Thực phẩm tươi sống vẫn “neo” giá Tết
Sau 9 ngày nghỉ Tết, đến sáng 15.2 (mùng 8 Tết Bính Thân 2016), giá nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống vẫn neo ở mức cao. Theo các tiểu thương, chủ cơ sở kinh doanh, qua rằm tháng Giêng, sức mua và giá thực phẩm, hàng hóa mới ổn định trở lại.
Hiện, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng kinh doanh đã hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết. Hàng hóa được người tiêu dùng chọn mua nhiều là thực phẩm tươi sống, rau - củ - quả, trứng, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản…
Rau xanh “đội giá”
Rau xanh là mặt hàng bày bán sớm nhất sau Tết tại các chợ, và cũng là mặt hàng bị “đội giá” nhiều nhất, gấp 3-4 lần ngày thường. Theo tìm hiểu của chúng tôi tại một số chợ lớn trên địa bàn Quy Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước… so với thời điểm từ mùng 2 đến mùng 5 Tết, giá các loại rau xanh dù giảm nhưng vẫn đang đứng ở mức khá cao. Cụ thể, đến sáng 15.2, rau muống có giá 6.000 đồng/bó, cúc 6.000 đồng/bó, cải xanh 7.000 đồng/bó, mồng tơi 4.000 đồng/bó...
Mặt hàng rau - củ - quả được tiêu thụ nhiều trong và sau Tết Nguyên đán khiến giá bị đẩy lên cao.
Đối với các loại củ - quả, khổ qua vẫn đang đứng ở mức của giá Tết là 60.000 đồng/kg; bắp cải Hà Nội 25.000 đồng/kg; cải thảo 25.000 đồng/kg… Trong khi đó, nhiều loại củ, quả sau thời gian biến động giá mạnh do phục vụ nhu cầu mấy ngày Tết đến nay đã “hạ nhiệt”, như: dưa leo 13.000 - 14.000 đồng/kg (giá Tết 35.000 - 40.000 đồng/kg), đậu cô ve 20.000 đồng/kg (giá Tết 45.000 đồng/kg)…
Chị Nguyễn Thị Thảo- tiểu thương bán hàng laghim ở chợ Đầm (Quy Nhơn) - cho biết: “Chưa năm nào giá rau xanh lại đắt đỏ như năm nay, đã thế rau cứ ra đến chợ là khách hàng “đổ” đến mua, đưa ra chợ bao nhiêu hết bấy nhiêu. Như năm ngoái, thời điểm này các loại rau xanh vào vụ, rất rẻ”.
Tình trạng rau xanh “đội giá” được các tiểu thương lý giải một phần do nhu cầu tiêu thụ tăng cao mấy ngày sau Tết của người dân. Bên cạnh đó là do thời tiết thất thường, trước Tết rét đậm, rét hại ở nhiều tỉnh phía Bắc nên nguồn rau cung ứng từ các tỉnh ở miền Trung cho khu vực này khá nhiều, khiến giá rau “nhảy múa”. Ngoài yếu tố khách quan nói trên, trong những ngày sau Tết, lượng người bán tại các chợ ít, hàng ít về số lượng, chủng loại nên các tiểu thương được đà “đẩy giá”.
Theo chị Nguyễn Thị Mai, tiểu thương bán rau tại chợ Bình Định (An Nhơn), giá các loại rau xanh hiện nay tuy đã giảm so với cận Tết và trong Tết, nhưng vẫn đắt hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Một số loại như rau muống, cúc, cải xanh thậm chí còn khan hàng do tiêu thụ nhiều. Đáng nói, chỉ có rau, củ, quả nhà vườn trong tỉnh tăng giá. Ngược lại, các sản phẩm Đà Lạt sau thời gian “đứt hàng” ngày cận Tết thì hai ba ngày nay đã nhập về phong phú hơn, giá tương đối ổn định, như: cà rốt 20.000 đồng/kg, cà chua 25.000 đồng/kg, bắp cải 15.000 đồng/kg…
Sức mua chưa cao
Trong khi các loại rau xanh bị biến động về giá thì thủy hải sản, thịt gia súc, gia cầm đến nay đã bắt đầu “hạ nhiệt”
Trong khi các loại rau xanh bị biến động về giá thì thủy hải sản, thịt gia súc, gia cầm đến nay đã bắt đầu “hạ nhiệt”. Tại các chợ, giá mực ống các loại dao động 260 - 270 ngàn đồng/kg (mùng 5 Tết là 350 ngàn đồng/kg); cá bớp 230 ngàn đồng/kg (mùng 5 Tết là 300 ngàn đồng/kg); thịt heo từ 80.000 đồng đến 130 ngàn đồng/kg (ngày Tết 100 - 170 ngàn đồng/kg); thịt bò 200 - 250 ngàn đồng/kg (ngày Tết 250 - 275 ngàn đồng/kg, thậm chí sáng mùng 2 Tết giá thịt bò loại ngon tại một số chợ vọt lên 300 ngàn đồng/kg).
Cùng với đó, mặt hàng trái cây sau Tết cũng đã trở về mức giá ổn định, một vài loại giảm giá từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Cụ thể, vú sữa 25.000 đồng/kg, thanh long 25.000 đồng/kg, mận 20.000 đồng/kg, dưa hấu 15.000, bưởi da xanh các loại dao động 45.000 - 60.000 đồng/kg. Đắt nhất đến thời điểm này là xoài cát Hòa Lộc 80.000 đồng/kg, song các tiểu thương đều đã dừng nhập loại trái cây này để chờ đến vụ.
Cùng với thực phẩm và hàng tiêu dùng, sau Tết giá một số dịch vụ còn khá cao. Một số dịch vụ tăng giá so với cận Tết, tăng mạnh nhất đến thời điểm này là cước vận tải tăng gấp rưỡi. Trong khi đó, giá các dịch vụ ăn uống đã giảm so với trong Tết nhưng vẫn nhỉnh hơn ngày thường 20-40%.
Có lợi thế về hệ thống, đến nay các siêu thị trên địa bàn tỉnh vẫn cung ứng một lượng thực phẩm và rau xanh tương đối ổn định ra thị trường. Hệ thống các siêu thị tại Bình Định như Co.opmart, Big C… phối hợp với các hợp tác xã sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại Bình Định, Đà Lạt và các tỉnh miền Tây Nam bộ để đảm bảo nguồn cung hàng hóa, tránh tình trạng khan hiếm do nhu cầu tăng cao trong mấy ngày sau Tết.
Theo đại diện ban quản lý các chợ, hầu hết các chợ mở hàng từ mùng 2 Tết, nhưng hầu hết công ty, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn tỉnh vẫn đang trong những ngày nghỉ nên hoạt động mua bán tại chợ kém sôi động hơn ngày thường rất nhiều. Ông Trần Phúc Danh, Trưởng Ban quản lý chợ Đầm (Quy Nhơn) cho hay những ngày này chợ thường họp muộn hơn, kết thúc sớm hơn, thường là vào buổi sáng, thương lái đến mua bán và lượng hàng hóa giao dịch chỉ bằng 10% so với những ngày cận Tết.
“Sức mua các ngày sau Tết chỉ bằng 1/5 so với trước Tết vì trước Tết người tiêu dùng đã mua sắm tương đối “đủ đầy”. Dự kiến, phải qua ngày 24.2 (rằm tháng Giêng) sức mua mới trở lại như ngày thường” - ông Thái Lương Hùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sài Gòn Co.op Bình Định, cho hay.
THU HIỀN