Phó Thủ tướng bàn công tác chống hạn ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa làm việc với các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ về công tác chống hạn.
Chiều 22.2, tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ về công tác chống hạn.
Tại Nam Trung Bộ, ngay từ đầu vụ Đông Xuân, ở các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hòa đã chịu ảnh hưởng bởi hạn hán. Trong đó, Bình Thuận đang là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất.
Tỉnh Bình Thuận đã phải dừng sản xuất hơn 15.400 ha lúa do không đủ nước tưới, 50 ha lúa bị mất trắng và 461 ha cây trồng đang bị thiếu nước. 40.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Khoảng 3.000 ha lúa và nhiều diện tích cây lâu năm của tỉnh có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát hồ Sông Sắt, huyện Bác Ái và chỉ đạo lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cùng huyện Bác Ái về công tác chống hạn vào trưa 22.2. Ảnh: Minh Trân (TTO)
Còn tại tỉnh Ninh Thuận đã dừng sản xuất hơn 5.770 ha lúa vụ Đông Xuân. Dự kiến diện tích dừng sản xuất ở vụ Hè Thu hơn 10.000 ha…
Trong khi đó, ở khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ khả năng hạn hán xảy ra ở những vùng hồ chứa nhỏ phụ trách và vùng ngoài công trình thủy lợi phục vụ tưới. Chỉ tính riêng các tỉnh Tây Nguyên, diện tích được tưới từ công trình thủy lợi chỉ được 30% diện tích canh tác. Có khả năng đến giữa tháng 3, diện tích bị thiếu nước vào khoảng 180.000 ha. Và nhiều nơi tại Tây Nguyên sẽ đối diện với tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, đây là đợt hạn hán nước ta phải đối phó cao nhất nhiều thập kỷ, không chỉ xảy ra năm nay mà sẽ tiếp diễn trong nhiều năm tới. Do vậy, tới đây các khu vực chịu ảnh hưởng sẽ phải đối phó quyết liệt hơn nữa. Trong số các giải pháp đang triển khai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng là giải pháp cần ưu tiên hàng đầu. Và tiết kiệm nước là yêu cầu thường xuyên.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thời gian qua, các địa phương đã có nhiều giải pháp mạnh mẽ để hạn chế thiệt hại trước ảnh hưởng của hạn hán. Chẳng hạn, giảm được diện tích trồng lúa ở vùng thiếu nước; nhiều chương trình, dự án chống hạn bằng ngân sách nhà nước đã hoàn thành đưa vào sử dụng hiệu quả. Phó Thủ tướng đánh giá cao tinh thần chủ động ứng phó của các địa phương.
Trước tình hình hạn hán tiếp tục kéo dài đến giữa năm 2016, Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ tiếp tục xem chống hạn là nhiệm vụ hàng đầu, cần cả hệ thống chính trị vào cuộc, ổn định đời sống nhân dân.
Trong khi chờ Trung ương cấp kinh phí, các địa phương cần tạm ứng các khoản hỗ trợ để kịp thời hỗ trợ người dân trong vùng bị thiên tai. Từng địa phương cần tăng cường thông tin tuyên truyền cho người dân được biết tình hình hạn hán và sử dụng nguồn nước tiết kiệm, nhất là chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý. Các địa phương cần xây dựng các công trình tích nước quy mô lớn, chống hạn lâu dài.
Về việc cấp vốn cho các địa phương xây dựng các công trình cấp thiết, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí các danh mục và kết luận các công trình dở dang để giải quyết vấn đề cấp bách hiện nay.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ sâu sát hơn nữa trong chỉ đạo ứng phó với tình hình hạn hán, giảm thiểu thiệt hại cho địa phương mình. Các bộ ngành Trung ương, Văn phòng Chính phủ cần coi đây là vấn đề cấp bách, cần quan tâm chia sẻ, hỗ trợ cùng với các địa phương trong công tác chống hạn trong thời gian đến./.
Theo Việt Quốc (VOV)