Theo dấu mùa Xuân
Mùa xuân đã gõ cửa từng nhà, mang theo vào lòng người cái náo nức, nôn nao và khấp khởi với bao hy vọng mới. Mời bạn cùng theo dấu mùa Xuân qua những lát cắt dưới đây của các PV, CTV Báo Bình Định ghi nhận không khí đón Xuân ở các địa phương trong tỉnh.
Thị xã An Nhơn: Năm mới, ước vọng mới
Chiều 29 Tết (7.2), trên địa bàn thị xã An Nhơn, không khí “Mừng Đảng mừng Xuân”, đón Tết Bính Thân - năm 2016 khá tưng bừng nhộn nhịp.
Trên khắp các nẻo đường từ trung tâm thị xã đến các làng quê như khoác trên mình chiếc áo mới với đủ màu sắc rực rỡ của cờ hoa từ những băng rôn, cổng chào đến những chậu mai, vạn thọ, cúc…
Do trời không mưa như những ngày trước nên người dân nô nức kéo nhau đi chợ hoa, mua sắm Tết diễn ra khá nhộn nhịp, bởi thời điểm này người dân mới rảnh rang đi sắm Tết. Hai tuyến đường chính của thị xã là đường Lê Hồng Phong và đường Trần Phú (phường Bình Định) khá nổi bật, bởi các tuyến đường này vừa mới nâng cấp mở rộng và được trang trí khá đẹp để đón Tết.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch UBND phường Bình Định, cho biết: “Phường đã vận động người dân sống hai bên đường Trần Phú mua hơn 200 chậu hoa cúc để trang trí dọc hai bên vỉa hè nên làm cho con đường này càng trở nên rực rỡ để đón Tết”.
UBND phường Bình Định đã tổ chức chương trình văn nghệ đón giao thừa, với chủ đề “Xuân quê hương năm 2016” thu hút rất đông người dân đến xem.
Càng về tối, người dân kéo đến chợ hoa Tết được bày bán tại khu dân cư mới Bắc Ngô Gia Tự (phường Bình Định) ngày càng đông hơn.
Anh Nguyễn Minh Hồng (42 tuổi, ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bình Định) dẫn vợ con đi chợ hoa để mua hoa về chưng Tết, tâm sự: “Do bận công việc làm ăn ở TP Hồ Chí Minh nên nhiều năm nay phải đón Tết xa nhà, Tết này tôi đưa cả nhà về quê đón Tết nhìn thấy thị xã có nhiều thay đổi nên rất mừng. Bước vào năm mới 2016, tôi mong ước thị xã sẽ có nhiều phát triển vượt bậc hơn nữa để xứng tầm với danh thị xã”.
Đến 20 giờ đêm, tuy số người đến chợ hoa An Nhơn đông nhưng chỉ dạo xem hoa, trong khi số người mua hoa ít nên lượng hoa còn khá nhiều, nhất là hoa cúc, quất.
Để phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, thưởng thức các giá trị văn hóa tinh thần của nhân dân trong dịp Tết Bính Thân - năm 2016, Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao (VHTT-TT) thị xã An Nhơn đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, với các hoạt động: Từ ngày 6.2 đến 14.2 (từ 28 tháng Chạp đến mùng 7 Tết), tổ chức Hội xổ Cổ nhơn tại Trung tâm VHTT-TT thị xã; từ ngày 9 đến 11.2 (mùng 2, 3, 4 Tết) tổ chức Hội đánh Bài chòi dân gian tại Trung tâm VHTT-TT thị xã; từ ngày 13 và 14.4 (mùng 6 và 7 Tết) tổ chức thi đấu Cờ người tại Trung tâm VHTT-TT thị xã; từ ngày 8 đến 12.2 (mùng 1 đến 5 Tết), tổ chức trưng bày Báo Xuân - Sách chuyên đề tại Thư viện thị xã; từ ngày 12 đến 14.2 (mùng 5, 6, 7 Tết), tổ chức trưng bày Mỹ thuật tại Trung tâm VHTT-TT thị xã; từ ngày 13 đến 15.2 (mùng 6, 7, 8 Tết), tổ chức thi đấu Võ đài tại xã Nhơn Lộc; ngày 18.2 (11 tháng Giêng), tổ chức biểu diễn ca nhạc tại Sân vận động thị xã.
