Ngậm ngùi bóng đá Bình Định
Giải bóng đá hạng Nhất quốc gia năm 2013 chỉ còn 3 vòng đấu nữa là kết thúc, Bình Định khó rớt hạng, nhưng con đường thăng hạng cũng chẳng còn. Khán giả yêu thích bóng đá tỉnh nhà thêm một lần thất vọng.
Sau khi bị xuống hạng vào mùa giải 2008, đội bóng đất Võ được chuyển giao cho Công ty cổ phần bóng đá SQC Bình Định. SQC Bình Định đã nhen nhóm trong lòng người hâm mộ niềm hy vọng sẽ lại nhìn thấy đội bóng quê hương trở lại đấu trường đỉnh cao. Mùa giải năm 2009, SQC Bình Định đổ ra rất nhiều tiền để tăng cường lực lượng, trong đó có không ít cầu thủ từng khoác áo đội tuyển bóng đá Việt Nam hoặc Olympic Việt Nam.
Thế nhưng, không phải lúc nào tài lực cũng phát huy tác dụng. Những cầu thủ được quy tụ từ nhiều địa phương khác nhau trong màu áo SQC Bình Định đã không thể đưa đội bóng trở lại với đấu trường V-League.
Hết mùa này đến mùa khác, Bình Định vẫn nằm lại ở giải hạng Nhất. Từ một đội bóng luôn đặt mục tiêu phải thăng hạng ở các mùa giải trước, đến mùa giải này, Bình Định thi đấu mà chẳng đặt ra mục tiêu gì.
Từng theo sát những bước thăng trầm của đội bóng trong những năm qua, chúng tôi nhìn nhận nguyên nhân thất bại của bóng đá Bình Định chính là cách làm bóng đá chưa phù hợp. Việc tuyển quân một cách ồ ạt, thiếu cân nhắc khiến cho Bình Định giống như một cỗ máy có nhiều chi tiết tốt nhưng không đồng bộ để có thể vận hành một cách trơn tru. Những “ngôi sao” như Đức Thiện, Văn Khải, Long Giang ở những mùa giải trước và cả những cầu thủ tốt như Như Thuật, Công Mạnh, Văn Hiển, Hoàng Lâm… vài mùa gần đây cũng không thể giúp Bình Định tìm lại chính mình. Không những thế, Bình Định còn liên tục thay đổi nhân sự trong vai trò HLV và cả lực lượng cầu thủ chủ chốt trong đội hình một cách nhanh chóng theo từng mùa giải. Đây là minh chứng rõ ràng nhất trong việc làm bóng đá mà không có chiều sâu. Mua cầu thủ theo danh tiếng mà không biết có phù hợp với đội hình mình hay không, trong khi lại bỏ rơi công tác chăm sóc các tuyến trẻ khiến đội bóng rơi vào cảnh “nhà giàu chạy gạo từng bữa”.
Hình ảnh đội bóng Bình Định bây giờ khiến người viết nhớ đến câu chuyện đội U21 Bình Định năm 2008. Ở VCK Giải bóng đá U21 Báo Thanh Niên năm 2005, đội U21 Bình Định với phần lớn là cầu thủ trong tỉnh đã lên ngôi vô địch trên sân Quy Nhơn. Đến năm 2008, sân này lại được BTC chọn để tổ chức VCK. Vì muốn lập lại thành tích như năm 2005, U21 Bình Định đã mượn một loạt cầu thủ có tên tuổi như Trọng Hoàng, Đình Hiệp (Sông Lam Nghệ An), Tăng Tuấn, Thái Dương (Hoàng Anh Gia Lai). Nhìn vào danh sách U21 Bình Định năm ấy, người ta cứ tưởng đây là đội U21 Việt Nam và chắc chắn sẽ dễ dàng “nuốt chửng” các đối thủ còn lại. Thế nhưng, kiểu lấy quân “theo danh tiếng” ấy khiến U21 Bình Định bị 3 trận toàn thua ở vòng bảng và loại khỏi VCK một cách nhanh chóng. Đội bóng Bình Định vài mùa giải qua cũng rơi vào tình cảnh như vậy.
Nếu bóng đá Bình Định không được đầu tư chiều sâu, có định hướng và chú trọng đến bóng đá trẻ thì con đường thăng hạng và kéo khán giả đến sân là điều bất khả thi.
