20 năm Hàng Việt Nam chất lượng cao: Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và hội nhập
Ông Lê Xuân Khuê
Năm 1996, từ sáng kiến của báo Sài Gòn Tiếp Thị (SGTT), Chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) bắt đầu được triển khai. Trải qua 20 năm, HVNCLC đã trở thành “thương hiệu mạnh”, góp phần tiếp sức cho các doanh nghiệp (DN) Việt, trong đó có DN Bình Định, phát triển và hội nhập. PV báo Bình Định đã phỏng vấn ông Lê Xuân Khuê, Phó Chủ tịch thường trực Hội DN HVNCLC, quanh vấn đề này.
* Xin ông cho biết về quá trình hình thành, phát triển của Chương trình HVNCLC?
- Chương trình HVNCLC do báo SGTT khởi xướng từ năm 1996, với mong muốn “làm một cái gì đó” cho sản phẩm Việt để đồng hành và góp phần gia tăng sức cạnh tranh của các DN trong nước. Thể theo sáng kiến và nguyện vọng của bạn đọc, đầu tiên báo SGTT tổ chức một cuộc điều tra HVNCLC do người tiêu dùng (NTD) bình chọn. Kể từ đó, Chương trình HVNCLC chính thức ra đời.
Năm 1997, SGTT bắt đầu điều tra xã hội học NTD ở TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ và công bố 120 DN HVNCLC. Cũng trong năm 1997, Hội chợ HVNCLC lần thứ nhất được tổ chức tại Hội trường Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Hội chợ đã tạo nên một không khí mới lạ, phấn khích đối với NTD và cả các DN.
Năm 1998, SGTT mở rộng cuộc điều tra NTD thêm ở Hà Nội, Ðà Nẵng và tổ chức Hội chợ HVNCLC tại Hà Nội. Từ năm 2000, cuộc điều tra bình chọn mở rộng đến 12 tỉnh/thành phố trên cả nước; sau đó lan rộng ra thị trường quốc tế.
Năm 2002, Hội chợ HVNCLC được tổ chức tại Campuchia và năm 2003 tổ chức tại Lào; là Hội chợ HVNCLC thường niên được tổ chức tại 2 quốc gia này.
* Còn về hiệu quả của Chương trình, thưa ông?
- Có thể nói là rất khả quan. Ở đây tôi chỉ xin điểm qua một số “dấu ấn” của chương trình. Năm 2006, lần đầu tiên chương trình khởi động dự án “Hỗ trợ DN phát triển mạng lưới bán lẻ”. Năm 2008, thành lập Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA), là tổ chức tư nhân phi lợi nhuận, xúc tiến cho DN nhỏ và vừa Việt Nam. Năm 2009, lần đầu tiên BSA và CLB DN HVNCLC tổ chức “đưa hàng Việt về nông thôn” để tạo ra một “phòng tuyến” vững chắc cho hàng Việt.
Đáng lưu ý, cũng trong năm 2009, Bộ Chính trị đã chủ trương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Năm 2010, thành lập Hội DN HVNCLC và triển khai dự án “Bản đồ phân phối - giải pháp phát triển hệ thống phân phối cho DN Việt”.
Năm 2012, bắt đầu thực hiện chương trình đưa hàng Việt vào chợ truyền thống trên cả nước và triển khai chương trình xúc tiến thị trường ASEAN+1 cho DN. Năm 2014, phối hợp với Bộ KH-CN thực hiện chương trình “Ðổi mới sáng tạo”. Năm 2015, thực hiện các chương trình “Phát triển thị trường nội địa”, “Hỗ trợ đổi mới công nghệ - quản trị”, “Chinh phục thị trường AEC”…
BIDIPHAR là một trong những DN Bình Định nhiều năm liền đạt chứng nhận HVNCLC.
- Trong ảnh: Một góc phân xưởng sản xuất thuốc viên của BIDIPHAR.