An Lão: Ngân vang cồng chiêng và vị rượu cần đêm giao thừa
Đã hơn 22 giờ đêm 29 tháng Chạp Ất Mùi, không khí đón giao thừa Tết Bính Thân - năm 2016 ở An Lão sôi động hẳn lên.
Dù ngoài trời nhiệt độ đã xuống 160C, cái rét căm căm đang tràn ngập khắp núi rừng nhưng vẫn không ngăn nổi những dòng người khoác áo ấm kín bưng đổ về nhà sinh hoạt văn hóa các thôn để cùng nhau đốt lửa ngoài trời, múa hát, đánh cồng chiêng và thưởng thức hương vị rượu cần của mỗi gia đình tự nguyện mang đến để đón giao thừa.
Già làng Đinh Xuân Lực (thôn 2, xã An Quang) vui vẻ cho biết: “Chưa có đêm đón giao thừa nào lạnh như năm nay. Tuy vậy, dân làng mình vẫn đến đây đông đủ. Lớp trẻ, người già cùng nhau uống rượu cần, múa hát vui vẻ, cầu chúc cho năm mới được mùa lúa, mùa bắp, con trâu, con bò lớn nhanh, đẻ nhiều; con gà, con vịt sinh sôi nảy nở, mọi nhà đều khỏe mạnh và no cái bụng…”.
Tại tiền sảnh Nhà văn hóa cộng đồng huyện An Lão, có hàng trăm người dân không ngại trời lạnh buốt, ngồi xem và cổ vũ các bạn sinh viên về quê ăn Tết tham gia biểu diễn nhiều tiết mục văn nghệ vui tươi và đầm ấm…
Năm nay, người dân An Lão ăn Tết sung túc hơn mọi năm nhờ được mùa lúa, mùa keo nguyên liệu giấy; hộ nghèo, hộ chính sách được Nhà nước và các hội đoàn thể chăm sóc đủ đầy. Hàng hóa, hoa tươi được tiêu thụ mạnh hơn mọi năm…
Tây Sơn: Sắc Xuân lan tỏa
Từ 25 tháng Chạp, hầu hết người dân Tây Sơn đều bắt đầu cảm nhận được không khí của một mùa Xuân mới đang đến gần khi Trung tâm VH-TT-TT huyện phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chương trình nghệ thuật đặc sắc có chủ đề “Mùa Xuân dâng Đảng”. Trên các tuyến đường xuất hiện rất nhiều cờ trang trí, panô nhỏ, khẩu hiệu tuyên truyền với nội dung mừng Đảng, mừng Xuân và cùng với đó là chợ hoa Tết bắt đầu đi vào hoạt động.
Tại xã khó khăn Vĩnh An và làng M6 (xã Bình Tân) năm nay, bà con đón Tết vui hơn, bởi ngoài làm ăn được mùa thì dịp Tết này, bà con còn được các ngành, đoàn thể của tỉnh, huyện tặng hàng trăm suất quà Tết (các nhu yếu phẩm như đường, bọt ngọt, dầu ăn, nước mắm…) để đỏ lửa trong những dịp Tết.
Anh Thân Văn Sang, Trưởng làng M6, chia sẻ: “Làng M6 có 60 hộ với 198 nhân khẩu. Những ngày qua, làng được các cấp quan tâm tặng gần 300 suất quà Tết và 500 kg gạo nên bà con trong làng đón Tết rất vui. Như tối nay, bà con đang mang rượu cần đến nhà rông (mỗi nhà một nghè) để uống cùng nhau đón giao thừa chào năm mới”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, từ sáng 29 Tết, tuyến quốc lộ 19 và các tuyến đường liên xã về trung tâm huyện rất đông người bởi người dân ở các xã lân cận đổ xô đi xem chợ hoa, mua sắm Tết tại chợ Phú Phong.
