Ba mặt nạ tuồng Bình Định đạt Kỷ lục Việt Nam: Những điều chưa kể
Tại Ngày hội Người Bình Định lần thứ 3 (diễn ra ở TP Hồ Chí Minh từ 20 - 21.2), một trong những hình ảnh đẹp gợi nhớ bản sắc văn hóa quê nhà, khiến đông đảo mọi người về dự hội thích thú thưởng lãm, đó là “Ba mặt nạ tuồng Bình Định lớn nhất Việt Nam”.
Những ngày cuối Chạp năm 2015, Nhà hát tuồng Đào Tấn nhận một “đặt hàng lạ” từ Ban tổ chức Ngày hội Người Bình Định (lần thứ 3): làm ba mặt nạ tuồng cỡ “khủng” (kích thước cụ thể yêu cầu là chiều cao 3m, ngang 2,1m) mang phong cách mặt nạ tuồng Bình Định.
“Đơn hàng lạ” cho Nhà hát tuồng Đào Tấn
Tuy khoảng thời gian để thực hiện khá gấp gáp, song Nhà hát tuồng Đào Tấn nhận lời với quyết tâm hoàn thành đúng hẹn và đảm bảo xứng đáng với “tiếng lành đồn xa” về mặt nạ tuồng phong cách Bình Định.
Ba mặt nạ tuồng Bình Định lớn nhất Việt Nam là một “điểm nhấn” ấn tượng trong Ngày hội Người Bình Định lần thứ 3. Ảnh: HOÀI THU
Ba mặt nạ tuồng được lựa chọn thực hiện là của ba nhân vật Phàn Định Công, Khương Linh Tá và Tạ Ôn Đình trong vở tuồng cổ Sơn Hậu. Theo NSƯT Nguyễn Gia Thiện, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát tuồng Đào Tấn, tuy mặt nạ tuồng có tới hàng trăm nhân vật nhưng thể theo yêu cầu của “bên A” (loại trừ các nhân vật tuồng Trung Quốc) thì ba nhân vật trên trong Sơn Hậu - vở tuồng cổ mẫu mực bậc nhất của dân tộc là sự chọn lựa thích hợp và ý nghĩa.
Người trực tiếp thực hiện ba mặt nạ tuồng là họa sĩ sân khấu Nguyễn Văn Sáu, người đã có thâm niên hơn hai chục năm với công việc thiết kế, làm đạo cụ biểu diễn, lo phục trang, cảnh trí sân khấu cho Nhà hát tuồng Đào Tấn. Làm mặt nạ tuồng là việc chẳng mới mẻ, khó khăn gì với họa sĩ Văn Sáu, ông đã làm hàng chục mặt nạ tuồng bằng thạch cao phục vụ trưng bày tại Phòng truyền thống của Nhà hát cũng như tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh; tuy nhiên, chưa bao giờ họa sĩ Văn Sáu thực hiện mặt nạ tuồng cỡ lớn như lần này.
“Tôi bắt tay làm từ 25 tháng Chạp, miệt mài, bất kể ngày đêm, đến mùng Mười tháng Giêng là xong, kịp chuyển vào Sài Gòn. Kích cỡ mặt nạ lớn nên rất khó để quan sát, canh chỉnh đắp mặt nạ, trang trí các bộ phận, chi tiết trên gương mặt nhân vật sao cho đúng theo nguyên tác, hài hòa và đẹp. Mới đầu quả là có lo lắng, áp lực nhưng càng làm càng say sưa, nửa tháng chúi mũi vào đất sét, thạch cao, đặc biệt chất liệu composite với mùi rất khó chịu, độc hại khiến da tay đỏ lựng, phồng rộp lên… , coi như không biết tết nhất là gì, nhưng đây cũng là cái tết đáng nhớ, kỷ niệm của tôi trong đời nghề”, họa sĩ Văn Sáu xúc động, hào hứng chia sẻ về tác phẩm của mình.
Cần địa điểm phù hợp để trưng bày
Trước ngày “Nam tiến” làm nhiệm vụ góp sắc cho Ngày hội Người Bình Định lần 3, lãnh đạo Nhà hát tuồng Đào Tấn đã mời nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh - một người am hiểu tuồng, thẩm định ba chiếc mặt nạ tuồng mới hoàn thành.
Nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha hào hứng kể: “Ba mặt nạ tuồng này được làm đúng theo nguyên tác mà nghệ nhân Minh Đỏ, người rất am hiểu và giỏi vẽ mặt nạ tuồng Bình Định, đã chỉ vẽ lại cho Nhà hát tuồng Đào Tấn (mặt nạ mẫu hiện trưng bày tại Nhà hát), mang đậm phong cách mặt nạ tuồng Bình Định. Trên đó, một vài đặc điểm để nhận diện phong cách Bình Định trên mặt nạ tuồng như lão võ Phàn Định Công với mặt trắng - đỏ, mặt nạ nhân vật Khương Linh Tá là mặt trắng xanh, nhân vật phản diện Tạ Ôn Đình có mặt trắng đen, được vẽ chân mày én…; ngoài ra (mặt nạ tuồng Bình Định nói chung) còn nhiều dấu hiệu nhận biết ở nét mặt, thần thái… rất khó diễn tả cụ thể bằng lời, song người rành nhìn vào sẽ biết đó là mặt nạ tuồng phong cách Bình Định”.
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập “Ba mặt nạ tuồng Bình Định lớn nhất Việt Nam”, đơn vị sở hữu kỷ lục là UBND tỉnh Bình Định. Nội dung kỷ lục được công bố trong Niên giám kỷ lục Việt Nam hàng năm, Cẩm nang thông tin kỷ lục hằng tháng do Tổ chức kỷ lục Việt Nam và Nhà xuất bản Thông tấn xã Việt Nam xuất bản, đồng thời cập nhật trên trang thông tin Kỷ lục Việt Nam (www.kyluc.com.vn, www.sachkyluc.vn), trên chương trình truyền hình và phát thanh có nội dung kỷ lục và các sự kiện khác do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tổ chức trên toàn quốc.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết sau khi xác lập kỷ lục, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho Sở VH-TT&DL vận chuyển mặt nạ về và nghiên cứu địa điểm phù hợp để trưng bày, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách có thể đến chụp hình lưu niệm…
SAO LY
Những món ăn tinh thần này đang đối đầu với nhiều thách thức, tuy nhiên theo tôi nên cố gắng gìn giữ, phát huy chúng với thế hệ mai sau. Ta không cần những việc không cần nhắc đến (ví dụ như ý kiến có ai đeo mặt nạ thì mới phong kỷ lục), ta chỉ cần suy nghĩ đến việc phải giữ nó làm tâm điểm để giới thiệu cho các bạn trẻ trong nước và gây ấn tượng sâu sắc của bạn bè quốc tế. Không chỉ dừng lại ở trưng bày một nơi nào đó trong nước mà tôi ủng hộ việc sáng tạo chúng, mang chúng đi tham gia vào các hội thi triển lãm thế giới, làm nên thương hiệu cho nền nghệ thuật Việt Nam chúng ta.
Có ai đeo mặt nạ đấy nổi không? nếu không sử dụng được thì không nên phong kỷ lục.