Ngày thơ Việt Nam lần thứ XIV: “Xuân hy vọng”
Mang chủ đề “Xuân hy vọng”, Ngày thơ Việt Nam lần thứ XIV tại Bình Định (Nguyên tiêu Bính Thân 2016) với nhiều hoạt động, được tổ chức tại địa điểm mới - Khu di tích Tháp Đôi (khu vực 4, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) - hứa hẹn là điểm hẹn văn hóa ý nghĩa, hấp dẫn cho công chúng.
Ngày mai (22.2 tức Rằm tháng Giêng), Nguyên tiêu 2016 sẽ khai hội với các hoạt động của sân thơ trẻ, sân thơ phong trào, triển lãm thư pháp thơ, giới thiệu sách mới xuất bản… diễn ra trong buổi chiều, tiếp đó là chương trình nghệ thuật vào buổi tối (trình diễn thơ, thơ phổ nhạc, trống hội, hát múa tổng hợp).
Một hoạt động khác được tổ chức trước đó - triển lãm ảnh nghệ thuật - trưng bày, giới thiệu đến công chúng 60 bức của tác giả trong tỉnh, diễn ra từ chiều 21.2 cũng góp phần làm cho không gian ngày hội thơ thêm sức hút.
Một tiết mục nghệ thuật trong Đêm thơ Nguyên tiêu 2015. Ảnh: VĂN LƯU
1.
Năm nay, trên tinh thần chủ đề chung do Hội Nhà văn đưa ra - “Đón Xuân, mừng Đảng”, “Xuân hy vọng” là chủ đề được chọn đặt cho Ngày thơ Việt Nam lần thứ XIV tại Bình Định. Theo ông Trần Quang Khanh, Phó Chủ tịch Hội VHNT Bình Định (đơn vị chủ công tổ chức, có sự phối hợp của Sở VH-TT&DL, UBND TP Quy Nhơn), mùa xuân Bính Thân 2016 này đánh dấu một sự kiện chính trị lớn của đất nước là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII thành công, chủ đề “Xuân hy vọng” chuyển tải thông điệp về sự tin tưởng vào một đội ngũ lãnh đạo mới, chứa chan niềm hy vọng về sự chuyển mình, phát triển mạnh mẽ hơn, bứt phá hơn của đất nước, quê hương.
2.
Trong chương trình Ngày thơ Việt Nam lần thứ XIV tại Bình Định với nhiều hoạt động, được đầu tư dàn dựng và đón đợi thưởng thức nhất là chương trình nghệ thuật vào tối Rằm. Tại đây, trong phần lễ của chương trình là sự vang lên hai bài thơ kinh điển gợi hồn thiêng sông núi - “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt và “Nguyên tiêu” của Hồ Chí Minh qua hình thức đọc, ngâm thơ.
Phần hội nối tiếp, chương trình nghệ thuật Nguyên tiêu 2016 với 12 tiết mục, trong đó 3 tiết mục hát múa và 9 dành cho thơ, thơ phổ nhạc.
Sau tiết mục hát múa khai hội thơ, ngay từ đầu chương trình, chủ đề “Xuân hy vọng” được chủ ý nhấn mạnh qua trình bày trích bài thơ “Dọc đường theo Đảng” (tác giả Phạm Hổ). Đến với bài thơ “Dọc đường theo Đảng” của nhà thơ người Bình Định này, ngoài sẻ chia, đồng cảm với những cảm nhận, niềm hạnh phúc khi có Đảng của tác giả, người đọc còn xúc động bởi tình yêu, lòng trung thành, chung thủy sắt son một lòng theo Đảng mà nhà thơ Phạm Hổ gửi gắm qua bài thơ: Còn một nhịp tim để mắt còn thấy sáng/ Còn một bước chân, tôi còn đi theo Đảng/ Dù tháng năm có nhuộm tóc, thay da/ Có Đảng trong lòng, tôi trẻ mãi lời ca.
Tại Ngày thơ ở địa phương mình năm nay, công chúng yêu thơ Bình Định sẽ thêm một dịp được nghe lại các bài thơ nổi tiếng của Xuân Diệu, Yến Lan, hai nhân vật mà mảnh đất Bình Định tự hào là nơi có vai trò, dấu ấn đậm nét trong cuộc đời và cả sự nghiệp thơ. Đó là các tiết mục ngâm thơ bài “Bến My Lăng” (Yến Lan), “Cha đàng ngoài, mẹ đàng trong” (Xuân Diệu), hát “Mộ khúc”, một tuyệt phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ Xuân Diệu.
Bên cạnh tôn vinh, quảng bá giá trị thơ ca truyền thống của hai nhà thơ lớn của đất nước, đêm hội thơ sẽ tiếp tục với các tiết mục giới thiệu tác phẩm của các nhà thơ trong tỉnh thuộc nhiều thế hệ: hát “Làng ven sông” (phổ thơ Lệ Thu), ngâm “Tháp Đôi” (Xuân Mai), “Nghe em hát bài chòi” (Phạm Thành Trai), hát “Vội vàng tháng Chạp” (phổ thơ Triều La Vỹ)…
3.
Vẻ đẹp của thơ đương đại cũng như chân dung tâm hồn các nhà thơ trong tỉnh thuộc nhiều thế hệ, đặc biệt các nhà thơ trẻ, các cây bút thơ mới là sinh viên- học sinh, công chúng sẽ phần nào cảm nhận được nếu dõi theo hoạt động của sân thơ trẻ, sân thơ phong trào diễn ra từ 15h đến 16h30’ Rằm (trước chương trình nghệ thuật chính buổi tối). Đây là một chương trình sinh hoạt thơ hết sức gần gũi, tự nhiên, cởi mở, tác giả tự chọn lựa và trình bày tác phẩm của mình.
Hiện hai sân thơ này đã có 15 tiết mục đọc thơ của 15 tác giả, với những cái tên đã dần quen thuộc: Lê Ân, Trần Hoa Khá, Ngô Văn Cư, Nguyễn Thị Phụng, Võ Hà Thanh Nhi, Viễn Trình, Lê Văn Đồng, Mẫu Đơn bên cạnh những hạt mầm văn chương mới như Tuyết Mai, Mỹ Tiên…
So với chương trình nghệ thuật mang tính tổng hợp sẽ diễn ra sau đó, đây là chương trình hướng đến đối tượng tôn vinh duy nhất là thơ, tin rằng danh sách trên sẽ còn thu hút nhiều nhà thơ khác đến đăng ký tham gia.
SAO LY