Có mặt tại chợ hoa Tết Tây Sơn vào chiều tối 29 Tết, chúng tôi nhận thấy không khí mua sắm tại đây rất khẩn trương và nhộn nhịp.
Anh Hồ Sĩ Thuận, xã Phước Hiệp (Tuy Phước), người có thâm niên 10 năm bán hoa Tết tại Tây Sơn, chia sẻ: “Năm nay, người mua có xu hướng chuyển sang mua những chậu hoa kiểng nhỏ, vừa tiện đặt trong nhà hoặc có thể đặt ngoài mộ khi đi tảo mộ. Cũng vì vậy nên 7.000 ngàn chậu hoa mào gà và vạn thọ của tôi chỉ từ 27 Tết đến giờ đã bán được 6.000 chậu”.
Theo nhận xét của hầu hết người dân đến tham quan và mua sắm tại chợ hoa Tết thì hoa Tết tại Tây Sơn năm nay phong phú hơn so với mọi năm nhưng lại không đẹp.
Chị Nguyễn Lanh, 35 tuổi, nhà xã Tây Phú, chia sẻ: “Bình thường ông nhà tôi thích chơi mai và cúc nhưng xuống đây xem thì thấy hoa không đẹp. Nghe các chủ hoa ở đây nói là do thời tiết bất lợi nên các loại hoa đều hư hết. Vì vậy, tôi đành chọn mua một chậu quất kiểng với giá 400 ngàn đồng để chưng trong ba bữa Tết”.
Từ tối 29 Tết đến gần giao thừa, từ thị trấn Phú Phong tỏa về các xã nông thôn, miền núi khắp nơi trên địa bàn huyện đâu đâu cũng rực ánh điện, rộn rã dòng người. Nhà cửa được chỉnh trang, hoa Tết được trưng bày… rạng rỡ sắc xuân.
Anh Nguyễn Minh Khoa, 25 tuổi, nhà xã Tây Thuận, cho biết: “Nhà cách thị trấn hơn 10 km nhưng tôi cùng nhóm bạn cùng nhau đi xe máy xuống “phố” dạo để tận hưởng khoảnh khắc bước sang năm mới”.
Theo ông Nguyễn Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Tây Sơn, cho biết, trong dịp Tết nguyên đán Bính Thân - năm 2016 Trung tâm cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao như: Triển lãm Sinh vật cảnh, Hội thi đối kháng võ cổ truyền các ngày mồng 4, 5, 6 Tết tại Sân vận động Tây Sơn. Ngoài ra, điểm mới năm nay là Trung tâm sẽ tổ chức thi đấu cờ người vào sáng mùng 5 Tết tại khu vực trước Bảo Tàng Quang Trung. Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động tại Bảo Tàng Quang Trung để chào mừng 227 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa; các xã, thị trấn trong huyện cũng sẽ tổ chức các hoạt động bóng chuyền, bóng đá, trò chơi dân gian mừng xuân mới.
Hoài Nhơn: Giao thừa về trong giá lạnh
Mấy ngày cuối năm, trời trở lạnh đột ngột. Hoài Nhơn - mảnh đất “cực Bắc” của tỉnh - càng chìm sâu trong cái lạnh. Thế nhưng, trắc trở của đất trời không ngăn được sự nôn nao trong lòng người trước thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới.
Năm nay biển được mùa, những chiếc ghe cập bến ngày cận Tết đều ắp đầy niềm vui. Các chợ vẫn rộn rịp không khí bán mua. Các khu vui chơi, hội chợ, lô-tô cũng đông khách trong ngày mở cửa.
Và chiều 29 Tết, các nghĩa trang vẫn nhộn nhịp người đi tảo mộ. Những chậu vạn thọ rực rỡ, giỏ trái cây, gói bánh kẹo… và tấm lòng thành với người đã khuất như sưởi ấm không gian lồng lộng gió.
