Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam Vũ Quốc Khánh:
“Vùng đất Bình Định có nhiều chất liệu nhiếp ảnh”
Nhân dịp Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam, về tham gia điều hành Trại sáng tác ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên, được tổ chức tại Bình Ðịnh, PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông về một số vấn đề xung quanh sự phát triển của phong trào nhiếp ảnh.
NSNA Vũ Quốc Khánh trò chuyện cùng các hội viên Trại sáng tác ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên.
● Ông có thể cho biết mục đích mở trại sáng tác lần này của Hội NSNA Việt Nam?
- Hội NSNA Việt Nam đã và đang tiếp tục định hướng, nâng cao hơn bề sâu phong trào nhiếp ảnh thông qua các trại sáng tác để cung cấp thông tin, các kiến thức nhiếp ảnh mới, trong đó có tin học, kỹ thuật số, photoshop… góp phần giúp cho tác phẩm nhiếp ảnh có tính nghệ thuật cao hơn. Trước đây, do điều kiện còn khó khăn, nhiều trại sáng tác phải hạn chế số lượng hội viên tham gia.
Ban Chấp hành Hội NSNA Việt Nam khóa VII (2009-2014) xác định phải đầu tư, nâng cao kiến thức, đảm bảo hội viên cùng được học tập, tham gia sáng tác. Vì vậy, cũng như 3 trại sáng tác đã được tổ chức ở các khu vực khác trong những năm gần đây, Trại sáng tác ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên mời tất cả hội viên ở các tỉnh, thành trong khu vực tham gia.
● Thưa ông, hiện nay phong trào nhiếp ảnh ở các vùng miền trong nước phát triển không đồng đều…
- Phong trào nhiếp ảnh ở mỗi vùng miền có tính chất mạnh, yếu khác nhau. Anh em nhiếp ảnh ở vùng miền nào thường tập trung khai thác, phát huy thế mạnh ở nơi đó. Tuy nhiên, cũng có một thực tế là, nhiều tác giả đến địa phương, vùng miền khác chụp nhiều khi lại có góc nhìn mới, thành công hơn, cảm xúc hơn tác giả bản địa.
Qua chất lượng tác phẩm tham gia các cuộc thi, triển lãm, có thể thấy lực lượng nhiếp ảnh ở các vùng miền có độ chênh lệch về trình độ kỹ thuật, xử lý hậu kỳ… Sự chênh lệch này xuất phát từ việc tiếp cận các hình ảnh, kỹ thuật của lực lượng nhiếp ảnh ở những vùng sâu vùng xa còn hạn chế. Thêm nữa, có những nghệ sĩ chưa đam mê, chưa hết mình trong hành trình sáng tạo nghệ thuật.
● Ông đánh giá thế nào về phong trào nhiếp ảnh khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên nói chung, Bình Định nói riêng?
- Giống như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên dù chưa có sự phát triển mạnh về kinh tế, nhưng phong trào nhiếp ảnh phát triển khá tốt, với nhiều NSNA rất đam mê với nghề. Khu vực này cũng có nhiều vùng đất được trời phú cho nhiều chất liệu nhiếp ảnh đặc biệt và cá tính, với nhiều đề tài mang tính nhân văn, đem đến nhiều cảm xúc sáng tạo cho người NSNA, người xem ảnh cũng dễ bị thuyết phục. Những yếu tố trên giúp cho anh em nghệ sĩ trong khu vực có tác phẩm đạt rất nhiều giải thưởng, đặc biệt là giải thưởng quốc tế.
So với các tỉnh, thành khác trong khu vực, NSNA tỉnh Bình Định đã có những nỗ lực lớn. Mảnh đất Bình Định có nhiều lợi thế để tạo chất liệu cho các nghệ sĩ có tác phẩm đẹp. Anh em đều tích cực đi thực tế sáng tác, không chỉ trong tỉnh mà còn nhiều địa phương khác trong khu vực, trong nước. Sự phát triển của phong trào nhiếp ảnh Bình Định đã được thể hiện qua việc các nghệ sĩ đã đoạt nhiều giải thưởng những năm qua. Trong đó, nổi bật là NSNA Đào Tiến Đạt.
● Đâu là lý do để Hội NSNA Việt Nam chọn tỉnh Bình Định để tổ chức trại sáng tác lần này?
- Như tôi đã nói, vùng đất Bình Định có rất nhiều chất liệu nhiếp ảnh. Từ các di tích văn hóa - lịch sử, đến các làng nghề, danh lam thắng cảnh... hết sức phong phú nên các nghệ sĩ có thể chia ra nhiều nhóm, nhiều tổ để đi sáng tác, tạo nên nhiều tác phẩm đẹp. Cũng phải nói thêm rằng, khi chúng tôi đề nghị đưa trại sáng tác về đây, lãnh đạo địa phương đã ủng hộ và giúp đỡ nhiều cả về tinh thần lẫn vật chất. Đặc biệt là sự phối hợp tốt giữa Hội VH-NT tỉnh và Hội NSNA Việt Nam trong khâu tổ chức.
● Vậy theo ông, có nên thực hiện các cuốn sách ảnh về các đề tài ở tỉnh Bình Định?
- Sách ảnh nếu được thực hiện một cách bài bản sẽ là một tư liệu giá trị, nhất là khi thực hiện về những đề tài mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Vùng đất Bình Định có nhiều đề tài rất hay có thể khai thác làm sách ảnh theo chuyên đề, như văn hóa Chămpa, võ cổ truyền, tuồng, bài chòi… hoặc có thể giới thiệu chung về vùng đất Bình Định với những phát triển, đổi mới. Vấn đề là cần sự nhìn nhận, ủng hộ của các cấp lãnh đạo, các đơn vị có khả năng, đặc biệt là Sở VH-TT&DL hay Sở Thông tin- Truyền thông.
● Xin cảm ơn ông!
HOÀI THU (Thực hiện)