Mặt trận sẽ giúp cử tri hiểu rõ về nhân thân người ứng cử
Ông Nguyễn Thiện Nhân: Mặt trận có trách nhiệm thông tin đầy đủ về nhân thân người ứng cử để cử tri biết được. Người đó quan hệ, ứng xử với cộng đồng, tuân thủ pháp luật ra sao...
GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Năm 2016, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Mặt trận là hiệp thương giới thiệu người ứng cử, tổ chức cho người ứng cử vận động bầu cử, giám sát việc bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá 14 và HĐND các cấp đảm bảo dân chủ, đúng luật pháp. Trong trả lời phỏng vấn báo chí dịp cuối năm 2015, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh Mặt trận phải góp phần tạo những thông tin đầy đủ về các ứng cử viên để cung cấp cho cử tri, Hội đồng bầu cử các cấp. Đây là điều rất quan trọng.
PV: Thưa ông, trong trường hợp những người tham gia ứng cử mà cử tri thấy không đủ thuyết phục thì Mặt trận sẽ làm thế nào?
Ông Nguyễn Thiện Nhân: Nếu bầu cử mà 5 chọn 3, 3 chọn 2 thì chắc chắn bà con phải thấy có một người không thuyết phục bằng người khác. Chuyện bầu có số dư và người họ thấy không thuyết phục là chuyện bình thường. Nhưng vai trò của Mặt trận là gì? Mặt trận trong Luật bầu cử có trách nhiệm về việc tổ chức cho ứng cử viên tiếp xúc với cử tri để giới thiệu về mình, mong muốn của mình. Nhưng trước đó, Mặt trận có trách nhiệm làm thế nào có thông tin đầy đủ về nhân thân người đó để cử tri biết được. Phải có thông tin người đó ở nơi cư trú sinh hoạt như thế nào, quan hệ, ứng xử với cộng đồng, tuân thủ pháp luật ra sao… Mặt trận phải góp phần tạo những thông tin đầy đủ về các ứng cử viên để cung cấp cho cử tri, Hội đồng bầu cử các cấp. Đây là điều rất quan trọng.
Nghĩa là làm thế nào mà nếu có những băn khoăn của cử tri về phẩm chất, đạo đức của ứng cử viên ở địa phương cũng như phẩm chất, đạo đức trong công việc, kinh doanh, về lý lịch và thân nhân của người được giới thiệu, Mặt trận phải giúp ứng cử viên đó nói rõ cho cử tri hiểu vấn đề, từ đó làm cơ sở để chọn. Hay nói cách khác, nếu những sai sót lẽ ra có thể thấy trước trong việc chuẩn bị ứng cử viên thì Mặt trận phải góp phần cố gắng không để xảy ra sai sót. Còn quyền lựa chọn là của người dân và không bao giờ họ chọn hết mà chỉ chọn những người tốt nhất trong các ứng cử viên. Mặt trận cam kết thực hiện đúng luật pháp, tạo điều kiện dân chủ để người dân quyết định trong việc này.
PV: Thưa Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, năm 2015 trong rất nhiều chuyến công tác đến các địa phương, tiếp xúc với người dân nhiều tầng lớp, thành phần trong xã hội, ông cảm nhận như thế nào về cuộc sống của người dân? Kỷ niệm, ấn tượng nào làm ông suy nghĩ nhiều nhất?
Ông Nguyễn Thiện Nhân: Thực ra không chỉ có tôi mà các vị lãnh đạo khác của Mặt trận trong Đoàn Chủ tịch đi cơ sở rất nhiều, xuất phát từ quan điểm đi cơ sở thì hiểu thực tiễn sát hơn, khách quan hơn; đồng thời tiếp thu được đóng góp của người dân giúp ích cho công việc của Mặt trận rất nhiều. Càng đi nhiều càng học được nhiều. Thông qua các chuyến đi và các phản ánh của dân, khi Mặt trận phản ánh 2 lần/năm trước Quốc hội, chúng tôi cảm nhận được đầu tiên là nhân dân rất mừng. Trong năm 2015, kinh tế phát triển, lạm phát chưa bao giờ thấp như năm nay, đời sống được nâng lên.