29 Tết cũng là thời điểm cổ nhơn khai hội tại thị trấn Bồng Sơn và các vùng lân cận. Không có cổ nhơn thì không có Tết - nhiều người bảo vậy. Năm nay, số tấm bảng có ghi câu thai mọc lên ở dọc đường vẫn cứ tăng lên, minh chứng cho sức sống mãnh liệt của một trò chơi dân gian đầy minh triết của người dân mộc mạc.
Cứ tưởng tình trạng “nghẽn ATM” chỉ xảy ra ở các thành phố lớn, đông người lao động. Ngay tại thị trấn Tam Quan trưa 29 Tết, những dòng người vẫn rồng rắn xếp hàng để chờ được rút tiền. Không khí của ngày cuối năm dường như thêm phần bộn bề, tất bật.
Mùa hoa Tết năm nay quá nhiều thất thường, nắng to rồi lạnh buốt giá khiến hoa đổ về chợ giảm hẳn. Dọc đường quốc lộ 1A qua thị trấn Bồng Sơn, các điểm bán hoa mọi năm sầm uất là vậy, nhưng năm nay thưa hẳn. Tại thị trấn Tam Quan, tình hình cũng chẳng mấy khả quan hơn. Hoa ít, giá ngất ngưởng. Anh Trần Lê Vi (ở xã Hoài Hảo) mua được 3 chậu cúc, mỗi chậu 350 ngàn đồng. Anh kể: “Năm ngoái, tui mua 3 chậu lớn hơn này nhiều, nhưng mỗi chậu chỉ 250 ngàn”.
Hoa lily “made in Bình Định” năm nay cũng vắng bóng. Lily Đà Lạt giá rất “chát”, nhưng vẫn bán chạy do khách hàng có rất ít sự lựa chọn. Tại một shop hoa lớn bên cạnh Bưu điện Tam Quan, mỗi bình lily gồm 5 cành được bán với giá 300 ngàn đồng. Nếu khách hàng chọn mua từng cành theo ý mình, giá lên đến 80 ngàn đồng/cành.
Có lẽ đây là năm đầu tiên hoa đào được bày bán ở đất Tam Quan. Anh Hiếu (nhà ở khối 5, thị trấn Tam Quan) ra tận Hà Nội mua lô đào 40 gốc. Bắt đầu bán từ 26 tháng Chạp, đến trưa 29, anh đã bán được một nửa. Ban đầu giá bán 1,4-1,5 triệu đồng, sau chỉ còn 1,1 triệu đồng/gốc.
Càng về đêm, trời càng lạnh dữ. Dạo quanh những con phố, xe cộ có chiều thưa thớt hẳn.
22 giờ đêm giao thừa, như mọi năm là thời điểm sôi động nhất của các chợ hoa, nhưng năm nay chỉ thấy lác đác còn vài chậu cúc nở muộn, dăm chậu mai bonsai mini.
Người mua hoa ít ra đường, người bán hoa được về nhà sớm. Và như thế, giao thừa như trọn vẹn hơn dưới mỗi mái nhà…
Phù Cát: Náo nhiệt ngày cuối năm
Dạo một vòng chợ hoa Công viên Ngô Mây (huyện Phù Cát) chiều tối ngày 29 Tết mới thấy hết không khí náo nhiệt của kẻ mua người bán, người dạo chợ, thưởng hoa.
Ngày cuối năm, ai cũng tranh thủ đi chợ hoa, chọn cho mình một chậu hoa, chậu quất ưng ý nhất. Anh Nguyễn Đăng Hậu (xã Cát Tài) vừa chọn được một chậu cúc vừa ý, tươi cười chia sẻ: “Năm nào tui cũng đi chợ hoa, năm thì quất, năm thì vạn thọ, hoa hồng. Năm nay tui chọn cúc. Có chậu hoa tươi trong nhà mới ra ngày Tết”.
