Tình trạng khai thác cát trái phép ở Tuy Phước: Kiểm soát, ngăn chặn chưa hiệu quả
Thời gian gần đây, tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra phổ biến ở các xã, thị trấn của huyện Tuy Phước. Tuy nhiên, chính quyền quyền địa phương và các cơ quan chức năng khá lúng túng trong kiểm soát, ngăn chặn hiện tượng xấu này.
Ông Huỳnh Thanh Phương, cán bộ phòng TN - MT huyện Tuy Phước, nhận định: Nạn bơm hút cát trái phép chủ yếu diễn ra trên sông Côn, sông Hà Thanh và lưu vực nhánh sông Côn đoạn chảy qua các xã như: Phước Thắng, Phước Hiệp, Phước Quang, Phước Thành và Phước Hòa.
Một trường hợp hút cát công khai tại thôn Kim Đông, xã Phước Hòa vào sáng 22.2.
Điểm nóng sông Gò Bồi
Sáng 22.2, chúng tôi có mặt tại sông Gò Bồi đoạn chảy qua thôn Tân Giản, Kim Đông và Huỳnh Giản (xã Phước Hòa). Đoạn sông dài 2 km, nhưng có gần 10 máy hút cát được “tập kết” dưới sông hoặc được cất giấu trong bụi rậm gần bờ để tiện bề hoạt động. Riêng ở vùng hạ lưu sông Gò Bồi - khu vực giáp ranh với đầm Thị Nại - có 2 phương tiện hút cát đặt dưới sông đang hoạt động, nổ máy ầm ầm.
Ông T, một người dân ở thôn Tùng Giản, bức xúc: “Các máy hút cát đặt trên sông Gò Bồi này hoạt động bất kể ngày đêm. Có lúc họ kéo máy tới gần sát chân cầu Gò Bồi để hút cát. Những người hút cát giờ không thể nói là hút trộm nữa, họ hoạt động ngang nhiên, không tránh né ai hết”.
Trước thực trạng này, ông Nguyễn Xuân Phú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Đê điều và Phòng chống lụt bão thuộc Sở NN&PTNT, lo lắng: “Việc sử dụng máy hút cát trái phép, sẽ tạo nhiều hố sâu trên sông, làm biến đổi dòng chảy; vào mùa lũ sẽ xuất hiện những dòng xoáy bất thường gây sạt lở hai bên bờ sông, ảnh hưởng đến chất lượng công trình đê điều, nhà cửa, ruộng vườn của nhân dân”.
Kiểm tra, xử lý chưa hiệu quả
Nói về kết quả kiểm tra, xử lý nạn “cát tặc” còn thấp, ông Huỳnh Thanh Phương thừa nhận: “Chúng tôi cũng đã làm kiên quyết, nhưng các đối tượng hút cát trộm chủ yếu hoạt động vào ban đêm, có tổ chức cảnh giới thông báo cho nhau khi lực lượng chức năng đi tuần tra nên việc truy bắt gặp nhiều khó khăn. Năm 2015 và đầu năm 2016, Tổ kiểm tra liên ngành của huyện Tuy Phước đã kiểm tra và bắt giữ hơn 10 trường hợp; trong đó, đã ra quyết định xử phạt hành chính 7 vụ, với số tiền phạt 36 triệu đồng”.
+ Theo Nghị định 142/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường… mà không có giấy phép khai thác khoáng sản, sẽ bị xử phạt với mức từ 3 triệu đồng đến 70 triệu đồng.
+ Người dân hãy gọi về số điện thoại 0563 633202, khi phát hiện các trường hợp khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện Tuy Phước.
Tuy vậy, lãnh đạo Phòng TN - MT huyện Tuy Phước cũng cho rằng, công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm trong khai thác cát giữa các ngành chức năng của huyện và UBND các xã, thị trấn chưa được phối hợp chặt chẽ, đồng bộ. Một số địa phương khi phát hiện khai thác trái phép chỉ lập biên bản nhắc nhở, hoặc xử lý với mức cảnh cáo, hoặc chỉ truy thu khối lượng cát mà không lập hồ sơ xử phạt hành chính. Việc xử lý mang tính hình thức nên nạn khai thác cát vẫn còn xảy ra; số vụ phát hiện, xử lý còn ít so với thực tế.
Ông Huỳnh Thanh Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, đánh giá: “Mỗi khi tổ công tác nhận tin báo đến hiện trường đối tượng bơm cát cắt ống, kéo máy bỏ chạy; thậm chí, họ còn chống đối, hành hung lực lượng làm nhiệm vụ”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Thuận, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho hay: “UBND huyện sẽ chỉ đạo các xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không vi phạm các quy định trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản. Đồng thời, UBND xã, thị trấn phải thường xuyên kiểm tra phát hiện, xử lý hoặc đề xuất cấp thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp khai thác, vận chuyển và mua bán cát trái phép trên địa bàn huyện. Nghiêm cấm việc neo đậu máy móc, dụng cụ bơm hút cát trên sông, bờ sông”.
TRỌNG LỢI