Lòng mình là đích cuộc hành hương…
Trong chiều mùng Bốn Tết và ngày mùng Năm Tết Bính Thân (11 và 12.2), chừng như mọi ngả đường đều dẫn về một đích đến: Bảo tàng Quang Trung, ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn. Tìm đến đây, ai cũng dâng lên bàn thờ những vị anh hùng của dân tộc nén tâm hương. Để nhắc nhớ với lòng mình, rằng hoa và nắng ngoài kia không tự dưng mà có, mà phải đánh đổi bằng xương máu của tiền nhân suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước…
Hàng ngàn người dân đi trẩy Hội Đống Đa vào mùng Năm Tết. Ảnh: HỒNG PHÚC
Có lẽ đến với lễ hội Đống Đa với tâm thế như vậy, nên điều dễ nhận ra là chẳng ai ồn ã phá tan không khí trầm tịch của buổi lễ dâng hương, dâng hoa. Đông đúc nhưng không chen lấn. Rộn ràng mà đượm trang nghiêm.
Đi là trở về
Trong lúc các đại biểu đang thực hiện nghi lễ dâng hoa trước Tượng đài Hoàng đế Quang Trung, tôi để ý thấy một cụ bà lần từng bước đến gần tượng đài. Bà ngước nhìn lên, đôi mắt đỏ hoe, cứ thế ngân ngấn nước. Bà tên Nguyễn Thị Tâm, năm nay đã 84 tuổi. Nhà ở khối 2, thị trấn Phú Phong, cạnh Bảo tàng, nhưng bà nói chắc: “Ở gần hay ở xa thì tui cũng đến, đi bộ thôi. Phải đến, để thắp nhang cho cụ!”.
Giữa dòng người đông đảo, có những bé gái ngơ ngác nhìn từng người tuần tự đến thắp hương. Em cũng chắp tay lạy theo mẹ. Những cụ già lập cập quỳ gối, chắp tay lầm rầm khấn vái. Có cụ chẳng với tới bát hương, thì thào: “Cháu ơi, cắm giùm bà với!”.
Các đại biểu dâng hương tại Đàn tế Trời Đất. Ảnh: N.V.TRANG
Mùng Bốn Tết (11.2), nắng vàng trải khắp đường đi. Đi dạo mỏi chân, mọi người cùng ngồi nghỉ dưới tàn cây me cổ thụ mát rượi qua bao tháng năm. Cạnh đấy, dòng nước trong veo vẫn chảy róc rách; trên cầu, những bạn trẻ cùng tạo dáng chụp ảnh kỷ niệm. Và giếng nước là trạm dừng chân “tất nhiên” của người dự hội. Những du khách phương xa cũng xách nước, chia cho nhau dòng nước mát lành. “Uống đi con, uống để sau này cường tráng, hào dũng như quân Tây Sơn” - một người bà đã thủ thỉ với cháu như thế.
Nhà ở xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Thạnh, nhưng năm nào anh Đỗ Quốc Hưng về dự lễ hội Đống Đa. Năm nay, anh chở vợ và con trai đi cùng. Muộn vợ muộn con, 45 tuổi, nhưng con trai của anh mới 3 tuổi. Nhẹ tay nâng gáo nước cho con uống, anh tâm sự: “Quê mẹ tôi ở Phú Phong này. Nói là đi lễ hội, nhưng cũng là về nhà mình, về quê mình. Quan trọng hơn là để mình luôn nhớ đến công đức của vua Quang Trung, để con mình biết truyền thống, biết ơn tiền nhân”.
Người dân dâng hương tại Đàn tế Trời Đất. Ảnh: N.V.TRANG
Tối mùng Bốn Tết (11.2), khuôn viên Bảo tàng Quang Trung càng nhộn nhịp hẳn lên bởi hàng ngàn người nô nức đến xem chương trình ca múa nhạc dân ca tổng hợp do Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định biểu diễn.
Đến xem chương trình từ rất sớm, anh Nguyễn Chín, 35 tuổi, nhà xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn, chia sẻ: “Nhà cách Bảo tàng tận hơn 10km nên từ chiều, hai vợ chồng tôi đã tranh thủ hoàn thành việc nhà sớm để dẫn hai con đến xem cho kịp chương trình. Lâu rồi tôi mới được xem một chương trình đặc sắc như vậy”.
Không riêng anh Chín, hầu hết người dân về Bảo tàng xem chương trình đều có cùng chung cảm giác ấy. Bà Phan Thị Bá, 75 tuổi, khối 1A, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, cho biết: “Ghiền hát bội, mê bài chòi nên năm nào tôi cũng đi xem hết. Riêng năm nay, tôi thấy các diễn viên tuy trẻ mà diễn sâu, ngoại hình lại đẹp, dễ thương. Tôi thích nhất là tiết mục bài chòi “Ai về Bình Định” do hai bạn trẻ biểu diễn, hát rất hay”.
Kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa là dịp để mỗi người nhắc nhớ công ơn của tiền nhân. Ảnh: N.V.TRANG
NSND Hoài Huệ, Trưởng đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định, cho biết: Hầu như năm nào vào mùng Bốn Tết, Đoàn Ca kịch bài chòi cũng tổ chức chương trình nghệ thuật biểu diễn phục vụ tại Bảo tàng Quang Trung. Mỗi năm, Đoàn lại đổi mới về cả nội dung và hình thức chương trình. Nếu các năm trước thường chỉ diễn thuần túy một loại hình hát, múa hoặc các trích đoạn dân ca, bài chòi; năm nay, Đoàn dựng hẳn một chương trình ca múa nhạc dân ca tổng hợp với 15 tiết mục có chủ đề về mùa xuân, ca ngợi quê hương đất nước.
“Để thực hiện chương trình trong 90 phút này, hơn 40 diễn viên của Đoàn phải tập luyện cật lực trong vòng 10 ngày. Ý thức được việc không chỉ biểu diễn phục vụ cho bà con vui xuân đón Tết mà còn là để tưởng nhớ công ơn của vua Quang Trung và các văn thần, võ tướng nên các anh, em nghệ sĩ đều cố gắng thể hiện hết khả năng của mình” - NSND Hoài Huệ cho biết thêm.
Sáng mùng Năm Tết (12.2), dòng người đổ về Bảo tàng Quang Trung càng lúc càng đông để vui hội Đống Đa. Trong đó, phần lớn lượng khách tham quan Bảo tàng là học sinh, sinh viên. Từng nhóm bạn trẻ hào hứng trao đổi sôi nổi khi xem các hiện vật trong Bảo tàng gắn với các sự kiện lịch sử trong sách giáo khoa mà mình đã được học.
Đấu cờ người trước Bảo tàng Quang Trung thu hút đônng đảo người dân địa phương và du khách đến xem. Ảnh: HỒNG PHÚC
Em Trương Thị Phương Thảo, một học sinh ở thị xã An Nhơn, chia sẻ: “Lên thăm Bảo tàng được thấy các kỉ vật và hòa vào dòng người cùng trẩy hội Đống Đa em càng thấy tự hào hơn vì mình được sinh ra ở mảnh đất có vị của vị anh hùng dân tộc Quang Trung”.
Bên cạnh việc đến tham quan và thắp hương tưởng nhớ vua Quang Trung và các văn thần võ tướng, năm nay du khách và người dân địa phương đến thăm quan Bảo tàng Quang Trung còn được xem Hội thi đẩy gậy, kéo co, hô bài chòi và đấu cờ người do Trung tâm Văn hoá - Thông tin và Thể thao huyện Tây Sơn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức.
Ghi dấu trong lòng người phương xa
Dự hội Đống Đa, bên cạnh những người dân địa phương còn có một lượng lớn du khách khắp nơi. Có người nhiều lần, có người mới lần đầu đặt chân đến mảnh đất hào hùng, quê hương của phong trào Tây Sơn. Họ cũng thành kính dâng hương, chắp tay nguyện cầu trước những bàn thờ. Nhiều người chọn chiếc nón dấu mang hình hài của người lính thời Tây Sơn làm món quà kỷ niệm.
Thi đẩy gậy giữa các khối của thị trấn Phú Phong. Ảnh: HỒNG PHÚC
Lần đầu tiên đến Bình Định đúng dịp Tết cổ truyền, bà Nguyễn Lan Phương (63 tuổi, ở quận 5, TP Hồ Chí Minh) bảo, chẳng thể tưởng tượng mảnh đất này lại có nhiều cảnh đẹp đến vậy. Đi khắp nơi, bà nhận xét, lễ hội ở Bình Định được tổ chức bài bản, trật tự. “Riêng lễ hội Đống Đa, tôi nghĩ các ngành chức năng cần tăng cường công tác quảng bá, để có nhiều người biết mà tìm đến đến” - bà bày tỏ.
Anh Võ Minh Đoan, 37 tuổi, một du khách đến từ TP Buôn Mê Thuột, tâm sự: “Tuy sinh sống ở Buôn Ma Thuột nhưng quê gốc tôi cũng ở Tây Sơn. Mỗi dịp Tết đến, bậngì thì bận, tôi cũng sắp xếp công việc để mùng Năm Tết cùng vợ con về thăm lại quê cha đất tổ. Mỗi lần đến Bảo tàng Quang Trung, tôi càng thêm yêu và tự hào về lịch sử hào hùng của quê hương mình”.
Trong chiều mùng Bốn và ngày mùng Năm Tết, đã có hàng ngàn người thành tâm leo lên Khu tâm linh Đàn Tế Trời Đất (xã Bình Tường, huyện Tây Sơn) để thắp nén hương dâng lên trời đất.
Anh Đỗ Quốc Hưng cho con trai uống nước từ giếng cổ. Ảnh: N.V.TRANG
Ngồi nghỉ mệt giữa đường, cụ Nguyễn Hoa, 72 tuổi, quê Hà Nội, cho biết: “Tôi rất thích đến viếng những công trình mang tính tâm linh. Tuy leo lên các bậc tam cấp có hơi mệt nhưng tôi vẫn cố gắng phải tự mình đi để bày tỏ lòng thành kình vì Ấn Sơn gắn liền với những giai thoại về ông Nhạc ngày xưa đã nghe bà và mẹ kể”.
