Đầu năm “đón lộc cầu duyên” ở Chợ Gò
6 giờ sáng mùng Một Tết Bính Thân – năm 2016, trời mưa lạnh khiến khu vực tổ chức Chợ Gò (thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước) vẫn còn mờ mờ tối. Sự trở ngại về mặt thời tiết vẫn không làm giảm đi được tiếng cười nói rộn ràng của người mua - kẻ bán tìm về càng lúc càng đông.
Bà Lê Thị Điệp (76 tuổi) đã bán trầu cau được gần 60 phiên Chợ Gò.
Đầu xuân hội chợ hai ngày Tết
Rảo bước một vòng quanh Chợ Gò khi trời còn chưa sáng rõ, chúng tôi bắt chuyện một bà lão tuổi đã gần thất thập. Khi được hỏi vì sao tuổi cao sức yếu, giữa khi trời mưa lạnh, mà còn đi dạo chợ từ sớm, cụ không trả lời, chỉ móm mém cười và trả lời bằng… hai câu ca dao: “Đầu xuân đón lộc cầu duyên/ Trầu cau em gánh đi phiên Chợ Gò”.
Phiên Chợ Gò đã tồn tại suốt mấy trăm năm nhờ ý thức gìn giữ nét mộc mạc của một phiên chợ quê truyền thống như thế của người dân. Điều này xuất phát không chỉ từ sự tôn kính của người dân đối với các tướng lĩnh nhà Tây Sơn đã có công tổ chức lễ hội Chợ Gò ban đầu, mà còn ở những ý nghĩa tốt đẹp, đem đến những niềm vui, cầu mong sự may mắn từ phiên chợ này trong năm mới.
Chưa đến 7 giờ sáng mùng Một Tết, trời lạnh nhưng nhiều người đã tìm về Chợ Gò.
Trong số dãy hàng dài những người xếp hàng bên lề đường ngay từ đầu thôn Phong Thạnh để bán trầu cau, trái cây vườn nhà, chúng tôi để ý đến cụ bà Lê Thị Điệp (76 tuổi) vì cụ bán luôn tay với sự phụ giúp của cô cháu gái nhỏ.
“Tôi về làm dâu từ thôn Phong Thạnh từ năm 19 tuổi, từ đó gắn bó với việc bán trầu cau lấy lộc đầu năm tại các phiên Chợ Gò suốt gần 60 năm qua. Năm nay, tôi đã chuẩn bị sẵn nhiều trầu cau xanh tươi mới hái hôm qua từ vườn nhà bà chị ở khu vực bãi Xép, TP Quy Nhơn, cùng một ít mận nhà trồng để bán cho khách. Mua bán lấy vui là chính nên khách quen sáng giờ ghé đến ủng hộ cũng đã vài chục người…” - cụ Điệp tâm tình.
Nhiều người bán hải sản tươi sống ngay từ sáng mùng Một Tết cũng là một “nét riêng” của phiên Chợ Gò.
Ngoài mặt hàng chính là trầu cau, đu đủ, các loại rau xanh tươi mơn mởn, nhiều khách dự hội năm nay cũng ghé đến ủng hộ những người bán mặt hàng tươi sống như thịt heo, bò cùng nhiều loại cá, tôm, cua còn bơi, bò trong chậu hoặc nhảy tanh tách…
Đến 8 giờ sáng mùng Một Tết, khu vực Chợ Gò đã nhộn nhịp với hàng ngàn người. Người bán - người mua nhiều khi là bà con, hay người cùng thôn, cùng xóm nên ngoài chuyện mua - bán, còn tay bắt mặt mừng, chúc nhau vạn sự như ý trong ngày đầu năm mới.
Biểu diễn văn nghệ trong khai mạc Lễ hội Chợ Gò.
Chị Nguyễn Thúy Vy (40 tuổi, một người dân ở thôn Bình Thái, xã Phước Thuận) tâm sự: “Hàng chục năm qua, tôi đều dẫn con đi Chợ Gò để biết truyền thống quê mình, rồi mua ủng hộ một số người dân trong thôn lên đây bán hải sản tươi sống. Còn khi mua trầu cau, tôi và nhiều người khác thường chỉ chọn của những người bán càng cao niên càng tốt, bởi như vậy mình được hưởng lộc từ sự sống thọ và cái nết chịu thương chịu khó của các cụ.”.
Bài chòi trong ngày mở hội
7 giờ 30 sáng mùng Một Tết, tại hoa viên bến Trường Úc (cũng trong khu vực thôn Phong Thạnh), UBND huyện Tuy Phước đã tổ chức khai mạc Lễ hội Chợ Gò Xuân Bính Thân - năm 2016. Trong Lễ khai mạc, có chương trình biểu diễn nghệ thuật tổng hợp “Chào xuân mới” với các tiết mục biểu diễn múa cờ, trống hội, múa lân, võ thuật, hát dân ca bài chòi, ca múa nhạc…thu hút đông người xem.
Thả bóng bay cầu chúc những điều tốt đẹp trong năm mới trong chương trình khai mạc Lễ hội Chợ Gò.
Võ sư Phan Thị Kim Huệ (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) cho biết: “Năm nào, khi được dẫn đi biểu diễn các tiết mục quyền, binh khí, đối luyện ở hội Chợ Gò, các em võ sinh rất hăng hái. Tôi cũng thấy ý nghĩa vì đây là hoạt động góp phần bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định gắn với lễ hội truyền thống địa phương”.
Nét mới ở hội Chợ Gò năm nay là lần đầu tiên Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Tuy Phước tổ chức Hội thi Đánh bài chòi cổ dân gian lần thứ I.
Chương trình khai mạc hội Chợ Gò thu hút đông người xem.
Khi anh hiệu trong hội bài chòi cất lên những câu ca mời gọi: “Bài chòi mở hội đầu xuân/ Hội vui đón Tết, hội mừng non sông/ Vui chơi cho phỉ tấm lòng/ Mười hai tháng nữa mới mong tựu tề….” thì nhiều người dân và du khách đã hưởng ứng đến chơi, tạo không khí mở đầu rộn ràng niềm vui cho ngày hội xuân.
Chợ Gò thuộc thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước, là phiên chợ chỉ họp một phiên duy nhất vào ngày mùng Một và mùng Hai Tết Nguyên đán. Chợ Gò được xếp vào 100 phiên chợ độc đáo nhất Việt Nam.
Tương truyền, chợ Gò có nguồn gốc từ thời anh em nhà Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa. Vua Quang Trung cảm thông với nỗi niểm của những binh lính xa nhà, nên nhân dịp Tết đến xuân về, cho mở lễ hội giải trí vui xuân để động viên tinh thần quân sĩ. Và suốt hơn 225 năm qua, cứ đến mùng Một Tết, người dân đất Võ lại tổ chức Hội chợ Gò vừa để vui xuân, cũng là để lưu giữ một nét phong tục đẹp của dân tộc.
HOÀI THU