Ấm nồng ngày hội quê hương
Ngày hội người Bình Định lần thứ III vừa được tổ chức hết sức thành công tại TP Hồ Chí Minh với nhiều hoạt động phong phú, có ý nghĩa. Hàng ngàn người dân Bình Định đang sống và làm việc ở một số tỉnh, thành phía nam đã cùng hòa chung niềm vui hội ngộ, hướng về quê hương.
Ban tổ chức Ngày hội năm nay đã có hoạt động chào đón bà con đồng hương trân trọng, rộn ràng hơn ngay từ khi đến cổng Khu du lịch Văn Thánh (Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh). Bên phía ngoài cổng, một dàn trống hội được bố trí để cùng đánh lên những tiếng trống vang vọng niềm vui họp mặt đồng hương, tạo sự phấn chấn cho những người con xa quê hòa vào không khí náo nức đông vui của Ngày hội.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham gia cắt bánh chả cá Quy Nhơn đã được xác lập kỷ lục Việt Nam.
“Đội mũ người Bình Định lên đi con”
Bước chân qua cổng, nhiều người đã xúc động khi thấy một hàng dài các bạn trẻ sinh viên người Bình Định tại TP Hồ Chí Minh trong trang phục của những “nghĩa quân Tây Sơn” nở nụ cười tiếp đón và trao tặng chiếc mũ có in nổi bật dòng chữ “Ngày hội người Bình Định lần thứ III – 2016” để đội cho đỡ nắng khi tham gia, theo dõi các hoạt động ngoài trời.
Chị Lê Nguyễn Ngọc Trang (36 tuổi, nhà ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) dắt theo ba con gái nhỏ, gương mặt lộ rõ niềm hớn hở khi nhận những chiếc mũ, rồi nhẹ nhàng nói với các bé: “Mình là người Bình Định mà! Đội mũ lên đi các con !”. Chị Trang tâm tình: “Ba mẹ tôi là người gốc Tam Quan, còn tôi sinh ra và lớn lên ở TP Hồ Chí Minh. Cả gia đình tôi đã chuyển vào sống ở TP Hồ Chí Minh từ rất lâu, nhưng ngay từ nhỏ thì tôi đã được ba mẹ gieo tình yêu, niềm tự hào về quê hương Bình Định qua những câu chuyện kể, những lần về thăm quê nhà. Sáng nay ba con gái từ 3 đến 8 tuổi rất háo hức khi lần đầu tiên được mẹ dẫn đi dự Ngày hội, ba mẹ và các anh chị em của tôi tí nữa cũng sẽ đến sau để chung vui. Tôi thấy họp mặt đồng hương Bình Định những năm gần đây nâng lên quy mô Ngày hội với nhiều hoạt động phong phú, không chỉ đông vui hơn, mà còn giúp cho không chỉ thế hệ người Bình Định sau này sinh ra ở TP Hồ Chí Minh được biết thêm nhiều điều thú vị, hấp dẫn về văn hóa, truyền thống quê mình...”.
Chị Lê Nguyễn Ngọc Trang (36 tuổi, nhà ở quận Bình Thạnh) đội mũ “Ngày hội người Bình Định” cho con gái nhỏ.
Đi đến các khu vực rộng rãi, thoáng mát được Ban tổ chức Ngày hội thuê để tổ chức cùng lúc nhiều hoạt động ở khu du lịch Văn Thánh, có thể nhận thấy không chỉ có những người lớn tuổi, mà còn có rất nhiều những bạn trẻ, những cặp vợ chồng, ông bà dẫn con cháu còn nhỏ (có bé còn nằm trên xe nôi) đến dự Ngày hội với niềm vui hiện rõ trên gương mặt.
Ông Hoàng Công (85 tuổi) chia sẻ: “Tôi tập kết ra Bắc từ năm 23 tuổi, sau giải phóng lại được phân công vào công tác tại TP Hồ Chí Minh và sống ở đây cho đến nay. Ngoài việc tham dự các buổi họp mặt riêng của hội đồng hương Tam Quan, thì năm nào tôi cũng có mặt đầy đủ ở các cuộc họp mặt của hội đồng hương tỉnh Bình Định ở TP Hồ Chí Minh. Những người cao tuổi như tôi mỗi dịp được hội ngộ đông đảo đồng hương, thấy được các cháu trẻ tìm đến tham gia ngày càng nhiều hơn trong Ngày hội thì rất vui. Đây là hoạt động thiết thực để người dân Bình Định đi xa nhớ về cội nguồn quê hương...”.
Chụp hình lưu niệm với mặt nạ tuồng Bình Định đã được xác lập kỷ lục Việt Nam.
Rộn ràng ngày hội hướng về quê hương
Khu vực phục vụ ẩm thực là nơi tập trung đông người nhất của Ngày hội, nhờ hội đồng hương ở các huyện, thị xã trong tỉnh đã đem đến nhiều món đặc sản quê mình như bánh xèo, bánh hỏi, nem, chả, tré, chim mía, dé bò, bún chả cá... khiến thực khách hết sức hào hứng. Chị Mai Ly (26 tuổi, quê ở huyện Tây Sơn, hiện đang làm việc trong ngành ngân hàng ở TP Hồ Chí Minh), đã nhịn ăn sáng để buổi trưa đến Ngày hội ăn cho thỏa thích. “Sau khi ăn thêm một dĩa bánh hỏi lòng heo ở gian hàng hội đồng hương Tuy Phước, tôi phải xếp hàng nửa tiếng mới có được 3 cái bánh xèo tôm của đồng hương An Nhơn để cùng bạn thưởng thức. Cuối cùng “chốt hạ” bằng tô dé bò Tây Sơn nóng hổi thiệt ngon !...”, chị Mai Ly vui vẻ cho biết.