Quất cũng được bày bán rất nhiều, đa số được chuyển từ Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) ra. Anh Nguyễn Kế Dần, chủ bán quất, phấn khởi: “Quất giá tầm trung 200-400 ngàn đồng/chậu bán rất mạnh, còn mấy chậu đắc hơn bán hơi chậm nhưng nhìn chung năm nay tui bán được nhiều hơn năm ngoái”.
Bên cạnh cúc, quất, mai, những chậu hoa “mini” đủ màu sắc xinh xắn đã góp phần làm cho chợ hoa thêm phần rực rỡ.
Một điểm nhấn của chợ hoa Ngô Mây năm nay là lần đầu tiên xuất hiện gian hàng tranh thư pháp của bạn trẻ Phan Hồng Nhật (SV năm 4, khoa Xây dựng, Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh). Gian hàng còn khá mới mẻ, song vẫn thu hút nhiều sự quan tâm của những người cùng đam mê với nghệ thuật thư pháp.
Trong chợ, các gian hàng thiết yếu phục vụ ngày Tết như bánh mứt, hoa quả, quần áo cũng tấp nập người mua. Ai nấy đều muốn sắm sửa chu đáo để đón một cái Tết đủ đầy, sung túc.
Tại các vùng quê, công việc chuẩn bị cho Tết cũng đang được gấp rút hoàn thành. Anh Phong (xã Cát Lâm) đang khẩn trương đánh bóng cho xong hai bộ lư đồng để kịp giao cho khách.
Bận rộn với việc đồng áng đến tận 28 Tết, ngày cuối năm, chị Thành (xã Cát Hanh) tạm gác lại mọi công việc để chăm lo bếp núc cho gia đình. Với chị, dù bận rộn thế nào thì những món bánh truyền trống ngày Tết cũng không thể thiếu trên bàn thờ ông bà tổ tiên.
Tuy Phước: Sức mua tăng, hàng hóa phong phú
Không khí Xuân đã tràn về khắp mọi nơi, trên các nẻo đường quê ở Tuy Phước.
Ngay từ sáng 29 tháng Chạp Ất Mùi, chúng tôi dạo quanh một số chợ vùng quê ở Tuy Phước như: chợ Quán Mối, chợ Cầu Gành, chợ Huyện (xã Phước Lộc); chợ Gò Bồi (xã Phước Hòa); chợ Bồ Đề (thị trấn Tuy Phước); chợ Quán Cẩm (xã Phước An),… ghi nhận được không khí nhộn nhịp của những phiên chợ cuối năm. Từ hàng rau, hàng thịt cho đến hàng tạp hóa, hàng vải, hàng giày dép, hàng bánh kẹo… nơi nào cũng đông nghịt người mua, kẻ bán.
Tết năm nay sức mua của người dân nông thôn tăng mạnh so với mọi năm nhờ đời sống kinh tế phát triển khá. Hàng hóa khá phong phú và giá cả lại có phần mềm hơn so với mọi năm, do ưu thế hàng nội lấn át hàng ngoại. Nhiều mặt hàng như quần áo trẻ em, giày dép, bánh kẹo, hoa quả… có sức mua tăng cao.
Qua sức mua và các mặt hàng bày bán ở phiên chợ Tết cuối năm ở các chợ quê ở Tuy Phước có thể đánh giá được kết quả qua một năm sản xuất của người nông dân và phần nào thể hiện được sự thịnh vượng và sức sống mới của vùng nông thôn.
Càng về tối 29 Tết, lượng người đổ ra đường, hòa vào không khí đón năm mới trên các tuyến phố càng đông. Các chợ hoa thị trấn Diêu Trì nằm dọc theo tuyến quốc lộ 1 và thị trấn Tuy Phước nằm dọc theo quốc lộ 19… nhộn nhịp người xe, chen nhau chật kín đến các điểm vui chơi, mua hoa. Trời se lạnh và không mưa nên người dân rất hào hứng ra đường đón giao thừa. Đông nhất là tại chợ hoa tại đầu cầu Diêu Trì (thị trấn Diêu Trì), bà con chọn mua những chậu hoa cuối cùng của chợ.
