Hát Quốc ca với niềm tự hào dân tộc
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, mới đây, Bộ VH-TT&DL đã ban hành công văn yêu cầu các VĐV, HLV, các thành viên trong đoàn thể thao phải hát Quốc ca khi Chào cờ trong các hoạt động thi đấu thể thao trong nước và ngoài nước.
Việc hát Quốc ca trong lễ Chào cờ, lễ Thượng cờ đã hình thành từ rất lâu trong các hoạt động thể thao ở nước ta. Tuy nhiên, việc hát Quốc ca trong thời gian gần đây thực hiện hiệu quả chưa cao. Đối với thể thao Việt Nam, từng lúc, từng nơi, việc hát Quốc ca còn bị xem nhẹ, chưa được quan tâm, đặc biệt ở các giải thể thao phong trào. Hát cho có lệ, được chăng hay chớ, nhiều khi khâu chuẩn bị có phần hát Quốc ca, nhưng đến lúc diễn ra lễ khai mạc, vì lý do nào đó mà không thể tiến hành thì việc hát Quốc ca cũng bị “cắt đi” cho nhanh gọn.
Trong suy nghĩ và nhìn nhận của nhiều nhà tổ chức, hát Quốc ca được xem là một khâu nên tinh gọn. Hiếm thấy ở các giải thể thao phong trào, từ các giải thiếu niên, nhi đồng cho đến một số giải thể thao ở cấp cơ sở, người ta tổ chức lễ hát Quốc ca cho các VĐV, HLV và khán giả. Nếu có thì việc tổ chức hát Quốc ca đôi khi phản tác dụng, bởi không thể hiện rõ niềm tự hào dân tộc mà chỉ mang lại cái nhìn e ngại cho người tham gia. Không ít hình ảnh luộm thuộm phơi bày ngay trong lễ hát Quốc ca như âm thanh tiếng được tiếng mất, hay để tiết kiệm thời gian, người ta chỉ mở băng cho bài Quốc ca vang lên một đoạn ngắn rồi tắt ngay.
Liên quan đến nghi lễ hát Quốc ca đã xảy ra không ít chuyện “cay sống mũi” ở những trận thi đấu bóng đá cấp Quốc gia. Khi bài Quốc ca được vang lên, khán giả kẻ đứng, người ngồi để “hát”, không ít người vô tư nói chuyện, cười đùa, nghe điện thoại hoặc thản nhiên làm việc riêng, cũng chẳng mấy ai đặt tay lên ngực hay hướng về phía Quốc kỳ. Dưới sân, có cầu thủ “ngáp ngắn ngáp dài”, cố gắng chờ đợi cho bài Quốc ca chóng qua mau, thậm chí họ cũng không hát theo khi bài Quốc ca được cất lên.
Hát Quốc ca là một nghi thức quan trọng thể hiện lòng yêu nước, bản lĩnh chính trị, lòng tự hào và trách nhiệm của người Việt Nam với Tổ quốc và nhân dân. Tuy nhiên để hát Quốc ca thật sự tôn nghiêm, trang trọng và không mang tính hình thức, mỗi cá nhân cần cải thiện và nâng cao nhận thức về giá trị của nghi thức này. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần chung tay nỗ lực tuyên truyền, có những giải pháp đồng bộ để hát Quốc ca là hoạt động xuyên suốt và mang tính cấp thiết không chỉ trong các hoạt động thi đấu thể thao.
MỘC LAN
Bài "Hát quốc ca với niềm tự hào dân tộc" nói đúng thực trạng hiện nay và cần có cách thay đổi sớm. Tôi muốn nói thêm chủ đề này ở khía cạnh khác, đó là việc cử quốc ca. Có thể nói việc cử quốc ca trong thi đấu thể thao hiện chưa hợp lý, nhất là trong bóng đá. Tại sao phải cử quốc ca trước tất cả các trận đấu ở tất cả các giải? Có quy định ban hành về việc này không? Nếu có thì cần điều chỉnh cho hợp lý. Hay việc này là tự phát lâu rồi thành lệ? Nếu là lệ thì phải bỏ. Vì sao? Theo tôi chỉ cử quốc ca trước trận đấu quốc tế, trước trận khai mạc và trận kết thúc giải (trong nước). Việc cử quốc ca trước mỗi trận đấu bất kỳ như hiện nay vô tình làm giảm tính trang trọng của nó. Và vì vậy góp phần dẫn đến tình trạng thờ ơ hay phản cảm khi hát quốc ca như bài báo nêu. Cử quốc ca cũng như treo quốc kỳ không hợp lý sẽ giảm tính thiêng liêng của quốc ca và quốc kỳ.