Quốc hội sẽ bàn công tác nhân sự tại kỳ họp thứ 11
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan chức năng cần phối hợp, xây dựng chương trình làm việc cụ thể, chi tiết, phù hợp về công tác nhân sự.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu các cơ quan liên quan phối hợp chuẩn bị tốt cho Kỳ họp 11 với nhiều nội dung rất quan trọng
Phát biểu kết thúc Phiên họp thứ 45 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 25.2, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất ngày 21.3 sẽ khai mạc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục họp phiên thứ 46 để hoàn tất các công việc cho Kỳ họp.
Tại Kỳ họp 11, Quốc hội sẽ tập trung vào 4 nhóm vấn đề: Xây dựng pháp luật; phương hướng phát triển kinh tế- xã hội; tổng kết hoạt động nhiệm kỳ XIII và công tác nhân sự. Đối với công tác nhân sự, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan chức năng cần phối hợp, xây dựng chương trình làm việc cụ thể, chi tiết, phù hợp...
Theo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 11 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua trước đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, gồm: Luật tiếp cận thông tin; Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật báo chí (sửa đổi); Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp với Chính phủ chuẩn bị để kịp trình dự án Luật Biểu tình ra Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này.
Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIII dự kiến diễn ra trong 16 ngày và thời gian dự phòng cho công tác nhân sự.
Theo Ngọc Thành (VOV)