Mất nơi mua bán, đường đi thành chợ cá
Gần đây, tại đường nội bộ khu hậu cần nghề cá (gần cầu Hà Thanh 1) thuộc đảo 1A, Bắc Hà Thanh (khu vực 8, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) xuất hiện chợ cá tự phát. Vào khoảng 4 giờ đến 7 giờ sáng mỗi ngày, hàng chục người bày tràn lan các loại tôm, cua, cá, mực… ra giữa đường để buôn bán sỉ và lẻ. Được biết, đa số người buôn bán tại chợ cá tự phát này là những người đánh bắt thủy, hải sản gần bờ và khu vực đầm Thị Nại; sau một đêm đánh bắt, họ tập trung thủy sản ngay giữa đường nội bộ của khu hậu cần nghề cá mua bán. Việc hình thành khu chợ cá tự phát này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị mà còn cản trở các phương tiện chở gỗ, vật liệu, ngư lưới cụ ra vào khu hậu cần nghề cá Quy Nhơn, làm cho tình hình giao thông tại khu vực này rất lộn xộn.
Chủ một doanh nghiệp nằm trong khu hậu cần nghề cá, tỏ ra bức xúc: “Những người mua bán thủy sản ngang nhiên dàn hàng ra giữa đường mua bán. Nước thải từ việc ngâm, rửa các loại thủy, hải sản chảy tràn khắp mặt đường, gây tanh hôi rất khó chịu. Mặt khác, sự tranh nhau, chen chúc, giành khách hàng làm cho các đường đi đều bị bít kín; các loại xe cộ ra vào không có đường đi nên bấm còi inh ỏi, mới tầm 3-4 giờ sáng mà khu vực này đã rất ồn ào, mất trật tự”.
Nói về tình trạng này, ông Võ Thành Văn, Phó Chủ tịch UBND phường Đống Đa, cho biết: Trước kia, khu vực này có một chợ tạm ở sát mép nước để ngư dân tập kết các loại thủy, hải sản đánh bắt được vào đó mua bán. Tuy nhiên, khu đất làm chợ tạm đã được UBND TP Quy Nhơn giao cho khu hậu cần nghề cá, một số hộ xây dựng công trình, người dân không còn địa điểm tập kết hải sản nên đã lấn chiếm các đường nội bộ trong khu vực này để mua bán. Dù lực lượng chức năng của phường đã nhiều lần ra quân lập lại trật tự tại khu chợ cá tự phát, nhưng vì quá bức bách về chỗ buôn bán nên người dân vẫn cố tình vi phạm.
Chị Lê Thị Triêm, một hộ mua bán thủy sản tại chợ tự phát này có ý kiến: “Chúng tôi là những người mua bán nhỏ ở chợ tạm trong kia hàng chục năm nay. Đùng một cái, chính quyền cho giải tỏa san lấp mặt bằng, mất nơi mua bán nên chúng tôi đánh liều ra đường ngồi. Mong chính quyền tạo nơi buôn bán mới, thuận tiện để chúng tôi không vi phạm các quy định”.
Được biết, UBND phường Đống Đa đã có văn bản xin ý kiến của UBND TP và thành phố cũng đã có chủ trương cho địa phương xây dựng khu chợ tạm mới, rộng khoảng 1.000m2 nằm bên trong khu hậu cần nghề cá (cách khu vực này khoảng 200m) phục vụ việc mua bán thủy hải sản của người dân. UBND phường sẽ cho dọn dẹp, san lấp mặt bằng và xây dựng chợ tạm mới trong thời gian tới. Khi chợ xây xong, tất cả những người buôn bán thủy, hải sản đều phải tập trung vào đó để hoạt động.
N.D - C.L