Tất bật đường vào Nam
Những ngày sau Tết Bính Thân 2016, những chiếc xe khách vào Nam đều đầy khách. Ai cũng vội vã kiếm cho mình một chỗ trên hành trình mưu sinh sau kỳ nghỉ Tết bên gia đình, người thân.
Mùng 6 Tết là cao điểm phục vụ hành khách đi lại sau kỳ nghỉ dài. Các bến xe đã tăng cường xe và thực hiện nhiều giải pháp để giải tỏa, không để ùn ứ hành khách.
Sáng mùng 6 Tết, bà Nguyễn Thị Minh (ở phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn) đưa con trai đến Bến xe khách trung tâm Quy Nhơn để đi xe Ngọc Minh vào TP Hồ Chí Minh học. Không còn vé xe giường nằm, bà Minh đành chọn vé nằm giường phụ cho con trai. “28 Tết cháu mới có kế hoạch về quê ăn tết nên cũng bị động chuyện vé tàu xe. Mua vé tàu không được, vé máy bay đến tầm này cũng đã bán hết từ mấy tháng trước nên đành cho cháu nằm giường xếp vào đó để kịp nhập học” - bà Minh chia sẻ.
Nhà có 5 đứa con, đứa đi học, đứa định cư ở TP Hồ Chí Minh nên Tết nào ông Lê Xuân Hiệp (ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) cũng lo ngay ngáy chuyện tàu xe vào Nam cho các con.
9 giờ sáng mùng 6 Tết, ông Lê Xuân Hiệp (ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) chở cô con gái Lê Thị Hàn Ni đến Bến xe khách trung tâm Quy Nhơn để kịp vào TP Hồ Chí Minh làm việc. Vé xe này được Hàn Ni đặt nhà xe Hoàng Dũng từ 2 tháng trước Tết, vậy mà vẫn phải “nằm” ở giường cuối. Hàn Ni cho biết, vé xe về Tết từ TP Hồ Chí Minh là 650 ngàn đồng/vé. Còn vé xe đi vào sau Tết lúc đặt trước là 500 ngàn đồng/vé, chỉ có giấy biên nhận. Đến sáng mùng 6 Tết đến bến Ni mới nhận được vé chính thức. “Cũng sợ không có xe vào, nên họ nói bao nhiêu thì em đưa bấy nhiêu. Rồi nhà xe gọi điện lúc nào thì mình đi lúc đó, phải phụ thuộc vào chuyện quay đầu xe nữa” - Ni cho hay.
Hành khách đi tuyến Quy Nhơn - TP Hồ Chí Minh đợi xe ở Bến xe khách trung tâm Quy Nhơn.
Ông Hiệp bảo, nhà có 5 đứa con thì hết 4 đứa lập nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, còn đứa út cũng nối gót anh chị học đại học trong ấy. Thế nên mỗi bận các con về quê mấy ngày Tết, ông lại lo ngay ngáy chuyện tàu xe. Mới ở TP Hồ Chí Minh mua vé đi về thì cũng ngay lập tức đặt luôn vé đi vào sau Tết.
“Vậy mà mấy anh em nó có đứa đi được xe “ngon”, cũng có đứa phải đi xe “dù”. Sợ nhất là xe chạy lung tung, bắt khách và bỏ khách dọc đường. Tôi cũng muốn đặt xe Hoàng Dũng chạy đàng hoàng cho các con mà không có vé. Chưa kể tiền xe cũng tăng quá trời. Mấy đứa nhỏ về Tết mà có dám đưa cái xe máy nào về nhà để đi chơi đâu, vì tiền vé ngang bằng tiền người nữa” - ông Hiệp phân trần.
Ngay trong sáng mùng 6, Công ty cổ phần Bến xe Bình Định đã huy động 12 xe để giải tỏa khách, chưa kể các đơn vị vận tải trong bến tự điều động lượng xe để phục vụ khách của mình.