Trong dịp đón năm mới, ông Nguyễn Đình Thuận, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: “Với phương châm “Tết đoàn kết, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh, an toàn”, huyện đã tập trung chuẩn bị chu đáo cho việc phục vụ nhân dân vui đón Tết cổ truyền. Đặc biệt, việc đẩy mạnh công tác chăm lo Tết cho hộ nghèo cũng như việc tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí tạo không khí phấn khởi bước vào năm mới với khí thế thi đua mới góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế xã hội huyện đưa ra trong năm 2016”.
Phù Mỹ: Tết thêm vui vì nông sản được giá
Chẳng cần tới thời khắc giao thừa, không khí Tết đã ngập tràn trên các nẻo đường ở Phù Mỹ. Chợ búa nhộn nhịp, giá cả các mặt hàng thiết yếu cho ba ngày Tết tăng đáng kể nhưng sức mua của người dân cũng không ngừng tăng so mọi năm. Nguyên do là cận Tết, ớt, kiệu, kể cả hoa Tết bán được giá, nông dân Phù Mỹ thu nhập khá, khiến việc chi tiêu thoải mái hơn nhiều.
“Ai cũng hớn hở mua sắm tận chiều 30 Tết, bán quên cả ăn luôn” - chủ tiệm tạp hóa Thanh Hương, ở chợ Phù Mỹ, vui vẻ nói.
Ngay cả các loại hoa Tết, đến chiều 29 gần như không còn, nhất là vạn thọ lùn rất đắt hàng, “giá từ 10.000 lên 12.000 rồi 15.000 đồng/chậu.
Đời sống Tết này sung túc còn thể hiện qua việc, ở nhiều con đường, góc xóm, nhiều nơi trên địa bàn huyện, người dân tự nguyện góp tiền tạo nên những đường hoa xinh đẹp dưới đường cờ tung bay rực rỡ đón giao thừa… Đến nay, bằng nguồn lực của người dân đóng góp là chủ yếu, toàn huyện Phù Mỹ đã lắp đặt hơn 4.400 bóng đèn tiết kiệm điện trên tổng chiều dài hơn 220 km đường giao thông nông thôn. Đường nông thôn sáng ánh điện, tăng thêm sức sống mới trên toàn địa bàn huyện khi Xuân về.
Cụ bà Nguyễn Thị Hạnh (84 tuổi, ở thôn Gia Vấn, xã Mỹ Hòa) hứng khởi sẻ chia: “Già thấy vui quá. Từ trong nhà ra ngoài đường đều có điện, chỗ nào cũng sáng sủa”.
Vân Canh: Vui Xuân với văn hóa truyền thống
Trên khắp các thôn làng của đồng bào Chăm, Bana trên địa bàn huyện Vân Canh, các nghi lễ văn hóa, các trò chơi dân gian đón giao thừa đang diễn ra từng bừng.
Lễ văn hóa đậm đà bản sắc văn hóa đêm giao thừa ở vùng cao là lễ Khaja của người Bana ở xã vùng cao Canh Liên. Những người già như già Đinh Văn Trí (làng Hà Giao), Đinh Văn Hùng (làng Chồm), Đinh Bằng (làng Canh Tiến) quan niệm rằng: Đêm giao thừa là đêm nhà trời mở cổng chào đón các vị thần về báo cáo tình hình làm ăn suốt một năm qua của bà con dân bản.
Vì vậy, để dọn đường cho các vị thần về trời, người Bana ở các làng vùng cao hóa trang thành các vị thần như: mặt trời, mặt trăng, thần cây cối, sông, suối, thần chúa tể sơn lâm… để xua đổi tà ma, cầu sức khỏe, sự may mắn, ấm no cho bà con dân làng. Ngoài ra, họ còn dâng lên các vị thần đồ ăn thức uống được làm từ các sản vật của núi rừng…
Những ngày cận Tết, tiếng cồng, tiếng chiêng từ cổng trời cao Canh Liên cao vời vợi hòa lẫn với với tiếng hát giao duyên h’ri, a’mon của các chàng trai cô gái Chăm, Bana ở các làng Canh Phước, Canh Hòa. Ở các làng này đang diễn ra cuộc giao lưu văn hóa - văn nghệ giữa bà con trong làng với các làng lân cận.