Thưởng thức ẩm thực năm nay càng thêm hấp dẫn với mọi người khi Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã xác lập “Bánh chả cá Quy Nhơn lớn nhất Việt Nam”(đường kính 1,5 m, dày 0,1 m, nặng 100 kg) đã được Ban tổ chức Ngày hội hỗ trợ cơ sở sản xuất chả cá Phượng Tèo (TP Quy Nhơn) chế biến ngay tại Ngày hội. Sau khi Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cùng tham gia cắt những nhát dao đầu tiên lên bánh chả cá, thì chả đã được xẻ ra phân phát miễn phí cho hàng ngàn bà con đồng hương, người dân ở TP Hồ Chí Minh và du khách đến chơi ở khu du lịch Văn Thánh cùng thưởng thức.
Gian hàng ẩm thực hội đồng hương Tây Sơn thu hút đông khách đến thưởng thức.
Một kỷ lục khác cũng đã được xác lập tại Ngày hội là “Ba mặt nạ tuồng Bình Định lớn nhất Việt Nam”. Khi các diễn viên Nhà hát tuồng Đào Tấn biểu diễn minh họa trích đoạn ngắn trong vở “Sơn Hậu”có sự tham gia của 3 nhân vật được chọn làm mặt nạ tuồng kỷ lục, nhiều người đã dẫn con nhỏ đến xem, có em còn vỗ tay thích thú.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở VH-TT &DL, cho biết: “Kinh phí thực hiện 3 mặt nạ tuồng kỷ lục được Hội đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tài trợ. Sau khi xác lập kỷ lục, 3 mặt nạ được Hội đồng hương giao lại cho tỉnh. UBND tỉnh đã chỉ đạo cho Sở VH-TT&DL vận chuyển mặt nạ về và nghiên cứu địa điểm phù hợp để trưng bày, tạo điều kiện thuận lợi để du khách có thể đến chụp hình lưu niệm. Qua đó, cũng góp phần quảng bá di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghệ thuật tuồng Bình Định...”.
Tại khu vực ngoài trời tổ chức Hội đánh bài chòi cổ Bình Định trong Ngày hội năm nay, Ban tổ chức đã quan tâm phủ bạt toàn bộ để che mát. Nhờ vậy, hội đánh bài chòi cổ không bị ảnh hưởng tạm dừng “né nắng” như mọi năm, nên góp phần thu hút thêm rất đông khách chơi liên tục từ sáng đến trưa, chiều. Một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia khác cũng được giới thiệu một cách đa dạng hơn trong Ngày hội năm nay, nhờ có sự tham biểu diễn của các VĐV Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định, võ đường Phan Thọ (Tây Sơn), võ đường Hà Trọng Ngự (TP Hồ Chí Minh). Ngày hội càng thêm hào hứng, rộn ràng với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ khác tạo sân chơi giao lưu gắn kết, vui vẻ cho bà con đồng hương trong dịp đầu xuân.
Một số tác giả người Bình Định ở TP Hồ Chí Minh cũng đã đem những tác phẩm văn, thơ đến tặng cho mọi người. Nhận tập thơ “Ai có về Bình Định”do ông Nguyễn Khắc Thiệu (NXB Văn hóa – Văn nghệ TP HCM, Quý IV 2015) tặng, nhiều người đã cùng cảm xúc khi đọc những câu thơ đong đầy tình cảm quê hương: “Đi đâu tôi cũng nhớ về Bình Định. Nơi quê nhà tôi mãi vấn vương. Dù xa xôi tôi vẫn nhớ thương. Vùng ký ức của thời thơ trẻ...”(Tôi yêu quê hương tôi).
HOÀI THU
Trong Ngày hội, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã trao tặng bằng khen cho 1 tập thể và 10 cá nhân đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiêu biểu như: Ông Nguyễn Đình Trung (Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh) và ông Nguyễn Văn Cường (Phó Tổng giám đốc) đã đóng góp 6,83 tỉ đồng cho các hoạt động từ thiện xã hội vì quê nhà. Ông Huỳnh Uy Dũng (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đại Nam) đóng góp 2 tỉ đồng cho Quỹ khuyến học tỉnh Bình Định và Quỹ học bổng Quang Trung. Ông Nguyễn Văn Liêm (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thanh niên) đóng góp 1 tỉ đồng cho Quỹ học bổng Quang Trung. Ông Trần Thanh Hải (Tổng giám đốc Nutifood) đóng góp 1 tỉ đồng tu sửa tượng đài anh hùng Ngô Mây (Phù Cát) và 200 triệu đồng cho Quỹ học bổng Quang Trung. Ông Đỗ Thanh Hùng (Tổng Giám đốc Công ty bao bì giấy Việt Trung) đóng góp 300 triệu đồng xây dựng Đền thờ liệt sĩ huyện Hoài Nhơn và Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh). Ông Nguyễn Thế Hồ (Trưởng khoa Mắt Bệnh viện Trưng Vương), đã thực hiện mổ mắt miễn phí cho 1.000 người tại quê nhà, với chi phí khoảng 1 tỉ đồng. Bà Nguyễn Thị Phượng (quản lý bếp ăn từ thiện ở phường 3, Quận 10, TP Hồ Chí Minh) đã vận động hàng tháng gửi lương thực, thực phẩm cho một số trung tâm y tế, trường dân tộc nội trú các huyện trong tỉnh, với trị giá hơn 670 triệu đồng...