Người tự ứng cử nếu thực sự xuất sắc thì khả năng trúng cử rất cao
Đến nay, Mặt trận Tổ quốc cả nước đã hoàn thành hội nghị hiệp thương lần thứ nhất giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ngày 20.2, ông Nguyễn Văn Pha, (ảnh) Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã trao đổi với báo chí liên quan đến công tác hiệp thương và chất lượng ĐBQH.
* Phóng viên: Tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất giới thiệu người ứng cử ĐBQH khóa XIV nhiệm kỳ 2016 - 2021 của các cơ quan Trung ương, nhiều ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đề nghị cần phát huy tinh thần dân chủ của Đại hội XII trong bầu cử lần này, ông nghĩ sao về quan điểm này?
Ông NGUYỄN VĂN PHA: Tinh thần dân chủ tại Đại hội XII của Đảng cũng sẽ được tiếp tục thể hiện trong chỉ thị của Trung ương Đảng, hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, được thể hiện qua cuộc hiệp thương của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ các cấp. Hiện chúng tôi đã tập hợp tất cả báo cáo của 63 tỉnh thành sau khi hội nghị hiệp thương lần thứ nhất.
Riêng về hiệp thương giới thiệu người ứng cử ĐBQH, tất cả các địa phương đều thể hiện theo đúng tinh thần luật định, công tác hiệp thương diễn ra suôn sẻ, không có trục trặc gì đáng kể. Có khác kỳ trước là kỳ này nhiều địa phương đề nghị, kiến nghị về cơ cấu, số lượng, thành phần người ứng cử địa phương mình. Ngay với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, vừa qua cũng có những kiến nghị.
Chúng tôi đã tập hợp đầy đủ và gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Trong đó đáng chú ý, nhiều ý kiến đề nghị giảm ĐBQH khối hành pháp để tăng khối lập pháp và MTTQ, một số người đề nghị tăng người ngoài đảng, doanh nhân trong Quốc hội. Đây là ý kiến rất xác đáng, vì vậy chúng tôi đã tập hợp đầy đủ để báo cáo lên.
* Ông đánh giá thế nào về cơ cấu, thành phần ứng cử ĐBQH được thống nhất tại hiệp thương lần thứ nhất?
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến tổng số người được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIV của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương là 198 đại biểu, bằng 39,6% trên tổng số ĐBQH được bầu. Quá trình chuẩn bị dự kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chúng tôi là người giúp việc trực tiếp thì thấy Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc hết sức khách quan, dân chủ. Cơ cấu của một số bộ ngành, địa phương như công an, quân đội, tư pháp... đều được Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản đề nghị các bộ, ngành cơ quan tổ chức đó giới thiệu cho mình, nên chọn địa phương nào, tỉnh nào để ứng cử. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng được đề nghị giới thiệu cho mặt trận của 10 tỉnh thành và 6 cơ cấu tôn giáo. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cân nhắc và phân bổ cho các địa phương. Việc chuẩn bị như thế là khách quan.
Khi thảo luận trên cơ sở dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đưa ra nhiều kiến nghị sâu sắc. Sự thảo luận dân chủ, có ý kiến khác nhau trong hội nghị là hết sức bình thường. Các cơ quan thẩm quyền có thể lắng nghe, nếu có thể thì cân nhắc điều chỉnh cho phù hợp; không thì cũng có giải thích thỏa đáng để Ủy ban MTTQ Việt Nam khi vận động cử tri và nhân dân bầu cử mang tính thuyết phục cao.
* Ông nghĩ sao về ý kiến cần tăng đại biểu chuyên trách, giảm đại biểu trong các cơ quan hành pháp, hành chính?
- Tôi đồng tình ý kiến cần tăng đại biểu chuyên trách, giảm đại biểu trong các cơ quan hành pháp, hành chính. Được biết, cơ quan thẩm quyền cũng đã cố gắng để làm sao trong nhiệm kỳ này sẽ giảm bớt hơn nữa đại biểu khối hành pháp, hành chính trong Quốc hội. Theo dự kiến vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì so với khóa XIII, ĐBQH ở Trung ương khóa XIV tăng thêm 15 người, đều là ĐBQH đại biểu chuyên trách. Dù chỉ được tăng 15 người cũng là cố gắng rất lớn, nằm trong lộ trình để nâng dần số đại biểu chuyên trách trong Quốc hội lên. Tổng số ĐBQH vẫn là 500 người, bây giờ tăng thêm 15 người trong khối lập pháp đồng nghĩa rút ĐBQH khác, vậy rút ở khối nào, đó là cả vấn đề. Có nhiều ý kiến đề nghị tập trung rút ở khối hành pháp. Lần này Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến khối Chính phủ 18 đại biểu.
Trong tình hình hiện nay, Quốc hội chưa phải là chuyên trách 100%, tôi thấy rất cần có đại biểu khối hành pháp trong Quốc hội, giúp Quốc hội có chất lượng hơn trong khâu lập pháp cũng như trong vấn đề trọng đại của đất nước. Nếu có giảm tiếp khối hành pháp thì nên nhắm vào giảm ở khu vực địa phương.
* Theo ông, cần có biện pháp nào để tăng số đại biểu chuyên trách?
- Như tôi đã nói, sẽ cố gắng giảm ĐBQH ở khối hành pháp, hành chính, tăng chuyên trách. Làm thế nào đó để giới thiệu những người, nhất là người chuyên trách phải thực sự tiêu biểu, xuất sắc để khi đưa về địa phương bầu tạo được tính thuyết phục cao. Lần này sẽ có những nơi 1 đơn vị bầu cử có 2 ứng cử viên của Trung ương đưa về, như vậy khả năng đắc cử phải cao. Muốn như thế không gì quan trọng hơn là chất lượng đại biểu. Chất lượng đại biểu ứng cử mà không tốt, không thực sự thuyết phục được cử tri địa phương thì khả năng đắc cử cũng khó khăn.
* Vừa qua cũng có nhiều ý kiến cho rằng cần tăng đại biểu khối doanh nghiệp tư nhân, ông nghĩ thế nào?
- Ngay cả hiệp thương của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tỉnh thành đều mong muốn tăng đại biểu doanh nhân, các thành phần kinh tế tham gia ĐBQH. Tôi cho rằng cái đó cũng rất đáng trân trọng, ta đang hội nhập sau rộng thế giới, doanh nhân có vai trò rất quan trọng. Nhưng dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về doanh nhân rất chặt chẽ, theo đó chỉ có 7 đại biểu đại diện cho doanh nghiệp và hiệp hội. Nên chăng ta cần động viên các doanh nhân, kể cả người ngoài đảng tự ứng cử. Nếu những người đó thực sự đủ điều kiện tiêu chuẩn theo quy định của luật bầu cử ĐBQH và HĐND thì Mặt trận có thể tạo điều kiện cho họ để vào danh sách bầu cử, nếu thực sự xuất sắc thì khả năng trúng cử của họ rất cao.
* Cảm ơn ông!
Theo Phan Thảo (SGGP)