Ngày đi chợ, đêm xem hội vui xuân
Trong những ngày đầu năm, rất nhiều diễn viên múa, ca sĩ ở huyện Tuy Phước và TP Quy Nhơn hăng say biểu diễn trên sân khấu để đem đến những sắc màu văn hóa sinh động trong Tết Bính Thân. Cùng với họ, nhiều người dân cũng rộn ràng dựng lên những ngày hội…
Lòng dân mở hội chợ Gò
6 giờ sáng mùng 1 Tết Bính Thân (8.2), trời mưa phùn gió lạnh vẫn không làm giảm đi tiếng cười nói rộn ràng của người mua kẻ bán tìm về khu vực tổ chức phiên chợ Gò (thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước). Rảo bước một vòng quanh chợ Gò khi trời còn chưa sáng rõ, chúng tôi bắt chuyện một bà lão tuổi đã gần thất thập, hỏi vì sao tuổi cao sức yếu mà không ở nhà cho khỏe còn đi dạo chợ từ sớm, cụ chỉ móm mém cười rồi trả lời bằng… hai câu ca dao: “Đầu xuân đón lộc cầu duyên. Trầu cau em gánh đi phiên chợ Gò”.
Ngay từ đầu giờ sáng mùng 1 Tết, nhiều người bán trầu cau đã ngồi xếp hàng dài đợi khách.
Phiên chợ Gò truyền lưu và duy trì suốt mấy trăm năm qua là nhờ ý thức gìn giữ của người dân. Điều này xuất phát từ sự tôn kính của người dân đối với các tướng lĩnh nhà Tây Sơn - những người có công tổ chức phiên chợ đầu tiên để không chỉ quân vui mà dân cũng yên tâm trong điều kiện chiến tranh. Những năm gần đây, phiên chợ thu hút thêm nhiều khách phương xa vì những ý nghĩa tốt đẹp, những niềm vui, cầu mong sự may mắn từ phiên chợ này.
Trong dãy hàng dài những người xếp hàng bên lề đường ngay từ đầu thôn Phong Thạnh để bán trầu cau, chúng tôi để ý đến cụ bà Lê Thị Điệp (76 tuổi) vì sự đắt hàng bán luôn tay với sự phụ giúp của cô cháu gái nhỏ. “Tôi về làm dâu thôn Phong Thạnh từ năm 19 tuổi, từ đó đến giờ tôi gắn bó với việc bán trầu cau lấy lộc đầu năm tại các phiên chợ Gò. Gần 60 năm đã qua rồi mà tôi vẫn vui mừng chờ đợi phiên chợ như hồi còn thơ trẻ vậy đó. Năm nay, tôi bán nhiều trầu cau xanh tươi mới hái hôm qua từ vườn nhà bà chị ở khu vực bãi Xép TP Quy Nhơn. Mua bán “lấy vui làm lời” là chính, nên khách quen sáng giờ ghé đến cũng nhiều…” - cụ Điệp tâm tình.
Ngoài mặt hàng chính là trầu cau, đu đủ, các loại rau xanh tươi mơn mởn, nhiều khách dự hội năm nay cũng đã ghé đến ủng hộ những người bán mặt hàng tươi sống như thịt heo, bò, cá, tôm, cua… Người bán người mua nhiều khi đã quen mặt nhiều năm nên ngoài chuyện mua bán, còn tay bắt mặt mừng, cầu mong cho nhau sức khỏe tốt, con cháu ngoan hiền, thành đạt… Chị Nguyễn Thúy Vy (40 tuổi), một người dân ở xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, cho biết: “Hàng chục năm qua đều dẫn con đi chợ Gò để biết truyền thống quê mình, rồi mua ủng hộ người dân trong thôn lên đây bán hải sản tươi sống”.
Khi mua trầu cau, nhiều người thường chọn những người bán cao tuổi với hy vọng mình sẽ được hưởng lộc từ người bán, cầu mong có được sức khỏe và cái nết chịu thương chịu khó của các cụ. Nhưng cũng không ít người chọn những người bán hàng là trẻ em, họ cho biết, khi tìm đến với các cháu, họ nhớ sự hồn nhiên, tươi tắn và căng tràn sức sống. Mỗi người một ý và tựu trung đều là những nghĩ suy tử tế, chân thành.
Cuốn hút Đêm hội tháp Đôi
Chương trình Đêm hội tháp Đôi diễn ra vào tối mùng 2 Tết (9.2) tại di tích tháp Đôi (TP Quy Nhơn) được Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn đầu tư dàn dựng có chất lượng hơn những năm trước, tập trung khai thác về văn hóa dân gian của người Chăm với những nét đặc sắc. Đêm hội đã cuốn hút người xem ngay từ đầu với tiết mục hát múa “Ngày hội Ka tê” khai thác chất liệu âm nhạc dân gian đã đưa khán giả hòa cùng không khí của một trong những lễ hội dân gian đặc sắc nhất của đồng bào dân tộc Chăm được tái hiện phần nào trên sân khấu qua lời ca, điệu múa, tiếng trống, tiếng kèn rộn rã…
Múa “Lung linh tháp cổ”trong Đêm hội tháp Đôi.
Phát huy sở trường dàn dựng múa Chăm thể hiện được sự tìm tòi sáng tạo riêng, biên đạo Hoàng Việt cùng các diễn viên đã đem đến cho Đêm hội tiết mục “Lung linh tháp cổ” thể hiện hình ảnh những cô vũ nữ Chăm xinh đẹp với những điệu múa huyền ảo mê đắm lòng người...Tiết mục múa “Vũ hội làng Chăm” đem đến sự rộn ràng, tươi vui của không khí hội hè trong dịp đầu năm mới. Đêm hội còn có nhiều tiết mục giới thiệu đời sống sinh hoạt, lao động, tôn vinh những nét đẹp trong bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Chăm như Roya yêu thương (song ca), Ka tê mùa xuân tình yêu (đơn ca nữ), Đàn đá đêm nay (tốp ca nam), Tình làng gốm (đơn ca nữ), Chiếc nhẫn Mưta (song ca), Mừng ngày hội quê ta…
Chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (40 tuổi), sống ở tỉnh Bình Dương về quê ăn Tết, tâm sự: “Tôi cùng chồng con đến thăm quan tháp Đôi từ lúc chiều tối, sau đó nán lại ngồi chơi để chờ xem đến hết chương trình. Đêm hội có nhiều tiết mục sinh động, giúp mình phần nào biết được đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Chăm…”. Một số du khách quốc tế đến xem đã được Ban tổ chức Đêm hội mời từ hàng ghế khán giả lên vị trí đại biểu để tiện theo dõi hơn, đã bày tỏ sự hào hứng qua những tràng vỗ tay, ánh mắt không rời sân khấu...
Gương mặt rạng ngời niềm vui sau đêm diễn, biên đạo Hoàng Việt chia sẻ: “Từ sự ủng hộ đến thưởng thức từ đầu đến cuối chương trình của nhiều khán giả, tôi cảm thấy phấn chấn trong năm mới và tiếp tục mong ước sẽ có điều kiện thực hiện được ấp ủ nhiều năm qua là đưa Đêm hội tháp Đôi nâng lên thành quy mô lễ hội. Như vậy, mới có thêm nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tổ chức thời gian dài hơn tại di tích quốc gia tháp Đôi trong ngày Tết, để thu hút người dân và du khách tìm đến thăm quan và thưởng thức...”.
HOÀI THU