Đầu năm, ban ấn Đền thờ Đức Thánh Trần
9 giờ sáng mùng 2 Tết, Lễ khai ấn Đền thờ Đức Thánh Trần (596/17 Trần Hưng Đạo, phường Thị Nại, TP Quy Nhơn) đã được tổ chức theo nghi lễ truyền thống. Khác với mọi năm chỉ ban ấn giới hạn ít người, năm nay việc ban ấn được bắt đầu từ 14 giờ 30 chiều mùng Hai Tết (9.2) mở rộng cho tất cả những người thăm viếng đền thờ người anh hùng dân tộc trong dịp đầu năm.
Đền thờ Đức Thánh Trần. Ảnh: HOA KHÁ
Xuất phát từ Lễ khai ấn và ban ấn Đền Trần (Nam Định) thường được tổ chức vào đêm 14 tháng Giêng Âm lịch, nhiều đền thờ đức thánh trần trong cả nước cũng có ấn và tổ chức hoạt động tương tự với quy mô khác nhau. Trải qua nhiều năm, lễ khai ấn được người dân duy trì như một nét văn hóa truyền thống trong những ngày đầu năm mới.
Lễ khai ấn. Ảnh: HOA KHÁ
Ấn của Đền thờ Đức Thánh Trần ở TP Quy Nhơn được thỉnh rước từ Đền thờ Họ Trần ở Nam Định về Quy Nhơn từ năm 1968 – từ khi Đền thờ được xây dựng. Trước đây, hằng năm ở Đền thờ cũng thường tổ chức khai ấn và ban ấn các dịp lễ kỷ niệm, tết cổ truyền, nhưng chỉ trong phạm vi giới hạn một số ít người.
Bản ấn thờ tại Đền thờ Đức Thánh Trần. Ảnh: HOA KHÁ
Ông Lê Ngọc Anh, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin kiêm Giám đốc Trung tâm Văn hoá - Thể thao và Thông tin TP Quy Nhơn, cho biết: “Việc tổ chức khai ấn và ban ấn sớm hơn vào ngày mùng Hai Tết năm nay với quy mô rộng rãi nhằm thu hút mọi người về thăm viếng Đền thờ người anh hùng dân tộc, cùng chung hưởng lộc ấn đền Trần với ý nghĩa cầu mong năm mới bình an mạnh khoẻ, may mắn, làm việc, học tập tốt... Cũng thông qua đó, di tích cấp tỉnh này sau khi trùng tu, tôn tạo sẽ thêm phần phát huy hiệu quả.”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh thực hiện nghi thức khai ấn. Ảnh: HOÀI THU
Nhiều người dân, đạo hữu thập phương biết được thông tin được thông báo rộng rãi về việc khai ấn và ban ấn Đền thờ Đức Thánh Trần đã tìm về dâng hương tưởng nhớ bậc tiền nhân một đời vì dân vì nước, khi mất đã “hóa thánh” cứu nhân độ thế trong tâm thức người dân.
Dùng giấy in vào bản ấn. Ảnh: HOÀI THU
Ông Nguyễn Văn Hà (62 tuổi, cán bộ hưu trí ở phường Đống Đa) tâm sự: “Viếng Đền thờ Đức Thánh Trần vào dịp đầu năm mới, trong lòng có nhiều cảm xúc hơn những lần trước. Bên cạnh niềm vui được ban ấn mang ý nghĩa tốt đẹp cho bản thân và gia đình, tôi cũng có thêm những suy ngẫm về “Lời nghiêm huấn của Đức Thánh Hưng Đạo Đại Vương đối với đệ tử” được in và treo trang trọng trong chính điện: “Noi theo đường nhân nghĩa của ta, không hại người; giữ lòng trung hiếu của ta, không theo thói tục; trong gia đình hãy thành thực để trung hiếu cho con cháu; chớ có sa đọa noi theo hậu đức làm được, như vậy không phải cầu, kiêng sợ, phúc đến họa qua đã làm được; không phải cầu khấn ta, trăm điều lành sẽ đến, vạn phúc sẽ về thế có vui không.”.
Người dân tế lễ và xin ấn. Ảnh: HOA KHÁ
Sau khi vào dâng hương và được ban ấn, nhiều người đã ghé lại “xin chữ đầu năm” từ hai “ông đồ” Bình Tuy, Vũ Long. Những nét chữ thư pháp bay bổng, chứa đựng những ý nghĩ giáo dục đạo đức lối sống được thể hiện trên chất liệu giấy đẹp, đa dạng đã đem đến mọi người một món quà tinh thần ý nghĩa.
Viết thư pháp trong khuôn viên Đền thờ Đức Thánh Trần. Ảnh: HOÀI THU
Anh Bình Tuy chia sẻ: “Ước nguyện tốt đẹp đầu năm mới, khách thường muốn được các chữ thư tháp ý nghĩa như Phát, Tài, Lộc, An, Tâm...Tôi viết lồng vào bức thư pháp những câu thơ gắn liền nội dung sâu sắc của chữ đó để chia sẻ cùng mọi người những đúc kết, nghiền ngẫm trong cuộc sống như: “Chữ Tâm độc tự thế mà hay. Thành bại hơn thua bởi chữ này. Tuổi trẻ gắng rèn, già cố giữ. Cuộc đời gói gọn cả vào đây.”.
HOÀI THU