Ngày xuân vui hội bài chòi
Từ ngày mùng 1 Tết Bính Thân đến qua rằm tháng Giêng, nhiều huyện, xã, thành phố trong tỉnh rộn ràng không khí tươi vui hội đánh bài chòi cổ. Một số huyện, thành phố trong tỉnh còn tổ chức thi hô - hát bài chòi cổ.
Hội bài chòi cổ rộn ràng nhiều nơi
Tết Bính Thân năm 2016 này là năm thứ tư, xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn tổ chức hội đánh bài chòi cổ phục vụ nhân dân trong xã vui xuân đón Tết. Hội đánh bài chòi cổ được tổ chức ở bãi biển từ mùng 1 cho đến mùng 5 Tết (từ ngày 8-12.2).
Dù thời tiết những ngày đầu năm khá lạnh, hội bài chòi vẫn thu hút không chỉ người lớn tuổi mà cả nam thanh nữ tú, trẻ em, phụ nữ tham gia. Không khí vui Tết đón xuân ở xã bán đảo này, nhờ đó, rộn ràng hẳn lên. Anh Lê Duy Tân, một người dân ở thôn Hải Bắc, cho biết: “Trong dịp xuân mấy năm nay, nhờ có hội bài chòi cổ mà tôi cũng như bà con trong xã rất vui… Không khí Tết nhất nhờ vậy mà cũng hào sảng, trong sáng thêm; nam nữ thanh niên nhờ dự hội mà cũng bớt đi chuyện lấy đánh bạc làm vui”.
Người dân xã Nhơn Hải vui hội đánh bài chòi cổ.
Ngoài những câu thai truyền thống nói về tình yêu quê hương, đất nước, đề cao những đức tính phẩm chất tốt đẹp của con người, phê phán những tệ nạn xã hội… do Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn cung cấp, các anh (chị) hiệu của Đội bài chòi cổ xã Nhơn Hải còn sưu tầm, sáng tác thêm những câu thai gắn liền với thực tế địa phương. Điều này càng làm cho trò chơi thêm phần thú vị, hấp dẫn. “Được bà con nhiệt tình ủng hộ, tham gia nên các thành viên trong đội thêm phấn chấn phục vụ hết mình…”, ông Nguyễn Văn Minh, Đội trưởng Đội bài chòi cổ xã Nhơn Hải, chia sẻ.
Trung tâm VH-TT-TT Quy Nhơn cũng tổ chức hội đánh bài chòi cổ tại bãi cỏ trước Trung tâm thương mại Quy Nhơn, thu hút nhiều người dân và du khách từ tối mùng 2 Tết cho đến nay. Bên cạnh lực lượng hiệu có chất lượng là cán bộ của Trung tâm, thì một số hiệu giỏi, hô hát bài chòi hay cũng đã được mời cộng tác để luân phiên phục vụ bà con vui xuân. Trong hai ngày mùng 2 và 3 Tết (9 và 10.2.2016), Trung tâm VH-TT-TT thị xã An Nhơn đã lần thứ ba tổ chức Hội đánh bài chòi cổ vào mỗi dịp xuân về. Hội đánh bài chòi cổ còn được tổ chức trong các lễ hội lớn, hay hoạt động vui xuân tại huyện Tuy Phước, Hoài Nhơn, Tây Sơn, Phù Mỹ...
Thi tài bài chòi cổ
Đáng ghi nhận trong hội đánh bài chòi cổ ngày xuân năm nay là một số địa phương trong tỉnh đã và sẽ tổ chức cho hiệu ở các địa phương thi tài. Trong Lễ hội chợ Gò ở huyện Tuy Phước vào ngày mùng 1 Tết, Trung tâm VH-TT-TT huyện Tuy Phước lần đầu tiên tổ chức thi hội đánh bài chòi cổ. “Hội thi chỉ mới có 5 xã, thị trấn tham gia, nhưng các đội tập hợp được các hạt nhân làm hiệu có tiềm năng biểu diễn hô hát bài chòi cổ, nên lôi cuốn rất đông người dân và du khách về vui hội bài chòi…”, ông Nguyễn Phú, cán bộ Trung tâm VH-TT-TT huyện Tuy Phước, cho biết.
Trong hai đêm mùng 6 và mùng 7 Tết, Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn đã tổ chức Hội thi “Hô - Hát bài chòi dân gian”, với sự tham gia của 12 phường, xã trên địa bàn thành phố.Trong đó, nhiều phường ở khu vực ngoại thành và xã đảo cũng nhiệt tình tham gia. Ông Hoàng Việt, thành viên ban giám khảo Hội thi, nhận xét: “So với năm ngoái, Hội thi năm nay các đội đã có sự đồng đều và tiến bộ hơn, đồng thời cũng có nhiều hơn những gương mặt trẻ làm hiệu. Đáng biểu dương nhất là vợ chồng anh Trần Hữu Phước và 3 người con trai, gái từ xã đảo Nhơn Châu vượt sóng gió về tham dự và chinh phục mọi người…”.
Kết thúc Hội thi, Ban tổ chức đã trao các giải thưởng: giải Xuất sắc cho gia đình hiệu Trần Hữu Phước; tập thể hiệu phường Trần Hưng Đạo và phường Ngô Mây cùng đạt giải Nhì; giải Ba được trao cho tập thể hiệu các phường Nguyễn Văn Cừ, Quang Trung, Bùi Thị Xuân. Ngoài ra, còn có các giải “Hiệu cao tuổi” được trao cho ông Nguyễn Đức Tảng (83 tuổi, phường Ngô Mây), giải “Nhóm hiệu nhỏ tuổi triển vọng” được trao cho các gương mặt trẻ ở phường Lê Lợi.
Tiếp nối hội đánh bài chòi cổ ngày xuân, vào các đêm 23-24.2 tới, UBND huyện Hoài Nhơn sẽ tổ chức Hội thi bài chòi cổ tại khu vực di tích Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Duy Từ. Điểm đặc biệt là đến nay đã có 17/17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đăng kí dự thi. Ông Lê Văn Tình, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Hoài Nhơn, chia sẻ: “Được UBND huyện quan tâm tổ chức Hội thi góp phần bảo tồn di sản văn hóa, Trung tâm đã có những nỗ lực tổ chức tập huấn chung cho các phường, xã, rồi sau đó tiếp tục cử cán bộ xuống từng địa phương đôn đốc, hướng dẫn tập luyện thêm. Xã nào chậm triển khai chuẩn bị cho Hội thi thì chúng tôi gọi điện thoại trực tiếp trao đổi với lãnh đạo địa phương đề nghị quan tâm hơn… Nhờ vậy, hiện tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã sẵn sàng cho cuộc giao lưu, thi tài bài chòi cổ sắp đến”.
HOÀI THU - NGỌC NHUẬN