Công tác nhân sự bầu cử đại biểu Quốc hội phải đảm bảo dân chủ
Nhân dịp đầu Xuân mới Bính Thân 2016, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN về những công việc chuẩn bị cho đợt bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 tới. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
PV: Năm 2016, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tưng bừng kỷ niệm sự kiện trọng đại 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, bầu ra Quốc hội Việt Nam. Theo đồng chí, những bài học kinh nghiệm nào từ thành công của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên sẽ được vận dụng vào việc tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV sắp tới?
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Trong điều kiện muôn vàn khó khăn của thù trong, giặc ngoài, lại diễn ra trong điều kiện nhân dân ta vừa thoát khỏi ách nô lệ. Tuy nhiên, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết định Tổng tuyển cử và đưa cuộc Tổng tuyển cử đến thành công. Qua thành công của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên có thể rút ra được một số bài học kinh nghiệm có thể vận dụng vào việc tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV sắp tới như sau:
Thứ nhất, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Đây là một mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam.
Thứ hai, Quốc hội Việt Nam ra đời là Quốc hội của độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và của đại đoàn kết toàn dân. Quốc hội đã hội tụ các đại biểu của ba miền Bắc-Trung-Nam, là ý chí của nhân dân cả nước. Quốc hội đã có đại diện của tất cả các thế hệ những người Việt Nam yên nước đương thời, hội tụ đại biểu của tất cả các ngành, các giới, các giai cấp, tầng lớp xã hội từ công nhân, nông dân, nam giới, nữ giới cho đến những nhà tư sản, công thương gia, những nhân sĩ trí thức và các nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng, có đại diện các thành phần tôn giáo trên đất nước ta, các thành phần dân tộc, của tất cả những người không đảng phái và đảng phái chính trị...
Thứ ba, Tổng tuyển cử là để xây dựng chính quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử là một mốc son đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới thời kỳ đất nước có Quốc hội, có Chính phủ thống nhất, có một bản Hiến pháp tiến bộ và có cả một hệ thống chính quyền từ Trung ương đến địa phương, có đầy đủ cơ sở pháp lý đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội cũng như đối ngoại. Cuộc bầu cử là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tính chất hợp pháp, dân chủ - nhà nước của dân, do dân và vì dân, được quốc dân giao phó điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến, kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Viết Nam trên trường quốc tế.
Để Quốc hội làm tròn sứ mệnh của mình, trong cuộc bầu cử sắp tới, kinh nghiệm rút ra là toàn thể cử tri trong cả nước phải làm tròn nghĩa vụ công dân, đi bầu đông đủ và cân nhắc, lựa chọn cho được những người tiêu biểu có đủ đức, tài để bầu vào Quốc hội.
Đây cũng là thành tố quan trọng bậc nhất để hình thành một Quốc hội mạnh, có hiệu lực và hoạt động có hiệu quả cao. Người được giới thiệu vào danh sách ứng cử để bầu làm đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân phải có năng lực và điều kiện thực hiện nhiệm vụ... thường xuyên liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhân dân, không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, luôn bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân yêu mến, tín nhiệm.
Phát huy kinh nghiệm của các cuộc bầu cử qua 70 năm ra đời và hoạt động của Quốc hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với tinh thần trách nhiệm cao, cử tri và nhân dân cả nước nhất định sẽ thực hiện thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV.
PV: Để chuẩn bị chu đáo, bảo đảm thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV vào tháng 5/2016, xin đồng chí cho biết những công việc cần thực hiện trong thời gian tới?
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Cùng với đại hội Đảng các cấp, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là dịp để tiếp tục củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới là một nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong năm 2016.
Để chuẩn bị chu đáo, bảo đảm thành công của cuộc bầu cử thành công tốt đẹp, trong thời gian tới cần tập trung làm tốt những công việc sau đây:
Thứ nhất, tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Chỉ thị của Bộ Chính trị về lãnh đạo công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 để các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nhận thức rõ tầm quan trọng, ý nghĩa và yêu cầu của cuộc bầu cử này. Các địa phương cần sớm quán triệt, vận dụng một cách đầy đủ, nghiêm túc, nắm chắc các văn bản pháp luật và những văn bản hướng dẫn của Trung ương, xây dựng thành chương trình, kế hoạch cụ thể, chặt chẽ, khoa học, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương.
Thứ hai, tập trung công tác chuẩn bị nhân sự đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Đây là khâu trọng tâm, mấu chốt nhất của cuộc bầu cử. Công tác nhân sự phải bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ để giới thiệu những người tiêu biểu, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; có tỷ lệ hợp lý các đại biểu đại diện cho các ngành, các cấp, các vùng miền, dân tộc, tôn giáo. Đồng thời, cần phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác bầu cử, bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, quan tâm chỉ đạo tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; làm cho cử tri, nhân dân hiểu rõ yêu cầu cuộc bầu cử lần này, hiểu rõ các quy định của pháp luật về bầu cử và xác định trách nhiệm của mình để cuộc bầu cử thực sự là ngày hội, thực sự dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật. Xác định rõ trách nhiệm của cả người ứng cử, người tự ứng cử, người tham gia bầu cử, cả hệ thống chính trị phải tham gia vào cuộc bầu cử.
Tôi tin chắc rằng, nếu thực hiện tốt các công việc nêu trên, cuộc bầu cử sắp tới của chúng ta sẽ thành công.
PV: Xin cảm ơn ông.
Theo TTXVN