Hội thi Tiếng hát giáo viên ngành giáo dục tỉnh - năm 2016:
Bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước
Diễn ra sôi nổi liên tục trong 3 ngày (25 - 27.2), sân khấu Hội thi Tiếng hát giáo viên ngành giáo dục tỉnh - năm 2016 tràn ngập những giai điệu, lời ca xúc động, tự hào về Tổ quốc, Ðảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, biển đảo thiêng liêng…
Hội thi Tiếng hát giáo viên ngành giáo dục tỉnh do Sở GD&ĐT phối hợp cùng Công đoàn ngành giáo dục tỉnh tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần, luôn thu hút đông đảo đơn vị thuộc ngành hưởng ứng dự thi. Hội thi năm nay có 74 đơn vị tham gia, biểu diễn 214 tiết mục (ở 3 thể loại: tốp ca, tam ca - song ca và đơn ca). Theo đánh giá của Ban giám khảo, Hội thi có nhiều tiết mục đạt chất lượng nghệ thuật cao, điều này cho thấy phong trào văn nghệ quần chúng trong ngành giáo dục phát triển sâu rộng, sở hữu nhiều hạt nhân tốt.
Một trong những tiết mục đặc sắc được chọn công diễn - Tốp ca bài hát Đi theo Đảng, theo cách mạng của Trường PT DTNT huyện Vĩnh Thạnh.
1.
Đại đa số trong tổng số 214 tiết mục tham gia Hội thi Tiếng hát giáo viên ngành giáo dục tỉnh - năm 2016 là những ca khúc xoay quanh nội dung ca ngợi Đảng, lãnh tụ, thể hiện niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, lòng thổn thức hướng về biển đảo với quyết tâm bảo vệ chủ quyền… Hầu hết tiết mục về chủ đề này được mỗi đơn vị đầu tư dàn dựng công phu và có đông người tham gia biểu diễn (mỗi tiết mục có 20 - 30 người tham gia hát (giáo viên) và múa minh họa, phụ họa (học sinh)).
Thông qua những tiết mục tham gia Hội thi, thế mạnh riêng, nổi trội ở một số đơn vị cũng được bộc lộ, điều đáng mừng là các đơn vị ấy đã ý thức rõ về “sở trường” của đơn vị mình, hạt nhân mình để phát huy đúng hướng. Cụ thể như trường THPT Hùng Vương mạnh về các tiết mục biểu diễn dòng nhạc dân gian đương đại, Phòng GD-ĐT các huyện Tây Sơn, Phù Cát… mạnh về các ca khúc cách mạng…
Những tiết mục đặc sắc nhất tại Hội thi (được chọn công diễn vào đêm bế mạc Hội thi - 27.2) có thể kể đến là: tốp ca Tiếng trống hào hùng (THPT Hùng Vương), tốp ca Hồn thiêng đất Việt (Phòng GD-ĐT Tây Sơn), tam ca Nguồn sáng dẫn đường (Phòng GD-ĐT Phù Cát), tốp ca Đi theo Đảng, theo cách mạng (chất liệu dân ca Bana, Trường PT DTNT Vĩnh Thạnh), đơn ca Nhận lệnh gọi bình minh (Phòng GD-ĐT Hoài Nhơn), đơn ca Bà mẹ Gạc Ma (Phòng GD-ĐT An Nhơn) …
2.
Là sân chơi ca hát dành cho giáo viên, song đóng góp cho hiệu quả nghệ thuật ở từng tiết mục cũng như thành công chung của Hội thi không thể không kể đến sự tham gia đầy hào hứng và nhiệt tình trách nhiệm của nhiều học sinh ở mỗi đơn vị trong vai trò múa minh họa. Mặt khác, tham gia biểu diễn minh họa cho bài hát của thầy cô, trường mình, cả quá trình tập luyện cùng nhau trước đó, học sinh càng có điều kiện thấm thía hơn nội dung, thông điệp ý nghĩa, tính giáo dục, tuyên truyền cao mà mỗi tiết mục mang lại.
Đặc biệt, với những đơn vị tham gia Hội thi tự tin, thoải mái bước vào một sân chơi truyền thống của ngành bằng sự chọn lựa không thuê biên đạo bên ngoài dàn dựng chương trình cho đơn vị mình, mà hoàn toàn “tự biên tự diễn” thì kỷ niệm, tình cảm thầy trò, trường lớp, bạn bè càng rõ nét hơn. Như với Trường PT DTNT tỉnh, ít ai biết phần múa của hai tiết mục song ca và tốp ca là do chính các em học sinh dân tộc thiểu số của trường dàn dựng nên, trong đó công lớn nhất thuộc về lớp trưởng Đinh Thị Hồng Trang, cô học sinh Bana Vĩnh Thạnh vừa học giỏi vừa hát hay múa đẹp. Với lợi thế am hiểu văn hóa miền núi của mình, Hồng Trang và các bạn đã lên ý tưởng, dàn dựng và trực tiếp múa minh họa cho các tiết mục hát của thầy cô trường mình!
Đối với cô giáo Phan Thị Hồng (giáo viên Toán, dàn dựng chương trình cho trường THPT Nguyễn Diêu, Tuy Phước) và 16 học sinh của trường, Hội thi là một trong những kỷ niệm đẹp trong đời. “Cô trò đã cùng nhau suy nghĩ và thống nhất dàn dựng màn múa cho tiết mục đơn ca “Vết chân tròn trên cát”, tôi rất vui vì thấy các em dành quan tâm, suy nghĩ cho “tác phẩm” tập thể đầu tay của lớp mình, đóng góp những ý tưởng hay, động tác đẹp cho tiết mục. Sáng hôm trường diễn, mới 4h sáng tôi đã nhận cả chục tin nhắn của các em, đánh thức cô, nhắc cô ăn sáng để có sức “chiến đấu” (vì cô gầy quá - cười), tôi thấy học sinh của mình sao mà đáng yêu quá!...”.
3.
Có lẽ chú trọng với mảng chủ đề về Tổ quốc, biển đảo, nên dù là một hội thi tiếng hát nghề giáo, song chỉ có vài tiết mục về ngành và cũng chưa đạt chất lượng nghệ thuật cao, khiến Ban giám khảo khá khó khăn khi tìm một tiết mục về ngành cho đêm công diễn và tổng kết Hội thi vào tối 27.2. Bên cạnh đó, còn có một số nhược điểm được Ban giám khảo lưu ý, để Hội thi thành công hơn những lần tổ chức sau. “Một nhược điểm gặp phải ở rất nhiều tiết mục là phần nhạc nền các đơn vị sử dụng được hòa âm rườm rà, tiết tấu phức tạp, phối khí chưa được đầu tư kỹ lưỡng; hoặc tràn lan múa minh họa không cần thiết…”, giám khảo Huỳnh Hiệp An nhận xét.
Kết quả (toàn đoàn) Hội thi: giải Nhất khối Phòng GD&ÐT thuộc về Phòng GD&ÐT Quy Nhơn, Nhất khối trường THPT thuộc về trường THPT Hùng Vương (Quy Nhơn), Nhất khối Trung tâm GDTX-HN và các đơn vị trực thuộc thuộc về Trường Chuyên biệt Hy vọng.
SAO LY