Kỷ niệm 61 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955 - 27.2.2016):
Lặng thầm bác sĩ xã
Toàn tỉnh hiện có 156/159 trạm y tế (TYT) xã có bác sĩ làm việc. Họ chính là nòng cốt của “tuyến đầu” công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, vừa khám chữa bệnh ban đầu, vừa lo cả y tế dự phòng.
Không phải ngẫu nhiên mà trong 9 đại biểu y tế tiêu biểu của Bình Định được Bộ Y tế tôn vinh trong năm 2015 có đến 5 bác sĩ ở xã. Đó là Trưởng TYT An Hưng (An Lão) Đinh Thị Bích Hưng, Trưởng TYT Hoài Xuân (Hoài Nhơn) Nguyễn Văn Kiện, Trưởng TYT Cát Khánh (Phù Cát) Phan Văn Ngà, Trưởng TYT Mỹ Thành (Phù Mỹ) Ngô Tất Thành và Trưởng TYT Phước An (Tuy Phước) Đào Đức Huy.
Có đến 5 bác sĩ xã trong đoàn đại biểu y tế tiêu biểu của Bình Định được Bộ Y tế tôn vinh trong năm 2015 tại Thủ đô Hà Nội (tính từ trái qua: bác sĩ Đinh Thị Bích Hưng, Ngô Tất Thành, Nguyễn Văn Kiện, Phan Văn Ngà, Đào Đức Huy).
Xứng vai “thủ lĩnh”
Trưa 23.2, phòng lưu bệnh nhân của TYT Phước An có 2 cặp mẹ - con đang được chăm sóc. 28 tuổi mới có đứa con đầu lòng, nên chị Nguyễn Thị Hồng Thúy (ở thôn An Hòa 2) lo lắm, thường hay đến trạm siêu âm. Ngày 20.2, lần kiểm tra cuối cho các kết quả bình thường, chị được sinh ngay tại trạm. Đứa con gái 3,3kg ra đời an toàn trong niềm vui vỡ òa. “Trạm ngay gần nhà, nên việc đi lại chăm nom rất tiện”, chị Thúy chia sẻ.
Mỗi năm TYT Phước An thực hiện đến 80-90 ca sinh; tổng lượt khám chữa bệnh trong năm 2015 là 17.466 lượt, điều trị 12.581 lượt - những con số ấn tượng đối với TYT. Bên cạnh yếu tố khách quan (Phước An cách trung tâm huyện gần 7km), lý do chính để người dân lựa chọn đến trạm khi đau ốm là niềm tin. Trang thiết bị đầy đủ, nhân lực chất lượng là những ưu thế của TYT Phước An. Hơn hết, Trưởng trạm Đào Đức Huy đã khẳng định vai trò “thủ lĩnh”. Là bác sĩ chuyên về chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ Huy phát huy hiệu quả sở trường để nâng cao chất lượng điều trị, tạo niềm tin ở người bệnh. Cách đây hơn 1 tháng, 5 giờ sáng, nhận được điện thoại, bác sĩ Huy vội vàng đến trạm để siêu âm cho một phụ nữ 45 tuổi. Hình ảnh siêu âm cho thấy tình trạng viêm ruột thừa nặng, nguy cơ vỡ. Bệnh nhân được đưa ngay xuống BVĐK tỉnh bằng taxi, được mổ cấp cứu kịp thời, thoát nguy hiểm trong gang tấc.
Song, trọng tâm trong hoạt động của TYT là công tác dự phòng. Ở đó, các bác sĩ trưởng trạm cũng thể hiện được sự xông xáo, quyết đoán. Năm 2012, sau nhiều tai biến xảy ra trong hoạt động tiêm chủng, cả nước đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt cho công tác này. Ngành Y tế đưa ra chủ trương mỗi xã chỉ tập trung tiêm tại một điểm TYT. Tại xã Mỹ Thành, công tác tiêm chủng cho trẻ em 3 thôn Vĩnh Lợi 1, 2, 3 rất khó khăn, do địa bàn cách trung tâm xã 8km, đàn ông quanh năm đi biển, phụ nữ và người già đa phần không biết đi xe máy, nên hàng tháng người dân phải thuê xe dịch vụ đưa trẻ đến TYT tiêm phòng.
