Nhóm Giáo dục đồng đẳng:
Cầu nối phòng, chống HIV/AIDS
Từ nhiều năm nay, hoạt động của Nhóm Giáo dục đồng đẳng (GDÐÐ) của TP Quy Nhơn đã duy trì hiệu quả chương trình can thiệp giảm tác hại và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS. Bằng câu chuyện về cuộc đời mình, họ đã giúp những bệnh nhân AIDS tìm thấy sự sẻ chia, học cách bảo vệ bản thân và tự tin hòa nhập cộng đồng.
Nằm trong chương trình giảm tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm đối tượng hành vi nguy cơ cao (tình dục không an toàn, tiêm chích ma túy), tháng 10.1995, Nhóm GDĐĐ được thành lập chỉ với 5 thành viên (2 nữ và 3 nam). Một năm sau, nhóm phát triển thêm 1 thành viên nữ. Cứ thế, đến năm 2005, nhóm GDĐĐ đã có 28 thành viên; trong đó 20 thành viên được Dự án LIFE-GAP đầu tư về kinh phí hoạt động, 8 thành viên hoạt động trên cơ sở chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS.
Hiệu quả từ một mô hình
Các thành viên của nhóm đều là những người từng nghiện ma túy, hoạt động mại dâm. Nhiệm vụ của họ là thực hiện công tác truyền thông thay đổi hành vi cho các đối tượng nguy cơ cao, trong đó chủ yếu là nhóm mại dâm. Các thành viên được chia thành nhóm hoạt động 2 người, tối thiểu mỗi nhóm phải tiếp cận tư vấn cho 5 khách hàng/tuần. Ngoài ra, trong một tháng, mỗi cặp thành viên của nhóm phải giới thiệu thành công được 2 khách hàng đến phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện (Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh) để được tư vấn và xét nghiệm HIV.
Để triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại cho nhóm có nguy cơ cao, các thành viên của nhóm được trang bị kiến thức liên quan về phòng chống HIV/AIDS, kỹ năng thương thuyết thực hành hành vi an toàn tình dục và tiêm chích ma túy… Các thành viên còn được cấp bao cao su và tài liệu truyền thông để phát cho khách hàng. Trung bình mỗi năm, nhóm đã phân phát miễn phí khoảng 200 ngàn bao cao su cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao với HIV/AIDS. Nhóm còn giới thiệu nhiều khách hàng đi khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, vận động nhiều đối tượng hành nghề mại dâm hoàn lương…
Ông Nguyễn Phương Bình, cán bộ chuyên trách phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Y tế TP Quy Nhơn, chia sẻ: “Nhóm GDĐĐ là những người có cùng cảnh ngộ với khách hàng của mình, vì vậy họ có thể hiểu và có thể chia sẻ với nhau những biện pháp tốt nhất mà những người khác không thể. Nhờ đó, chúng tôi tổ chức các hoạt động giám sát, tuyên truyền, giảm đáng kể tỉ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm đối tượng mại dâm và ma túy”.
Tính từ năm 1993 đến nay, TP Quy Nhơn có 446 trường hợp nhiễm HIV/AIDS; trong đó HIV là 259 trường hợp, 187 ca chuyển sang giai đoạn AIDS, tử vong 139 trường hợp. Theo ông Bình, nếu năm 2008, tỉ lệ người nhiễm HIV ở nhóm mại dâm của Quy Nhơn là 2,36% thì vài năm gần đây đã giảm đáng kể. Đến thời điểm này vẫn chưa phát hiện thêm trường hợp nào nhiễm HIV ở đối tượng này.
Chuyện của những người cùng cảnh
“Những người trẻ ngày càng ít muốn tham gia, các thành viên chủ chốt ngày càng lớn tuổi nên Nhóm GDÐÐ khó tiếp cận số khách hàng trẻ ”
Chị Nguyễn Thị K.L., một thành viên của Nhóm GDĐĐ, chia sẻ: “Tôi tham gia hoạt động của nhóm từ năm 2004. Lúc đầu cũng chỉ nghĩ làm cho vui, nhưng lân la trò chuyện, từ chỗ e ngại, các chị em đã chủ động tìm đến để được tư vấn về những vấn đề có liên quan đến nghề và phòng, chống HIV/AIDS. Vậy là tôi làm luôn công việc này đến giờ. Ngoài tuyên truyền kiến thức, tôi còn động viên các chị em đi xét nghiệm định kỳ HIV 3 tháng/lần”.
Để tiếp cận tuyên truyền các đối tượng nghiện ma túy, người hành nghề mại dâm không hề đơn giản. Chị Nguyễn Thị L., một thành viên của Nhóm GDĐĐ, tâm sự: “Dù chúng tôi cùng cảnh ngộ, nhưng có khi từ lúc nói chuyện đến khi để chị em chịu nghe tư vấn phải mất 4-5 lần đi vận động. Đôi lúc cũng nản, nhưng cứ nghĩ công việc của mình giúp giảm tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng là lại cố gắng nhiều hơn”.
Bên cạnh sự nỗ lực tự thân, Nhóm GDĐĐ cũng được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp Đảng ủy, chính quyền từ tỉnh đến xã, phường. Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh luôn quan tâm về chế độ đãi ngộ cho các thành viên GDĐĐ, cộng đồng chấp nhận hoạt động GDĐĐ. Vì vậy, việc tiếp cận đối tượng được thuận lợi ở mọi lúc, mọi nơi.
Tuy nhiên nhóm cũng gặp phải nhiều khó khăn, nhất là về kinh phí hoạt động còn hạn hẹp, do chỉ dựa vào ngân sách địa phương. Sinh hoạt phí của mỗi nhân viên là 500 ngàn đồng/tháng, hỗ trợ sinh hoạt nhóm là 10 ngàn đồng/người/tháng. Không có khoản chi phí tiếp cận khách hàng, nhiều lúc các thành viên của nhóm phải bỏ thêm tiền túi. Sinh hoạt phí thấp nên không ít thành viên đã từ bỏ chương trình, thành viên Nhóm GDĐĐ thường xuyên thay đổi. Từ đó, việc cập nhật kiến thức hoạt động giáo dục đồng đẳng cho các thành viên gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của nhóm. Đồng thời, những người trẻ ngày càng ít muốn tham gia, các thành viên chủ chốt ngày càng lớn tuổi nên Nhóm GDĐĐ khó tiếp cận số khách hàng trẻ.
THẢO OANH