Được nhiều bạn bè ở Bình Định giới thiệu đầy tự hào về quê hương và lễ hội Đống Đa, từ TP Hồ Chí Minh anh Nguyễn Đoan, 29 tuổi, quyết định về Quy Nhơn để chơi Tết. Từ mùng Bốn Tết gia đình anh đi thăm thú các thắng cảnh ở Quy Nhơn. Sáng nay, cả gia đình bắt taxi lên Tây Sơn để thăm Bảo tàng.
“Đây là lần đầu tiên tôi được đi hội Đống Đa. Về Quy Nhơn trời hơi lạnh, lên Tây Sơn thì nắng gắt, lo hai con không quen dễ bị ốm, nhưng chúng tôi vẫn quyết định đến thăm Bảo tàng Quang Trung để bày tỏ lòng kính ngưỡng vị anh hùng dân tộc”- anh Đoan chia sẻ.
Vì những mùa lễ hội an vui
Từ quốc lộ 19 rẽ vào cầu Kiên Mỹ, ta đã cảm nhận được không khí lễ hội với cờ xí rợp trời. Khuôn viên Bảo tàng Quang Trung dập dìu người lại qua. Hai bên đường vào là những bức ảnh nghệ thuật giới thiệu những nét đẹp của đất nước, con người Bình Định. Bên phải rộn ràng với sân khấu của chương trình nghệ thuật tổng hợp và võ thuật. Bên trái là hội bài chòi dân gian lạ lẫm trong mắt du khách.
Cùng ghi lại những kỷ niệm khi đến với lễ hội Đống Đa. Ảnh: N.V.TRANG
Để có được không khí rộn ràng, an vui cho mỗi lần lễ hội Đống Đa được tổ chức, rất nhiều người phải “quên Tết”. Như những cán bộ, nhân viên Bảo tàng Quang Trung, diễn viên của Nhà hát Tuồng Đào Tấn, Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định, Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Tây Sơn…
Năm nay mới 20 tuổi, nhưng Phan Xuân Vương (ở khối Hòa Lạc, thị trấn Phú Phong) đã là thành viên của ban tế lễ nhiều năm liền. Ba, em trai, chú của Vương cũng tham gia phục vụ các buổi lễ ở Bảo tàng Quang Trung và Đàn tế Trời Đất. Xúng xính áo dài khăn đóng, chàng trai trẻ chia sẻ: “Tết nào, tôi cũng hào hứng mong chờ đến lễ hội Đống Đa. Dù không được cùng bạn bè đi chơi Tết, nhưng tôi vẫn thấy vui vì được góp một phần vào thành công của những buổi lễ đầy ý nghĩa. Sang năm, tôi sẽ xin vào đội nhạc võ của Bảo tàng Quang Trung, khi đó còn được phục vụ nhiều hơn”.
Theo ông Châu Kinh Tú, Giám đốc Bảo Tàng Quang Trung, do là năm lẻ và tỉnh đang triển khai Dự án nâng cấp và mở rộng Bảo tàng Quang Trung nên Lễ hội Đống Đa năm nay ở quy mô vừa phải nhưng vẫn đảm bảo tính trang trọng. Lượng khách đến tham quan tuy có giảm so với mọi năm nhưng không đáng kể. “Điều đặc biệt nhất là tất cả mọi người đến mảnh đất Tây Sơn đều có ý nguyện tâm linh nhớ về cội nguồn đến Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt thắp nén hương để tưởng nhớ công ơn của vua Quang Trung và các văn thần võ tướng” - ông Tú cho biết thêm.
Du khách thích thú với những chiếc nón dấu. Ảnh: N.V.TRANG
* * *
Mỗi cuộc hành hương đều chất chứa những mục đích nhất định. Với người đi hội Đống Đa, đích đến chính là lòng mình - vẫn luôn ghi luôn tạc công ơn của bậc tiền hiền.
Càng về chiều, dòng người vẫn nườm nượp kéo về.
Về với dáng hình sừng sững của người anh hùng áo vải.
Về với bóng me, giếng nước, dáng cầu…
“Kỷ niệm 227 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, chúng ta kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của vị anh hùng áo vải cờ đào, các tướng lĩnh triều đại Tây Sơn, cũng như các bậc anh hùng liệt sĩ xưa nay đã không tiếc xương máu để gìn giữ và xây dựng giang sơn gấm vóc, trao lại cho đời sau một dải núi sông tươi đẹp. Chúng ta nguyện tiếp tục hoàn thành những ước vọng còn dang dở của Người, quyết tâm bảo vệ chủ quyền độc lập dân tộc, cùng nhau đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh và hiện đại. Đây cũng là trách nhiệm nặng nề đòi hỏi mọi người phải chung sức, chung lòng kề vai gánh vác trong chặng đường sắp tới” - trích diễn văn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đọc tại Lễ kỷ niệm 227 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.
VĂN TRANG - HỒNG PHÚC