Trước tình hình đó, Trưởng trạm Ngô Tất Thành tham mưu với TTYT huyện và chính quyền địa phương triển khai thêm điểm tiêm lưu động tại địa bàn 3 thôn Vĩnh Lợi 1, 2, 3. Anh Thành vận động được 50 triệu đồng từ các doanh nghiệp khai thác titan đóng trên địa bàn xã để sửa chữa, trang bị phương tiện làm việc cho một trạm cũ được xây dựng năm 1999 đã xuống cấp. “Từ đó, hoạt động tiêm chủng hàng tháng và chiến dịch của các chương trình y tế tại địa phương đều được thực hiện thêm tại trạm Vĩnh Lợi, phục vụ thuận lợi cho người dân. Dù phải đi công tác xa, nhưng anh em vẫn rất vui!”, anh Thành chia sẻ.
Bác sĩ Đào Đức Huy kiểm tra sức khỏe của sản phụ được sinh con tại TYT xã Phước An.
Không nguôi trăn trở
Đến giờ, Trưởng TYT Hoài Xuân Nguyễn Văn Kiện vẫn chưa thể quên những ngày đầu nhận công tác tại trạm. Lương mỗi tháng chưa đầy 90.000 đồng, điều kiện làm việc hết sức khó khăn, phải dùng đèn dầu vào ban đêm. “Khổ nhất là triển khai công tác tiêm chủng mở rộng. Hồi ấy tôi làm chuyên trách tiêm chủng, trước mỗi buổi tiêm phải mang loa thông báo lưu động ở từng khu xóm nhỏ, vận động bà mẹ đến điểm tiêm, hết xóm này lại chạy vội đến xóm khác. Cứ thế, ròng rã đạp xe mất 2-3 ngày mới hết xã”, bác sĩ Kiện nhớ lại.
Mới đó mà đã ngót hơn 20 năm bác sĩ Kiện gắn bó với TYT Hoài Xuân. Anh bảo, điều trăn trở nhất là qua một thời gian dài không được đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo, bổ sung nhân lực đầy đủ về số lượng và chất lượng, uy tín về khám và điều trị bệnh thông thường tại các TYT đã giảm nhiều. Trong khi đó, ngày nay để chẩn đoán cần phải có phương tiện hiện đại, muốn kết luận một ca bệnh tối thiểu phải có chứng cứ rõ ràng. Do vậy, giảm tải cho tuyến trên, tăng cường công tác khám chữa bệnh tại cơ sở sẽ còn là bài toán khó trong thời gian đến.
“ Không phải ngẫu nhiên mà trong 9 đại biểu y tế tiêu biểu của Bình Định được Bộ Y tế tôn vinh trong năm 2015 có đến 5 bác sĩ ở xã ”
Trong khi đó, Trưởng TYT Cát Khánh Phan Văn Ngà lại lo ngại trước những khó khăn trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Năm nay 49 tuổi, nhưng bác sĩ Ngà đã có 24 năm gắn bó với TYT Cát Khánh, trong đó có đến 20 năm làm Trưởng trạm. Anh tâm sự: “Hơn 1/3 dân số sống bằng nghề biển nên công tác quản lý và chăm sóc sức khỏe cho ngư dân vẫn gặp khó khăn. Vào mùa bão lụt, nhiều nơi vẫn còn ngập úng, môi trường ô nhiễm nên dễ phát sinh dịch bệnh, nhất là các bệnh đường tiêu hóa. Còn nhớ, cuối năm 1995, chúng tôi vất vả lắm mới khống chế được dịch tả, không để xảy ra tử vong”.
Còn bác sĩ Đào Đức Huy lại có một mối lo thường trực, khi lượng bệnh nhân BHYT không đăng ký tại trạm nhưng đến đây khám ngày càng tăng từ đầu năm 2016 - thời điểm bắt đầu “thông tuyến” BHYT. Vui vì trạm được dân tin tưởng, nhưng lo nhiều hơn, bởi thật không dễ dàng để đảm bảo tốt chất lượng khám chữa bệnh trong khi phải hoàn thành công tác dự phòng!
NGUYỄN VĂN TRANG