Trải qua 20 năm, Chương trình HVNCLC đã xây dựng được 4 cột mốc lớn, gồm: (1) xây dựng thương hiệu, (2) xây dựng mạng lưới bán lẻ, đưa hàng Việt về nông thôn, (3) hội nhập ASEAN và (4) đổi mới sáng tạo.
* Riêng đối với tỉnh Bình Định chương trình có tác động thế nào?
- Bình Định là một trong những địa phương sớm gia nhập vào “sân chơi HVNCLC”. Tôi còn nhớ, ngay từ đầu năm 2000, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã đề nghị đưa Hội chợ HVNCLC về tổ chức tại TP Quy Nhơn. Đề nghị của Bình Định được Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh nhất trí và đưa vào “Chương trình Hợp tác toàn diện giữa TP Hồ Chí Minh và Bình Định”. Kết quả, cuối tháng 8.2003, Hội chợ HVNCLC - Bình Định lần thứ I đã được tổ chức tại TP Quy Nhơn.
Điều đáng ghi nhận là từ 1-2 DN ban đầu, như: Công ty TNHH Thủy Tài (đạt chứng nhận HVNCLC từ năm 2000), Công ty TNHH Chế biến nước mắm Mười Thu (đạt Chứng nhận HVNCLC từ năm 2002), nhiều DN ở Bình Định đã nỗ lực cải tiến, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng và phát triển thương hiệu…
Có thể kể ra đây tên một số DN, như: Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế (BIDIPHAR); Công ty CP Nước khoáng Quy Nhơn; Công ty TNHH Chế biến nước mắm Mười Thu; Công ty CP SX-TM-DV Tiến Phát; Công ty cổ phần Gạch Tuy-Nen Bình Định; Công ty cổ phần Rượu Bàu Đá Bình Định; Công ty TNHH Ngọc Nga… Trong số này, một số DN đã duy trì được danh hiệu HVNCLC nhiều năm, như: BIDIPHAR (liên tục từ năm 2004 đến nay); Công ty Mười Thu (liên tục từ năm 2002 đến nay). Có thể nói, so với các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Bình Định là tỉnh có khá nhiều DN đạt chứng nhận HVNCLC.
* Trong tương lai, Chương trình HVNCLC sẽ phát triển ra sao, nhất là trong xu thế hội nhập, thưa ông?
- Có thể khẳng định, kết quả mà Chương trình HVNCLC đạt được trong 20 năm qua rất đáng ghi nhận. Đây cũng chính là tiền đề quan trọng để các DN Việt Nam tự tin bước vào thời kỳ hội nhập mới với AEC, TPP, FTA - EU… Cuối năm 2015 vừa qua, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức hình thành, và mới đây (ngày 4.2.2016), Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đã được ký kết. Cơ hội mới đã mở ra đối với các DN Việt Nam, song cũng không ít thách thức đang ở phía trước.
Từ đó, Hội DN HVNCLC xác định tiếp tục đổi mới các Chương trình HVNCLC, như: Nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển kỹ thuật tiếp thị, sản phẩm mới, xây dựng thương hiệu, chất lượng dịch vụ, hoàn thiện các kỹ thuật kinh doanh, xây dựng và phát triển nhiều “thương hiệu mạnh. Đổi mới và duy trì hoạt động của các CLB, như: CLB Đại sứ hàng Việt, CLB Đổi mới sáng tạo, CLB Phóng viên kinh tế, CLB Chuyên gia thị trường, CLB Người bán hàng số 1…
Riêng năm 2016, chúng tôi xác định sẽ nâng chất các hoạt động thường niên, cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp, đẩy mạnh hỗ trợ DN hội nhập thông qua xúc tiến thị trường và đổi mới sáng tạo. Theo kế hoạch, trong năm 2016 sẽ tổ chức 5 Hội chợ HVNCLC, trong đó Hội chợ tại Bình Định sẽ diễn ra từ ngày 2.8 đến ngày 7.8.2016.
* Xin cảm ơn ông!
VIẾT HIỀN (Thực hiện)