Giới thiệu bầu ĐBQH ở Trung ương cũng nên có số dư
Theo nhiều ý kiến, cần có số dư để bầu ra 198 ĐBQH được bầu ở Trung ương. Cần bảo đảm bảo đảm công bằng ở cả Trung ương và địa phương là đều có số dư
Nghị quyết 1140/2016/UBTVQH13 dự kiến cơ cấu, thành phần ĐBQH khóa XIV và số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIV đã đưa ra số lượng ĐBQH khóa XIV ở Trung ương là 198 đại biểu, bằng 39,6%.
Ông Đỗ Duy Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, đại hội Đảng XII vừa qua, số dư bầu rất cao, được nhân dân đánh giá là tính dân chủ cao. Vì vậy, cần phát huy điều này trong cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND lần này.
“Cần thảo luận danh sách có số dư để bầu ra 198 ĐBQH được bầu ở Trung ương. Cần bảo đảm tiêu chuẩn cao nhất của người ứng cử ĐBQH, bảo đảm công bằng ở cả Trung ương và địa phương là đều có số dư. Cần có số dư để đảm bảo số lượng đại biểu được bầu, vừa đảm bảo dân chủ xã hội chủ nghĩa, thể hiện mở rộng dân chủ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, thể hiện sự bình đẳng giữa Trung ương và địa phương đều có số dư. Cần bảo đảm số dư ở mỗi đơn vị bầu cử ít nhất là 2 người đúng như Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định”, ông Đỗ Duy Thường đề nghị.
Trước đề nghị này, ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ cho rằng, vấn đề số dư và số người được bầu thực ra sẽ chuyển hóa cho nhau. 198 đại biểu Trung ương cũng có thể chuyển hóa thành số dư vì khi không được bầu thì tự nhiên những người này lại thành số dư.
“Đó là vấn đề rất bình thường trong chuẩn bị số dư ở Trung ương hoặc của địa phương cũng hòa chung trong một danh sách. Như vậy không có nghĩa địa phương giới thiệu là số dư, mà khi địa phương giới thiệu có đại biểu trúng cử thì đại biểu ở Trung ương giới thiệu lại biến thành số dư. Đây là một quan hệ tổng hòa, có quan hệ biện chứng với nhau trong suốt quá trình”- ông Vũ Trọng Kim nói.
Trung ương giới thiệu cũng phải có số dư
Chưa thỏa mãn với quan điểm này, bà Hà Thị Liên, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, chúng ta đã quyết định Trung ương phải có 198 đại biểu và địa phương là 302 đại biểu. Chúng ta mong muốn Trung ương có 198 đại biểu nhưng chúng ta không chọn số dư thì Trung ương sẽ không đạt cơ cấu này. Việc này mới thì chúng ta phải nghiên cứu xem khi đưa số dư vào nó sẽ có lợi và bất lợi như thế nào? Hay đại biểu Trung ương khi đưa số dư về mà bầu không trúng sẽ ra sao?
Theo bà Hà Thị Liên, từ trước đến nay có thể nói chúng ta chưa làm về vấn đề số dư của ĐBQH ở Trung ương. “Tôi cũng tham gia ở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ 1999 đến 2014. Qua 3 nhiệm kỳ chúng tôi thấy mỗi lần bầu ĐBQH chúng ta chỉ có số dư ở đại biểu địa phương ứng cử, còn đối với đại biểu Trung ương chúng ta chọn chằn chặn luôn. Tôi đề nghị xem Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban bầu cử nghiên cứu xem khóa này có làm như các khóa trước hay không? Có những đại biểu Trung ương giới thiệu và Mặt trận giới thiệu lại không trúng, những người đó tự nhiên biến thành số dư nhưng lại nằm trong cơ cấu chính thức số đại biểu của Trung ương. Vì thế nếu không chọn số dư thì số đại biểu trúng cử có khi chỉ đạt 191, 192… chứ không phải 198 như mong muốn. Khi đó số đại biểu địa phương sẽ tăng lên để đủ con số 500. Như vậy liệu có đảm bảo được cơ cấu Hiệp thương lần 1 hay không?”.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, hiệp thương lần 1 là việc làm hết sức quan trọng để tạo sự lắng nghe ý kiến của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên về dự thảo cơ cấu mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chuẩn bị qua Nghị quyết 1134, 1140.
“Đây là những Nghị quyết về dự kiến cơ cấu thành phần, với tinh thần còn sửa đổi, chứ không phải đã chốt cơ cấu, thành phần. Chúng ta vẫn còn 2 lần điều chỉnh nữa qua Hiệp thương lần 2 và Hiệp thương lần 3. Hiệp thương lần 2 bên cạnh vấn đề về cơ cấu thì bắt đầu có con người sơ bộ, Hiệp thương lần 3 là chốt con người cụ thể”- ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Theo Minh Hòa/VOV