Ở nông thôn, việc bê tông hóa đường nông thôn rất mạnh, có thể đi xe máy vào tới tận nhà từng người dân. Kết quả đó có được là từ chủ trương của Đảng, Nhà nước nhưng có sự tham gia và đóng góp của chính nhân dân. Thứ hai là kinh tế vĩ mô ổn định, nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài tiếp tục tăng. Trong khi ở một số nước khác đang phải đối mặt với những căng thẳng, xung đột về tôn giáo, sắc tộc, về khủng bố. Chúng ta có tiến bộ về giảm nghèo, về nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính, điều này đã được tổ chức quốc tế thừa nhận. Nói chung bầu không khí trong nước tốt, người dân phấn khởi.
Tuy nhiên bên cạnh đó, cũng còn có nhiều điều phải suy nghĩ. Trong dịp dự Ngày hội Đại đoàn kết ở TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai, chúng tôi tới thăm một hộ nghèo của một gia đình. Cả hai vợ chồng vẫn còn sức khoẻ lao động và có hai con đang tuổi đi học. Trong nhà có tủ lạnh rất to mà chắc để vận hành được nó phải rất tốn điện. Tôi trộm nghĩ, giá như tiền mua tủ lạnh đó để dành để đầu tư nuôi thêm lợn, gà vịt hoặc nuôi bò, trâu thì hiệu quả hơn nhiều. Vấn đề ở đây là thiếu người tư vấn. Nếu gia đình nghèo đó được một tổ chức như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tham mưu thì chắc không dùng hàng triệu đồng như vậy để mua một cái tủ lạnh thật to mà người nghèo thì lấy đâu nhiều thứ để cất giữ, bảo quản trong đó. Điều này cho thấy, muốn giảm nghèo thì phải đến từng hộ, theo dõi và giúp họ có phương án làm ăn. Mặt trận phải có trách nhiệm trong việc này.
Ấn tượng thứ hai là vừa rồi chúng tôi có đi một số tỉnh Tây Nguyên nhân dịp Ngày Noel của đồng bào công giáo. Đến thăm một hệ thống Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi. 6 trung tâm mà chỉ có 80 sơ mà nuôi 800 cháu mồ côi, nhà nước không phải hỗ trợ gì. Họ tự đi vận động, tự làm. Chúng tôi có băn khoăn sao nhiều trẻ mồ tôi vậy, họ nói ở đây có một dân tộc còn hủ tục là khi mẹ chết thì chôn con theo. Chính những người sơ này đã kịp thời xin các cháu về nuôi, họ làm việc âm thầm. 80 người phụ nữ này không có con nhưng họ nuôi 800 đứa con của người khác như con của mình, phải nói là rất xúc động.
Những hy sinh thầm lặng của các sơ là một minh chứng cho thấy không chỉ có đồng bào công giáo mà các tôn giáo của mình rất gắn bó với truyền thống nhân đạo của dân tộc.
Một sự kiện nữa chúng tôi cũng rất đáng nhớ. Đó là, đầu tháng 12/2015, MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường, Tổ chức NCA trợ giúp Việt Nam (Na Uy) cùng với 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo lần đầu tiên tổ chức Hội nghị toàn quốc phát huy các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Cam kết của các bên tham gia được ký kết trong một chương trình phối hợp giữa 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo, Bộ Tài nguyên Môi trường và MTTQ Việt Nam. Hôm chuẩn bị ký chúng tôi có nói mỗi tôn giáo làm một tuyên ngôn về hoạt động của mình.
Hình ảnh 40 vị chức sắc tôn giáo cùng ngồi với nhau để ký một chương trình phối hợp thực sự là một hình tượng rất đẹp. Các tôn giáo ngồi với nhau. Chúng ta biết có những nước tôn giáo không được ngồi với nhau. Chính vì vậy, hình ảnh này đã tác động sâu sắc đến các vị khách quốc tế. Hôm sau có một vị là tùy viên chính trị của một sự quán họ nói rằng họ rất ngạc nhiên khi được nhìn thấy các tôn giáo ngồi lại với nhau. Đó cũng chính là hình ảnh tiêu biểu cho sự gắn bó, đoàn kết trong Mặt trận.
