Virút Zika ẩn nấp sâu trong cơ thể, khó bị diệt
Giới khoa học quốc tế cảnh báo virút Zika gây teo não ẩn nấp sâu trong các bộ phận cơ thể mà hệ miễn dịch không thể quét tới, do đó càng nguy hiểm và khó đối phó hơn.
Theo Reuters, các nhà nghiên cứu cho biết virút Zika có thể tồn tại trong tinh trùng tới 62 ngày sau khi một bệnh nhân 68 bị lây nhiễm hồi năm 2014. Trước đó cũng đã có đủ bằng chứng cho thấy virút Zika trú ngụ trong mô não phôi thai, nhau và nước ối.
Hồi đầu tuần, một nhóm chuyên gia Slovakia công bố nghiên cứu cho thấy virút Zika tập trung trong não một bào thai và tiếp tục nhân bản.
“Đến nay chúng ta mới chỉ biết virút Zika tồn tại trong máu ở khoảng thời gian rất ngắn, từ một tuần đến 10 ngày. Giờ chúng ta biết thêm nó tồn tại trong tinh dịch. Sau khi bệnh nhân được chữa trị, chúng ta không biết nó có thể trốn ở đâu” - bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID) thừa nhận.
Bác sĩ Fauci nhận định việc virút Zika tồn tại dai dẳng trong cơ thể bệnh nhân cũng tương tự như virút thử thần Ebola. Trong nhiều trường hợp, virút Ebola tồn tại trong tinh dịch và dịch mắt của bệnh nhân đã khỏi qua nhiều tháng.
Một số cơ quan trong cơ thể như não, mắt, nhau… là nơi hệ miễn dịch không thể đụng đến. Chúng được bảo vệ khỏi các kháng thể để ngăn chặn nguy cơ hệ miễn dịch tấn công các mô trọng yếu. Nhưng khi một virút xâm nhập các cơ quan này thì sẽ rất khó quét sạch chúng.
“Ở các cơ quan này, virút sẽ tiếp tục tồn tại, thậm chí sinh sản” - bác sĩ William Schaffner thuộc Trung tâm Y tế ĐH Vanderbilt cảnh báo.
Virút Zika chỉ gây một số triệu chứng nhẹ, nhưng là nguyên nhân dẫn tới bệnh teo não ở trẻ sơ sinh. Hôm 1-2 Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố Zika là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu.
Theo NGUYỆT PHƯƠNG (TTO)