Theo khảo sát của chúng tôi, căng thẳng nhất của hoạt động vận chuyển hành khách trong dịp sau Tết là tuyến Bình Định đi TP Hồ Chí Minh. Từ trước tết, các hãng xe đã bán hết vé đi vào TP Hồ Chí Minh đến mùng 9 Tết. Riêng ngày mùng 6 Tết đã có 45 chuyến xe xuất bến tại Bến xe khách trung tâm Quy Nhơn, lượng khách khoảng 2.000 người.
Theo ông Phan Hữu Toàn, đại diện hãng xe Lộc Hương (chạy tuyến Quy Nhơn - TP Hồ Chí Minh), bình thường mỗi ngày chỉ chạy 2 xe, nhưng cao điểm sau Tết thì tăng cường lên 4 xe (3 xe giường nằm và 1 xe ghế ngồi). Vé Tết xe giường nằm là 600 ngàn đồng/vé, tăng 60% so với giá vé ngày thường; xe ghế ngồi là 460 ngàn đồng/vé.
Mùng 6 Tết, nhiều hành khách vào bến xe mua vé đi vào TP Hồ Chí Minh, nhưng không còn vé.
Còn ông Phạm Nguyễn Quốc Huy, chủ xe Hoàng Dũng cho hay bình thường nhà xe chỉ chạy 2 xe, đến Tết thì tăng lên 5 xe. Lịch chạy xe cũng thay đổi, bình thường chỉ chạy vào buổi chiều thì đến giờ chạy hết vào buổi sáng để kịp đến sáng hôm sau quay về giải tỏa khách.
“Vé của các ngày từ mùng 6 đến mùng 10 tháng Giêng đều đã bán hết từ trước Tết. Hiện giờ chúng tôi chỉ bán vé cho những ngày từ 11 trở đi, phần lớn là khách quen, đặt vé qua điện thoại. Giá vé bán theo quy định tăng 60% phụ thu với giá là 545 ngàn đồng/vé. Qua rằm tháng Giêng thì lượng xe sẽ giảm dần, giá vé cũng sẽ trở lại bình thường. So với mọi năm thì lượng khách năm nay của chúng tôi đông hơn vì đường sá đi lại rất tốt, xe được đầu tư hơn, nhiều khách lựa chọn phương tiện xe khách để di chuyển. Tuy nhiên, không vì khách đông mà “làm ẩu” được. Nhà xe có các quy định lái xe giới hạn tốc độ trong giới hạn cho phép, chạy vượt khung thì tài xế phải nộp phạt. Phải có mức khoán để các tài xế chạy đàng hoàng” - ông Huy cho hay.
Vé xe khách đi tuyến TP Hồ Chí Minh những ngày cao điểm mùng 6, 7 Tết đã được “đặt chỗ” từ 2 tháng trước, đến sau Tết chỉ làm mỗi công đoạn là giao vé cho khách.
Trước nhu cầu đi lại tăng cao trong những ngày sau Tết, ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Bình Định cho hay, Công ty đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết cụ thể cho từng đơn vị trực thuộc. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị, ngành chức năng như Công an, thanh tra giao thông; phối hợp với các đơn vị vận tải huy động xe, phục vụ giải tỏa khách trong các ngày cao điểm, nhất là các ngày mùng 6, 7 Tết. Trong sáng mùng 6, Công ty cổ phần Bến xe Bình Định đã huy động 12 xe để giải tỏa khách, chưa kể các đơn vị vận tải trong bến tự điều động lượng xe để phục vụ khách của mình. Các xe đều quay đầu sớm, đường tốt nên không có tình trạng dồn ứ khách tại bến xe.
Sân ga Diêu Trì lúc 18 giờ mùng 6 Tết vẫn đông nghịt khách chờ tàu vào Nam.
Dù lượng khách không quá căng thẳng như địa bàn TP Quy Nhơn, nhưng các bến xe khách huyện, thị xã cũng nỗ lực triển khai các giải pháp tăng chuyến, quay đầu xe sớm để giải tỏa hành khách. Trong khi đó, tại ga Diêu Trì, đến chiều mùng 6 Tết vẫn còn rất đông khách đi tàu vào Nam…
MAI HOÀNG