Ở làng Hà Văn Trên (xã Canh Thuận), bà con tập trung rất đông ở nhà rông cổ vũ cho các chàng trai, cô gái Bana thi diệt thổ cẩm, đan lát, kéo co, cùng các trò chơi khác diễn ra rất sôi động...
Riêng làng Hiêp Hội (thị trấn Vân Canh), đến thời điểm này, già làng Lê Văn Ru đang bên ché rượu cần, con gà, vẫy gạo trắng lên trời cao mời thần linh, ông bà tổ tiên về chứng giám một năm lao động miệt mài sản xuất, phát triển kinh tế của dân làng; cầu cho làng năm mới an khang, thịnh vượng. Các chàng trai, cô gái người Chăm trong các trang phục truyền thống say sưa trong điệu xoang, múa cồng chiêng, trống k’toan.
Các ngõ đi vào nhà rông làng Hiệp Hội không còn khoảng trống để chen chân, bởi mọi người ở các thôn, các làng trên địa bàn thị trấn và các xã lân cận tập trung về để được chứng kiến và tham gia vào lễ đỗ đầu cầu an.
Anh Hoàng Kim Thành, một người con của làng Hiệp Hội, sau một năm đi làm ăn xa về, vui vẻ cho biết, anh đã sắp xếp công việc trong TP Hồ Chí Minh, về nhà sớm để được tham gia vào lễ múa cồng chiêng, trống k’toan của đồng bào; để được cụ Ru cúng đổ đầu cầu an đem lại may mắn.
Ông Lê Thanh Nhơn, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Vân Canh cho biết: Đêm gioa thừa là đêm vui nhất. Tất cả già, trẻ, gái, trai ở các làng trên địa bàn huyện đều ăn mặc theo kểu truyền thống và tập trung về nhà rông đầy đủ để sinh hoạt trong lễ hội truyền thống và các trò chơi dân gian của đồng bào mình. Khi già làng vẫy gạo cúng tế xong, các chàng trai, cô gái ở các làng hò reo đánh cồng, đánh chiêng, múa xoang đi vòng quanh nhà rông và quanh làng uống rượu ghè và chúc phúc cho nhau thâu đêm suốt sáng bên ánh lửa lung linh của đêm giao thừa.
Hoài Ân: Thắm sắc Xuân trung du
Tết này, không khí chuẩn bị Tết ở Hoài Ân rộn ràng không kém phố thị.
Qua 5 năm xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn Hoài Ân đã thay đổi rõ rệt, đời sống ấm no thể hiện rõ ở từng ngôi nhà, con đường. Đường giao thông nông thôn được xây dựng bê tông xi măng gần khắp kín, trên 75% số xã nhân dân đã tự đóng góp tiền để lắp điện đường thắp sáng vào ban đêm, tạo nên một diện mạo mới cho nông thôn.
Năm 2015 cũng là năm kinh tế Hoài Ân có sự phát triển tốt đẹp: Lúa được mùa, năng suất cao nhất từ trước đến nay; rừng nguyên liệu giấy đến kỳ thu hoạch, giá cao, nhiều hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng; chăn nuôi heo phát triển mạnh, cuối năm 2015 tổng đàn heo của huyện có trên 232 ngàn con, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2014 và tăng hơn 273% so với năm 2010. Vào dịp cuối năm 2015, mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe heo được bán đi khắp mọi miền đất nước với giá từ 41.000 - 44.000 đồng/kg, người chăn nuôi có thu nhập cao.
Chợ Mộc Bài đông đúc vào những ngày giáp Tết.
