danh là “Đất Võ, Trời Văn” khi là cái nôi dưỡng nuôi nhiều anh hùng, danh nhân văn hóa, văn nghệ sĩ lớn của đất nước.
Trong âm hưởng chung của bản sắc truyền thống, chương trình tiếp tụ đơn ca nam ca sĩ Hiếu Thành “Mời em về thăm quê anh” cùng những lời ca là giới thiệu trên màn hình những di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng nổi tiếng của Bình Định.
Lần đầu tiên tham gia chương trình Dạ hội giao thừa, nhà thiết kế Minh Huy (TP Quy Nhơn) góp phần cho chương trình thêm những sắc màu sinh động, cuốn hút với phần trình diễn thời trang áo dài “Lung linh phố biển” qua thể hiện của 20 người đẹp trình diễn bộ sưu tập.
Ngồi giữa những cơn gió lạnh không ngớt, người xem bỗng cảm thấy ấm nồng men say khi thưởng thức tiết mục múa “Ngọt tình Bàu Đá Cù Lâm”. Trên nền âm nhạc đậm chất dân gian miền Trung của nhạc sĩ Đào Minh Tâm, Biên đạo Châu My đã dàn dựng cho các diễn viên múa thể hiện niềm trân trọng với làng nghề rượu Bàu Đá nổi tiếng từ bao đời nay. Mỗi giọt rượu là mỗi giọt mồ hôi mặn mà được chắt chiu từ sự cần cù, chất phác của người dân thôn Cù Lâm (xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn).
Tiếp nối đó, tiết mục múa tuồng “Khánh Chúc Xuân” của Nhà hát Tuồng Đào Tấn gây ấn tượng mạnh với sự tham gia của gần 60 cán bộ, nghệ sĩ.
Nội dung tiết mục “Khánh chúc Tân Xuân” chia làm ba phần theo kết cấu vòng tròn gồm: Tiếng hát mừng Đảng mừng Xuân - Múa trình tường - Tiếng hát mừng Đảng mừng Xuân, được dàn dựng theo phong cách múa trình tường (múa chúc phúc) - một bài múa đặc trưng trong tuồng cổ.
Bày tỏ sự hài lòng khi đứng dưới sân khấu theo dõi tiết mục, NSƯT Gia Thiện, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát tuồng Đào Tấn, chia sẻ: “Trên nền tảng nghệ thuật tuồng, tiết mục của Nhà hát chúng tôi trình diễn tối hôm nay mong muốn được góp phần tô điểm thêm những nét đẹp mang âm hưởng của thời đại diễn tả sự đổi mới vươn lên của miền đất địa linh nhân kiệt Bình Định nói riêng và cả nước nói chung”.
Một bất ngờ trong chương trình là sự xuất hiện của quán quân Giọng hát Việt nhí 2014 Thiện Nhân với ca khúc "Lời ru một đời" (sáng tác Nguyễn Hồng Thuận) và "Tết Đoàn viên" (sáng tác Minh Vy).
Chương trình Dạ hội đã thay đổi không khí với phần trình diễn võ thuật “Song phượng kiếm” được võ sư Trần Duy Linh dàn dựng cho 50 VĐV, võ sinh của Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định biểu diễn.
Tiết mục có hình thức mô phỏng một buổi luyện tập võ nghệ cùng binh lính của Đô đốc Bùi Thị Xuân (người đã sáng chế ra bài Song phượng kiếm) như lời nhắc nhở các thế hệ hôm nay luôn tiếp nối góp phần gìn giữ tinh hoa võ cổ truyền Bình Định - đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vât thể quốc gia.
Phần cuối chương trình Dạ hội giao thừa xen lẫn trong âm vang đón chào một mùa xuân mới là những phút giây dâng trào cảm xúc hướng về biển, đảo quê hương.
Ca khúc “Mùa xuân nơi Trường Sa” qua giọng hát truyền cảm của ca sĩ Kiều Lệ đã bày tỏ tấm lòng của người dân nơi đất liền: “Dẫu cuối đất cùng trời, vẫn nồng nàn Tổ quốc/ Câu dân ca đậm ngọt, ru ru mầm đá lên/ Mùa xuân, nơi đầu sóng, hoa bão táp chờ em/ Cánh trắng như nỗi nhớ anh gửi vào tháng Giêng”.
Tiết mục múa “Bé chúc Xuân” của CLB New Star và CLB múa Chích Chòe Bông với các diễn viên nhí hồn nhiên đem đến sự thích thúc cho người xem.
Không khí chương trình tiếp tục được “làm nóng” với tiết mục biểu diễn của tốp nam nữ nhảy hiện đại “Những trái tim Việt Nam” của các diễn viên trong đồng phục áo đỏ sao vàng.
Người xem thêm phần xúc động khi trên màn hình led xuất hiện hình ảnh cột cờ Tổ quốc trên đảo Nhơn Châu, cùng lễ chào cờ thiêng liêng của tuổi trẻ Bình Định, các hoạt động hướng về biển đảo như lời khẳng trong thời khắc chuyển giao năm cũ - năm mới rằng, thế hệ trẻ đất Võ hôm nay nguyện phát huy truyền thống cha ông để xung kích, sáng tạo trong xây dựng quê hương đất nước, sẵn sàng lên đường chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Chương trình chính của Dạ hội giao thừa kết thúc liên khúc hát múa “Chúc mừng năm mới - Ngày Tết quê em - Bình Định ngày mới ” đầy sôi động, khí thế với những hình ảnh chợ hoa ngày Tết, các lễ hội ngày xuân, các công trình lớn của tỉnh... chuyển tải thông điệp chào đón một mùa xuân mới tươi đẹp đã về, khởi đầu cho một năm mới với những kì vọng mới về những bước phát phát triển trên nhiều lĩnh vực, xứng đáng với tiềm năng và kết tinh những thành quả từ những nỗ lực đồng lòng, chung sức của Đảng bộ và nhân dân Bình Định.
Sau khi Chương trình chính kết thúc vào lúc 22 giờ 15 phút, Dạ hội giao thừa tiếp tục sôi động, hấp dẫn trên sân khấu Quảng trường Trung tâm tỉnh với chương trình hoạt náo do Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao TP Quy Nhơn dàn dựng với nhiều tiết mục biểu diễn đa dạng như múa lân sư rồng, ảo thuật, nhảy hip hop, ca múa, biểu diên nhóm nhạc Flameco, nhóm Trầm band...
Chương trình hoạt náo góp phần tạo sự hứng thú, tươi vui cho mọi người trong những giờ phút chờ đón giao thừa.
Chương trình Dạ hội mừng Đảng mừng Xuân, đón Giao thừa Bính Thân - năm 2016 khép lại với màn pháo hoa rực rỡ vào đúng thời khắc giao niên.
Quảng trường Trung tâm tỉnh thêm bừng sáng trong những nụ cười, ánh mắt hân hoan của hàng ngàn người cùng tụ hội về để chào đón giao thừa, với những ước vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, cùng những kì vọng về những bước phát triển mới của quê hương Bình Định trong năm 2016.
NHÓM PV, CTV BÁO BÌNH ĐỊNH