Giỗ Tổ làng chiếu cói truyền thống Gia An Đông
Sáng 16.2, người dân thôn Gia An Đông (xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn) tổ chức lễ Giỗ Tổ làng nghề cói chiếu truyền thống. Đây là dịp tưởng nhớ Tiên Sư - người đầu tiên truyền dạy nghề dệt chiếu cói cho người dân địa phương.
Từ sáng sớm, người dân trong thôn đã mang lễ vật, trái cây, hương hoa từ nhà đến miếu thờ để cúng lễ. Mỗi người mỗi thức tùy tâm tự nguyện đóng góp, thể hiện lòng tôn kính và biết ơn với tiền nhân.
Miếu thờ nằm trên một khoảnh đất rộng chừng 60 m2, tại xóm 4 thuộc thôn Gia An Đông. Theo ông Nguyễn Thuấn (84 tuổi, ngụ tại Gia An Đông) cho biết, từ nhỏ ông đã nghe người xưa truyền lại rằng, ông tổ của làng nghề là người từ ngoài Bắc vào, phát hiện ra vùng đất đai trù phú Gia An Đông, nên đem về những cây cói trồng cấy, dệt nên những chiếc chiếu đầu tiên và dệt cả một truyền thống văn hóa nơi đây, thời gian cách nay khoảng 200 năm. Ông cũng truyền dạy cho người dân thôn Gia An Đông cách dệt chiếu cói. Khi ông mất đi, người dân địa phương tưởng nhớ và lập miếu thờ ông tại làng, gọi là miếu Tiên Sư và tổ chức lễ cúng tế vào ngày mùng Chín tháng Giêng hàng năm.
Dệt chiếu đòi là công việc hỏi sự khéo léo và nhất là lòng yêu nghề. Nghề dệt chiếu truyền thống của thôn được lưu giữ từ xưa đến nay, qua nhiều thế hệ. Khi dệt chiếu, từng động tác phải được kết hợp hài hòa giữa người lùa cói và ép cói. Trong các loại chiếu, chiếu bông và chiếu lảy là khó nhất, bởi nó đòi hỏi sự phân bố, bắt chữ sao cho đẹp và sắc sảo. Cứ thế, chiếu Gia An Đông đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành phố miền Trung.
Hiện nay, Gia An Đông gồm 4 xóm với 462 hộ, trong đó hơn 350 hộ vẫn làm nghề dệt chiếu cói, vừa dệt theo kiểu truyền thống, vừa trang bị máy dệt hỗ trợ. Tổng doanh thu hàng năm của làng nghề bình quân đạt từ 7 - 8 tỉ đồng.
Trong thôn, hầu hết người dân đều biết làm chiếu. Có nhà có 6,7 đời truyền nghề làm chiếu cói.
Miếu thờ Tiên Sư – ông Tổ của làng cói chiếu truyền thống thôn Gia An Đông (xã Hoài Châu Bắc, Hoài Nhơn).
Các cụ cao niên trong thôn đến dự lễ giỗ Tổ và dâng hương tưởng nhớ tiền nhân trong sáng Mùng 9 tháng Giêng năm nay.
Một góc cánh đồng cói (lác) của thôn Gia An Đông.
Người dân thôn Gia An Đông thu hoạch cói, mỗi năm thu hoạch cói từ 3-4 vụ chính.
Hiện nay tại thôn Gia An Đông có nhiều hộ vẫn dệt chiếu theo phương thức truyền thống.
Trong dệt chiếu truyền thống thủ công thì khâu bắt biên là khó nhất, nên đòi hỏi người dệt có nhiều kinh nghiệm để rút ngắn thời gian.
Nhuộm màu để tạo cho chiếu có nhiều hoa văn đẹp mắt khi dệt.
Hiện nay nhiều hộ gia đình đầu tư trang bị máy dệt nhằm nâng cao năng suất sản phẩm và tăng thu nhập.
Sản phẩm chiếu cói của thôn Gia An Đông được thị trường chấp nhận và tiêu thụ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh.
Sắc màu đặc trưng của làng nghề chiếu cói của thôn Gia An Đông.
GIA VŨ