Không thể chậm chân!
Theo báo cáo Việt Nam 2035 do Chính phủ Việt Nam và nhóm Ngân hàng Thế giới cùng thực hiện vừa được công bố, trong 20 năm tới mức thu nhập bình quân đầu người (GDP) ở Việt Nam sẽ là 18.000 USD/năm (tính theo giá trị sức mua tương đương), tức là khoảng 7.000 USD. Tuy nhiên, để đạt được điều đó thì Việt Nam phải duy trì được tốc độ tăng trưởng tối thiểu 7% mỗi năm trong suốt thời gian này.
Cũng theo dự báo của Liên Hiệp Quốc, năm 2035 cũng là “bước ngoặt” của dân số Việt Nam khi số người trong độ tuổi lao động bắt đầu giảm mạnh. Theo đó, từ sau năm 2035, số người trên 65 tuổi sẽ tăng từ 6,3 triệu, chiếm 6,7% dân số lên 15,5 triệu người, chiếm 14,4% năm 2035. Hệ quả của sự biến động dân số này khiến dân số trong độ tuổi lao động giảm xuống, có nghĩa là động lực chính thúc đẩy tăng thu nhập đầu người sẽ yếu đi. Mặt khác, gánh nặng về chi phí hưu trí và hệ thống y tế chăm sóc cho người cao tuổi sẽ là những thách thức nghiêm trọng đối với ngân sách Nhà nước. Do vậy, cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao của thế giới chỉ có thể diễn ra trong giai đoạn từ nay đến năm 2035 như báo cáo đã chỉ ra.
Từ chỗ là một nền kinh tế kiệt quệ do chiến tranh, nhiều năm qua Việt Nam đã trở thành một trong các quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, nhiều loại nông sản, là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trên thế giới. Việt Nam cũng là điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, dù đã đạt được những thành tựu to lớn nhưng Việt Nam vẫn đang thua kém nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Ðể vươn tới vị thế của một quốc gia có nền kinh tế thịnh vượng với thu nhập của đa số dân cư ở mức trung lưu như trên thì Chính phủ và nhân dân Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trên lĩnh vực kinh tế với các cơ hội lớn đang mở ra khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới. Trong đó, việc nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh về mọi mặt đang là một thách thức lớn trên tất cả các bình diện: quốc gia, chính phủ, doanh nghiệp và người lao động… là nhân tố quyết định trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh quốc tế.
Hai mươi năm là một khoảng thời gian không ngắn, nhưng cũng không phải là quá dài. Ðây là thời cơ, cũng là thách thức để Việt Nam khẳng định vị thế của mình trên bản đồ thế giới. Vì vậy, điều cần nhắc nhớ là trong cuộc chơi mang tính toàn cầu này không có chỗ cho những kẻ chậm chân.
HẢI ÐĂNG