Từ câu chuyện dưa hấu rớt giá…
Thời điểm cuối tháng 2.2016, tuy mới vào đầu vụ thu hoạch dưa hấu vụ Đông Xuân 2015 - 2016, song người trồng dưa ở 2 huyện Tây Sơn và Vĩnh Thạnh như “ngồi trên đống lửa” bởi dưa hấu đang rớt giá mạnh. Giá dưa hiện dao động trên dưới 2.000 đồng/kg, nhưng thị trường tiêu thụ vẫn rất ế ẩm. Ở những cánh đồng dưa xã Bình Tân (Tây Sơn), dù thời điểm hiện nay dưa hấu đã đến độ chín, song hỏi về đầu ra và giá sản phẩm ai nấy đều lắc đầu, trầm giọng nói: “Kiểu này coi như thất bại”.
Giá dưa hấu sụt giảm mạnh, người trồng dưa như ngồi trên đống lửa.
Trường hợp dưa hấu tắc đầu ra ở xã Bình Tân xảy ra lần này không phải là cá biệt, hay lần đầu trong tỉnh. Thời gian qua, bà con nông dân trong tỉnh trăn trở, mong muốn tìm cách làm giàu phù hợp từ vật nuôi, cây trồng.
Không chỉ với cây dưa hấu, đáng tiếc là tại nhiều địa phương, chính quyền và cơ quan chức năng vẫn để nông dân sản xuất mang tính tự phát từ chăn nuôi cho đến trồng trọt. Bà con nông dân tự tìm hướng đi, thị trường tiêu thụ, thiếu sự tư vấn sản xuất và hỗ trợ tìm kiếm thị trường của cơ quan chức năng. Hậu quả là, cứ hễ thấy ai, ở đâu đó nuôi con gì, trồng cây gì có lãi trước mắt thì nhiều người cũng bắt chước làm theo. Nên khi thu hoạch, xuất bán hầu như nông dân “tự bơi” là chính. Cuối cùng, sản phẩm rơi vào tình trạng hàng “dội chợ” buộc phải cạnh tranh, bán phá giá và tồn đọng.
Đã đến lúc chính quyền, các ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa trong việc định hướng, khuyến cáo cách thức làm ăn để bà con chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả theo hướng bền vững. Về phía nông dân cần theo dõi thời sự trong sản xuất, kinh doanh nông sản; tuân thủ theo sự hướng dẫn, khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, phòng tránh nguy cơ được mùa mất giá, được giá mất mùa, sản phẩm tắc đầu ra…
H.N