Công tác tiêm phòng đợt 1.2016 cho gia súc, gia cầm: Tất cả đã sẵn sàng !
Theo kế hoạch, bắt đầu từ ngày 1.3, lực lượng thú y trên địa bàn tỉnh sẽ đồng loạt ra quân tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm (GSGC). Hiện Chi cục Chăn nuôi - Thú y (CN-TY) thuộc Sở NN&PTNT đã chuẩn bị đầy đủ lượng vắc xin, các loại vật tư, hóa chất phục vụ đợt tiêm phòng.
Chuẩn bị chu đáo
Ông Lê Ngọc Pháp, Chi cục trưởng Chi cục CN-TY, cho biết: Từ sau Tết Nguyên đán Bính Thân đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn GSGC tại nhiều địa phương trong toàn quốc diễn biến phức tạp. Thêm vào đó, các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi tổ chức chăn nuôi tái đàn với số lượng lớn, nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh GSGC rất lớn. Để bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi, bên cạnh việc tăng cường giám sát dịch bệnh, Chi cục đã chuẩn bị sẵn sàng vắc xin, các dụng cụ, vật tư, hóa chất thú y để đồng loạt ra quân tiêm phòng từ ngày 1.3.
Tiêm vắc xin cúm gia cầm cho đàn gà giống tại một cơ sở ấp nở ở xã Cát Tân (huyện Phù Cát).
Để đợt ra quân tiêm phòng đạt kết quả tốt, ngay từ đầu năm 2016, Chi cục CN-TY đã lên kế hoạch chuẩn bị trên 364 ngàn liều vắc xin lở mồm long móng (LMLM) týp O; 583 ngàn liều vắc xin dịch tả; trên 2,5 triệu liều vắc xin cúm gia cầm. Bên cạnh đó, từ nguồn hỗ trợ của Bộ NN&PTNT, tại kho dự trữ của Chi cục hiện có trên 177 ngàn liều vắc xin LMLM và 10 tấn hóa chất sát trùng Bencocid, đảm bảo đủ cung ứng nguồn vắc xin, hóa chất cho công tác tiêm phòng.
Trong đợt ra quân sắp tới, Chi cục CN-TY phấn đấu tiêm phòng bệnh LMLM đối với đàn trâu, bò đạt tỉ lệ từ 85% tổng đàn trở lên; phấn đấu không có thôn, làng nào có tỉ lệ tiêm phòng đạt dưới 80%. Đối với đàn heo, tỉ lệ tiêm phòng vắc xin dịch tả đạt 80% tổng đàn trở lên. Riêng đối với các trang trại, gia trại, đàn heo giống sinh sản, tỉ lệ tiêm phòng đạt 100%; đồng thời, tiêm phòng bổ sung phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm khác như: tụ huyết trùng, phó thương hàn... Đối với đàn gia cầm, bên cạnh việc tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm cho đàn gà, vịt trong diện tiêm, lực lượng thú y chú trọng tiêm cho đàn gia cầm mới tái đàn, đảm bảo tiêm đủ liều, đủ mũi theo hướng dẫn của Cục Thú y.
Theo Chi cục CN-TY, điều thuận lợi đối với công tác tiêm phòng đợt 1.2016 này là toàn bộ lượng vắc xin được ngân sách tỉnh và ngân sách các địa phương hỗ trợ, người chăn nuôi chỉ trả công tiêm phòng cho lực lượng thú y. Riêng đối với 3 huyện miền núi gồm Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, ngoài việc được hỗ trợ 100% vắc xin, ngân sách tỉnh còn hỗ trợ luôn tiền công tiêm phòng.
Phấn đấu đạt kết quả tốt nhất
Để công tác tiêm phòng đợt 1.2016 mang lại hiệu quả cao, ngày 24.2, Chi cục CN-TY đã tổ chức triển khai Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 8.1.2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật cho lực lượng thú y trên địa bàn tỉnh; đồng thời, khuyến cáo các địa phương thắt chặt việc giám sát, kịp thời phát hiện dịch bệnh trên đàn GSGC.
Theo Cục Thú y thuộc Bộ NN&PTNT, hiện nay, cả nước phát hiện có 1 ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày đang xảy ra tại xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu (Nghệ An). Dịch LMLM đang xảy ra tại 7 huyện của 3 tỉnh với 11 ổ dịch gồm: Bắc Cạn có 5 ổ dịch xảy ra tại 2 huyện; Hà Tĩnh có 2 ổ dịch xảy ra tại 2 huyện; Quảng Trị có 4 ổ dịch xảy ra tại 3 huyện. Theo nhận định tình hình, trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay, nguy cơ bùng phát, lây lan dịch bệnh GSGC ra diện rộng là rất lớn. Việc chủ động tiêm phòng là biện pháp tốt nhất để bảo vệ an toàn dịch bệnh cho đàn GSGC.
Rút kinh nghiệm từ các đợt tiêm phòng trước đây, để nâng cao tỉ lệ tiêm phòng và phát huy hiệu quả sử dụng vắc xin, Chi cục CN-TY yêu cầu Trưởng Trạm Thú y các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm Chỉ thị số 02/CT-UBND của UBND tỉnh. Trong quá trình tiêm phòng, đề nghị chính quyền các địa phương bố trí cán bộ phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên phụ trách từng địa bàn để kịp thời kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo công tác tiêm phòng, cũng như phòng, chống dịch bệnh động vật đạt kết quả tốt nhất.
“Từng Trạm Thú y phải thành lập các tổ tiêm phòng với sự tham gia của lực lượng thú y, Ban nhân dân thôn và các hội - đoàn thể để thực hiện và phát huy hiệu quả công tác tiêm phòng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải tăng cường công tác tuyên truyền kế hoạch tiêm phòng, thông báo lịch tiêm phòng cụ thể đến từng thôn, xóm và phổ biến các quy định phòng, chống dịch bệnh động vật để người dân biết chủ động hợp tác và thực hiện. Đối với các huyện miền núi, tập trung vận động bà con chăn nuôi có trâu, bò thả rông trên rừng núi nhanh chóng đưa trâu, bò về nuôi nhốt tại chuồng trại để thuận lợi cho việc tiêm phòng, đảm bảo đúng tiến độ và tỉ lệ theo quy định” - ông Lê Ngọc Pháp cho biết.
NGUYỄN HÂN