Trong niềm vui ấy, trên khắp các tuyến đường từ thị trấn Tăng Bạt Hổ đến các xã vùng cao, được trang trí cờ hoa rực rỡ, với khẩu hiệu chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, mừng đất nước đổi mới.
Không khí mua sắm Tết của người dân diễn ra tấp nập. Không chỉ ở chợ Mộc Bài, thị trấn Tăng Bạt Hổ, các tuyến phố, mà chợ các xã cũng nhóm họp cả ngày, sức mua rất cao.
Không chỉ ở Hội hoa xuân tại thị trấn Tăng Bạt Hổ, mà ở các xã vùng xa, vùng cao, hoa, cây, cá cảnh cũng được đưa về tận nơi phục vụ nhu cầu người dân.
Tết này, ngoài điểm vui xuân tại Trung tâm Văn hóa huyện, các hoạt động văn hóa - thể thao cũng được tổ chức sôi nổi tại các xã, tạo không khí vui tươi đón chào xuân mới.
Ấm áp Xuân Vĩnh Thạnh
Xuân Bính Thân - năm 2016 ở Vĩnh Thạnh đến trong không khí rộn ràng và ấm áp, 100% số hộ nghèo trên địa bàn huyện được hỗ trợ đỏ lửa với 80 tấn gạo, hơn 8.000 phần quà Tết đã đến tay các hộ nghèo và các gia đình chính sách mang đến cho nhiều hộ dân ở Vĩnh Thạnh một mùa xuân tươi vui và ấm áp. Nhiều chương trình văn hoá văn nghệ - thể thao được tổ chức ở các xã, thị trấn tạo nên không khí vui tươi phấn khởi nhân dịp đầu xuân.
Tại các làng miền núi, không khí đón năm mới rộn ràng từ chiều 29 Tết. Tại làng Tà Điệk (xã Vĩnh Hảo), ngay từ chiều 29 Tết, bà con mang rượu cần đến nhà rông để chung vui sau một năm làm lụng vất vả. Câu lạc bộ cồng chiêng của làng khai hội cồng chiêng mừng năm mới. Tiếng chiêng, tiếng trống vang lên trong những ngôi nhà sàn, nhà văn hóa và điệu xoang nhịp nhàng, uyển chuyển, xiết chặt những bàn tay đoàn kết, lan tỏa men rượu say nồng và những món ăn truyền thống, mọi người cùng chúc nhau những lời tốt đẹp nhất, cầu mong cho đất nước thanh bình, gia đình hạnh phúc.
Mùa xuân mới đang về, sắc xuân ấm áp ùa về từ những ngọn núi gần. Cuộc sống của người dân Vĩnh Thạnh hôm nay đã có sự thay đổi đáng mừng. Những tiềm năng về đất đai, khí hậu, thời tiết đã ngày càng được khơi dậy. Bây giờ ở Vĩnh Thạnh đã có sự ổn định từ nhiều loại cây trồng dài ngày và cả ngắn ngày như cây điều, cây ngô lai, dưa hấu, đậu đỗ các loại… Đời sống của người dân, bộ mặt của xã hội đã có bước phát triển nhanh chóng. Nhiều công trình giao thông, thuỷ lợi, trường học, bệnh viện… khang trang bề thế đã mọc lên.
Lúa xuân đang vươn lá xanh biếc trên đồng ruộng, tô điểm thêm sắc xanh của đại ngàn. Không khí ngày xuân đầy ắp trong mỗi gia đình. Ngay từ những ngày cuối năm, bên bếp lửa bập bùng, mỗi gia đình tự triển khai kế hoạch phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất, nâng chén rượu nồng mọi người chúc nhau thành công trên mọi lĩnh vực.
NGUYỄN PHÚC- HOÀNG NAM QUỐC - NGUYỄN HỒNG PHÚC - NGUYỄN VĂN TRANG - THU HẠNH - TRỌNG LỢI - XUÂNLỘC - ĐÌNH DẶM - VĂN HÙNG - XUÂN DŨNG