AN NGUYÊN
Thử hỏi nếu Bình Định còn đang chinh chiến ở V-League thì sân Quy Nhơn này sẽ không còn lấy 1 chỗ trống đâu. Hy vọng BLĐ đội bóng sẽ đọc bài báo này và ngẫm nghĩ cách làm bóng đá của mình, hãy để HLV được tuyển lựa cầu thủ chứ không phải là mua sắm 1 cách ồ ạt mà không biết nó ra sao như những năm gần đây để rồi tự mình chuốc lấy hậu quả của mình "tốn tiền mà không được gì"
Một đội bóng thi đấu với tinh thần không ổn định , không có mục tiêu phấn đấu, đá bóng cầm chừng, không có ý thức phục vụ công chúng và người hâm mộ tỉnh nhà. Lãnh đạo đội bóng những người có trách nhiệm với bóng đá địa phương thì ít đầu tư, trăn trở. Rớt hạng nhiều năm nhưng vẫn không có mục tiêu thăng hạng, cách làm bóng đá kiểu này thí không biết đến lúc nào mới tìm lại được chính mình, thật đáng buồn...
Tuy học tập và sống Sài Gòn từ 2009 nhưng tôi không bao giờ quên cập nhật tình hình đội bóng vào mỗi tối thứ 7. Mỗi khi được về quê là dù ở Tuy Phước nhưng phải chạy xuống Qui Nhơn xem đội thi đấu. Ước muốn được xem đội ở sân thuống nhất với những đội chuyên nghiệp khác là điều hoàn toàn nằm trong tay các cầu thủ BĐ. Tôi không phải là người thích xem bóng đá nước ngoài, nhưng với đội Bình Định thì một cảm giác hoàn toàn khác- vì đó không chỉ là bóng đá, mà còn là thứ tình cảm thiêng liêng.
Đâu chỉ riêng gì bóng đá, các bạn cứ nhìn lại đi, Bình Định chẳng có môn nào làm cho tới nơi tới chốn để tạo điểm nhấn cả. Thật buồn, cứ lại mỗi cuối tuần có trận đấu trên sân nhà, vẫn còn đó những cổ động viên trung thành và yêu bóng đá quê nhà nhưng các cầu thủ thì làm được gì chứ, đá cho xong trách nhiệm.
Trên đây đều là tâm trạng chung của những cổ động viên yêu, và tâm huyết với bóng đá tỉnh nhà. Các bạn nói đều đúng, bóng đá BĐ đang gặp phải nhiều vấn đề. Sau khi "đem con đi cho" giờ người ta trả lại thì không đủ sức nuôi, mà bóng đá hiện nay thì cần rất nhiều tiền. Những định hướng mà bạn Thuận nêu không phải lãnh đạo ngành thể thao không hiểu, không thấy mà là không làm được. Tiền đâu mà làm! Tỉnh chúng ta không có HAGL, không có SHB... Chúng ta đặt mục tiêu thăng hạn "cho vui" thôi chứ có "dám thăng" đâu. Chúng ta cũng chỉ biết hy vọng thời gian tới sẽ có những thay đổi mang tính "chiến lược" trong cách làm bóng đá của tỉnh. Để người hâm mộ không còn muốn "đào sân quy nhơn để trồng củ mì" nữa!
Thực sự bóng đá Bình Định bây jo không còn gì để người hâm mộ địa phương nhớ và quan tâm đến nó nữa " không thành tích-không bản sắc - không động lực ,mục tiêu"
Theo cách nhìn nhận từ sự thành công của các đội bóng như SLNA, Đà Nẵng, HAGL.., Tôi nghĩ rằng: Bình Định còn lâu mới lên hạng được hoặc có lên thì lại xuống ngay thôi. Nguyên nhân là do cách làm bóng đá của Bình Định. Do người lãnh đạo ngành thể thao vua tại Bình Định không có năng lực và tầm nhìn nên ko thể có được thành tích như mong đợi. Tôi xin mạo muội vạch ra vài định hướng như sau: - Nên chon lại nhà đầu tư thực sự nghiêm túc với bóng đá và Bóng đá phải đem lại lợi ích thực cho họ. SQC ( tập đoàn tân tạo ) không muốn làm bóng đá thực sự mà chỉ vì mục đích kinh tế. - Cần thuê thầy giỏi làm công tác đào tạo từ tuyến U13 trở lên ( Có thày giỏi thì mới có trò giỏi ). Để làm được điều này nên thuê 1 vài chuyên gia nước ngoài. - Điều quan trọng nhất là phải có lãnh đạo có tầm nhìn như Ông Nguyễn Bá Thanh của Đà Nẵng