Cát Minh với nỗ lực xây dựng nông thôn mới
Cát Minh là một trong 5 xã ven biển của huyện Phù Cát. Những năm qua xã đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, diện mạo nông thôn địa phương có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao.
Ông Võ Văn Thế, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Minh, cho biết: “Là xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, xuất phát điểm để xây dựng nông thôn mới (XDNTM) còn thấp, nên xã xác định phải huy động nhiều nguồn lực, tập trung phát huy vai trò chủ thể của người dân để thực hiện đạt các tiêu chí NTM. Xã đã xây dựng lộ trình cụ thể, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của địa phương; vận động nhân dân tích cực tham gia XDNTM. Đến nay, xã Cát Minh đã hoàn thành 15/19 tiêu chí NTM, và phấn đấu về đích vào năm 2018.
Một góc nông thôn Cát Minh hôm nay. Ảnh: TRƯỜNG GIANG
Về phát triển sản xuất, xã cũng tập trung vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng mùa vụ, tăng cường sử dụng các loại giống mới, áp dụng một số mô hình sản xuất có hiệu quả, triển khai ứng dụng các tiến bộ KHKT vào thâm canh chăm sóc và triển khai thực hiện các mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng. Toàn xã hiện có đàn bò hơn 3.000 con với 80% là bò lai, đàn heo hơn 10.000 con và đàn gia cầm hơn 110 ngàn con. Công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm được tăng cường.5 năm qua, từ nhiều nguồn vốn, xã đã đầu tư xây dựng, nâng cấp gần 19 km đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa gần 8,5 km kênh mương nội đồng và nhiều công trình văn hóa, xã hội khác với tổng kinh phí hơn 16,8 tỉ đồng. Đến nay, 100% đường trục xã, liên xã đã được nhựa hóa và bê tông hóa; 85% đường trục thôn, xóm đã được cứng hóa hoặc cấp phối. Nhân dân địa phương cũng đã tự nguyện hiến 2.500m2 đất, tháo dỡ vật kiến trúc, chặt bỏ hàng ngàn cây trồng các loại với tổng trị giá khoảng 1,4 tỉ đồng để mở rộng đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất. Ngoài ra, nhân dân trong xã còn tự nguyện đóng góp tiền lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng công cộng trên khoảng 3 km các tuyến đường giao thông liên thôn, xóm với trị giá hơn 500 triệu đồng, tạo thuận lợi cho việc đi lại vào ban đêm, góp phần giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.
Bên cạnh đó, xã cũng tập trung nâng cao năng lực khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Toàn xã hiện có 260 tàu thuyền với tổng công suất 17.500 CV, sản lượng khai thác hàng năm hơn 3.000 tấn thủy sản các loại. Trên địa bàn xã còn có 106 ha nuôi trồng thủy sản các loại với sản lượng 430 tấn/năm, góp phần tạo việc làm và thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân. Làng nghề truyền thống đan đác ở thôn Trung Chánh được duy trì hoạt động, tạo nhiều việc làm nông nhàn.
Các chính sách an sinh xã hội ở nông thôn được quan tâm thực hiện đầy đủ, tỉ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 2 - 4%, xã đã hoàn thành phổ cập tiểu học, THCS và đang triển khai phổ cập bậc THPT; 95% lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên; 100% hộ dân trong xã sử dụng điện lưới quốc gia và sử dụng nước hợp vệ sinh; 70% người dân tham gia bảo hiểm y tế. Đến cuối năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã đạt 13,7%; thu nhập bình quân đầu người đạt 29,3 triệu đồng/năm.
Ông Võ Văn Thế cho biết thêm: “Để giữ vững các tiêu chí đã đạt được và thực hiện đạt các tiêu chí còn lại, trong thời gian tới, xã sẽ tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong nhân dân và huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, từng bước và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; phấn đấu đến năm 2018 Cát Minh đạt xã nông thôn mới”.
TRƯỜNG GIANG