Kỷ niệm 100 năm ngày sinh thi hào Xuân Diệu
Gần 70 năm có mặt với đời và hơn nửa thế kỷ dâng hiến cho thơ ca, Xuân Diệu đã để lại cho thi đàn văn học nước nhà một gia tài sáng tác hết sức đồ sộ.
Tối 20.2, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh thi hào Xuân Diệu (1916- 2016) và chương trình giao lưu Nghệ thuật "Quê mình quê thơ". Dự lễ kỷ niệm có đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và huyện Tuy Phước - tỉnh Bình Định.
Nhà thơ trữ tình lỗi lạc Xuân Diệu, tên thật là Ngô Xuân Diệu, quê cha ở làng Trảo Nha, nay là thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh; quê mẹ ở làng Tùng Giản, xã Phước Hoà, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Hồn thơ Xuân Diệu là kết tinh của 2 miền quê giàu truyền thống lịch sử, văn hoá và cách mạng. “Cha đàng ngoài mẹ ở đàng trong/ Hai phía đèo ngang một mối tơ hồng”. Từ mối nhân duyên quê cha câu Ví giặm ân tình, quê mẹ với nghệ thuật bài Chòi, đất võ, trời văn, tình cảm đàng trong đàng ngoài quấn quýt "Nên máu con chung cả hai miền" .
Gần 70 năm có mặt với đời và hơn nửa thế kỷ dâng hiến cho thơ ca, Xuân Diệu đã để lại cho thi đàn văn học nước nhà một gia tài sáng tác hết sức đồ sộ gồm: thơ, văn xuôi, tiểu luận phê bình và dịch thơ nước ngoài.
Xuân Diệu được đánh giá là một trong những nhà thơ lớn, cây bút tiêu biểu của thi ca hiện đại Việt Nam. Ông từng được bầu làm Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm nghệ thuật nước Cộng hoà dân chủ Đức, được tặng thưởng Huân chương độc lập hạng Nhất năm 1985 và được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.
Hiện nay tên của ông vinh dự được đặt cho nhiều trường học, đường phố, trung tâm văn hoá ở nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có 2 tỉnh Hà Tĩnh và Bình Định.
Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu và đông đảo nhân dân Hà Tĩnh đã biểu thị niềm thành kính, tôn vinh công lao đóng góp vô cùng to lớn của nhà thơ Xuân Diệu cho kho tàng văn học nước nhà. Những sáng tác của ông mãi luôn có giá trị về mặt nội dung, nghệ thuật, góp phần giáo dục truyền thống văn hoá, cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước nồng nàn cho thế hệ hôm nay và cả mai sau.
Với tình cảm, trách nhiệm của mình tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị văn chương của Xuân Diệu trong đời sống văn hóa tinh thần, khơi dậy tiềm năng sáng tạo về nghệ thuật, góp phần xây dựng tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững.
Chương trình giao lưu nghệ thuật "Quê mình quê thơ" với rất nhiều tiết mục hát múa, thơ ngâm đặc sắc ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ kính yêu, ca ngợi sự đổi mới của quê hương, đất nước đặc biệt là nêu bật nét văn hoá tương đồng, tình cảm gắn bó thuỷ chung, sâu nặng giữa 2 tỉnh Hà Tĩnh và Bình Định.
Theo Văn Chương (VOV)