PV: Năm 2015, Mặt trận đã triển khai thành công 8 chương trình giám sát được nhân dân đánh giá cao. Trong năm 2016, hoạt động giám sát sẽ tiếp tục được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Thiện Nhân: Mặt trận giám sát có đạt được kết quả bước đầu, 8 chương trình giám sát thực chất là 1+7. Tức là một chương trình đã làm đến kết quả cuối cùng, hoàn thành nhiệm vụ mà Thủ tướng giao. Đó là Tổng rà soát chính sách ưu đãi với người có công với cách mạng trong hai năm 2014- 2015 và đã hoàn thành đầy đủ, đúng thời hạn. Hơn 2 triệu đối tượng có danh sách đã rà soát hết và trả lời được câu hỏi bao nhiêu phần trăm đang hưởng đúng và hưởng đủ, câu trả lời là 95,75%. Câu hỏi thứ hai là bao nhiêu hưởng đúng và còn thiếu, trả lời là 4,16%. Câu thứ 3 là bao nhiêu hưởng sai, thì câu trả lời là 0,09%. Đây là những câu hỏi mà trong suốt mấy chục năm qua chúng ta không lượng hóa được. Làm được việc này là trả lời được như vậy hệ thống quản lý Nhà nước về công tác BHXH, về công tác chăm sóc người có công là cơ bản hoàn thành tốt. Nhưng qua lần này cũng phát hiện được 70.000 người không đăng ký là người có công thì qua lần rà soát này sẽ tiếp tục làm tiếp.
Đồng thời, tiếp nhận những yêu cầu, điều chỉnh chính sách cho phù hợp với đời sống mới, trong đó có quan tâm đến việc đẩy nhanh tiến độ giám sát nạn nhân chất độc da cam…
Qua việc này, chúng tôi rút ra một bài học. Đó là có những việc ngắn hạn chính quyền phải làm như tổng rà soát người có công. Nhưng nếu chỉ dựa vào bộ máy công chức nhà nước thì không cách nào làm được. Mặt trận đã vận động Hội Cựu chiến binh là lực lượng nòng cốt với 100 nghìn người là tình nguyện viên cộng với 100 nghìn tình nguyện viên của các đoàn thể khác như Nông dân, Phụ nữ, Thanh niên… thì mới làm được. Sắp tới, những bài học kinh nghiệm từ cuộc tổng rà soát này có thể áp dụng cho các cuộc rà soát khác như rà soát an toàn thực phẩm.
Như vậy, trong 8 chương trình, 1 hoàn thành, còn 7 cái khác triển khai trong năm 2015 để rút kinh nghiệm như giám sát khiếu nại, tố cáo; giám sát đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp; giám sát điều kiện hành nghề, tuân thủ pháp luật của cơ sở y tế tư nhân; giám sát về đổi mới thủ tục hành chính thuế hải quan… Những chương trình này mới làm năm đầu tiên nhưng giá trị rút ra là chương trình nào thấy ổn, năm 2016 chuyển địa phương làm, Trung ương không làm nữa. Ví dụ như giám sát đầu vào vật tư nông nghiệp; giám sát khiếu nại, tố cáo sẽ chuyển giao địa phương làm. Còn một số giám sát “chưa chín”, Trung ương sẽ làm tiếp như giám sát về thực hiện Luật khoa học Công nghệ; đánh giá sự hài lòng của người dân. Nếu năm 2015 việc đánh giá sự hài lòng của người dân thông qua việc khai trên giấy, phỏng vấn bằng giấy thì năm 2016 sẽ làm phỏng vấn qua điện thoại di động.
Hiện nay đã có Quảng Trị đánh giá sự hài lòng của người dân qua điện thoại di động, chúng tôi sẽ bàn để mở rộng mô hình này. Đồng thời sẽ có thêm một việc mới, đó là, vận động nhân dân thực hiện và giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm từ người sản xuất, từ nơi nhập khẩu đến nơi chế biến và tiêu dùng. Mặt trận đang bàn với Chính phủ để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
PV: Xin cảm ơn ông.
Theo Minh Hòa (VOV)