Doanh nghiệp vận tải phải giảm giá cước trong tuần này !
Ngày 29.2.2016, thời hạn cuối Sở Tài chính yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải ô tô trên địa bàn tỉnh phải kê khai điều chỉnh giá cước vận tải theo mức giảm của giá xăng dầu.
Với mức giá chỉ còn 14.730 đồng/lít (xăng RON 95), 14.020 đồng/lít (xăng RON 92) và 9.720 đồng/lít (dầu Diezen 0,05S), giá xăng dầu đã giảm ở mức thấp nhất tính từ năm 2009 đến nay. Riêng từ đầu năm 2016 đến nay, đã có 4 lần điều chỉnh giảm giá xăng (tỉ lệ giảm 15,54-16,15%) và 4 lần điều chỉnh giá dầu (tỉ lệ giảm 19,74%).
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý Giá - Công sản (Sở Tài chính) cho biết, với giá nhiên liệu giảm như vậy, mức giảm cước vận tải sẽ vào khoảng 3,89-5,65% (xe chạy bằng xăng) và 6,91-7,89% (xe chạy bằng dầu).
Xe khách chạy tuyến Quy Nhơn - TP Hồ Chí Minh chờ xuất bến tại Bến xe khách trung tâm Quy Nhơn.
Nơi giảm, nơi vẫn “neo”
Đây là lần thứ hai trong năm 2016 Sở Tài chính yêu cầu các DN vận tải (DNVT) kê khai lại giá cước sau một loạt điều chỉnh giá xăng dầu giảm mà không thấy động tĩnh nào từ phía các đơn vị. Trong danh sách yêu cầu có 44 đơn vị: taxi (8), xe buýt (2) và vận tải tuyến cố định (34).
“Nhiều đại diện DNVT thẳng thắn cho rằng, những lý do một số đơn vị trong ngành đưa ra để tránh việc giảm cước vận tải chỉ là ngụy biện”
Tính đến ngày 26.2, một số DNVT đã triển khai kế hoạch để chính thức áp dụng giá cước vận tải điều chỉnh giảm vào đầu tuần này. Ngày 22.2, Công ty TNHH MTV Mai Linh Bình Định đã thực hiện kê khai mức giá áp dụng cho taxi, với mức giảm tuyệt đối cho cả 2 dòng xe 4 chỗ và 7 chỗ là 700 đồng/km (tỉ lệ giảm 4,46-4,51%). “Đây là lần giảm giá mạnh của cước taxi theo biến động của giá xăng dầu. Chúng tôi sẽ áp dụng giá mới này từ 29.2.2016” - ông Triệu Anh Tú, Giám đốc Công ty TNHH MTV Mai Linh Bình Định cho hay.
Trong khi đó, một số DNVT tuyến cố định cũng đã kê khai giảm giá cước từ đầu tuần này. Ngoài việc tổ chức bến bãi cho 9 DNVT trên địa bàn huyện Phù Cát, Công ty TNHH Bến xe Phù Cát còn đứng ra tổ chức xe chạy tuyến TP Hồ Chí Minh. Chị Võ Thị Hương, phụ trách bộ phận điều hành vận tải của Công ty, cho biết: “Ngày 24.2, DN đã kê khai giảm cước 20.000 đồng/vé (tỉ lệ giảm 7%). Như vậy, đơn vị sẽ áp dụng mức giá vé mới 250 ngàn đồng/vé ngay đầu tháng 3.2016. Trong khi đó, các DN thuê bến của công ty cũng đã tính toán mức giảm cước phù hợp để đăng ký thực hiện”.
Trước sức ép dư luận cùng sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước, nhiều DNVT sau thời gian dài lừng khừng đã phải giảm giá cước theo giá xăng dầu. Tuy nhiên, điều dư luận quan tâm là cần xem xét mức giảm cước vận tải có thật sự phù hợp với giảm giá xăng dầu, hay mang tính đối phó, “tượng trưng”.
Theo thông tin của chúng tôi, đến thời điểm này, một vài DNVT vẫn kê khai mức giảm cước vận tải dưới tỉ lệ yêu cầu của Sở Tài chính. Đại diện của một DNVT tuyến Quy Nhơn - Huế và Quy Nhơn - Vinh cho hay, mức giảm cước vận tải được tính ở mức 3%. Nếu tính con số tuyệt đối thì số tiền giảm không đáng kể; trong đó tuyến đi Huế giảm 5.000 đồng/vé và tuyến đi Vinh giảm 10.000 đồng/vé. Lý do là chi phí xăng dầu giảm, nhưng phải bù vào các khoản khác, trong đó phí đường bộ, tiền thuê bến bãi đã tăng đồng loạt từ đầu năm 2016.
Trong khi đó, chỉ sau 1 ngày Sở Tài chính ban hành công văn đôn đốc thì một DNVT kinh doanh loại hình taxi có trụ sở tại Quy Nhơn đã giải trình không giảm cước vận tải. Theo lý giải này, tháng 1.2016, DN đã giảm cước taxi từ 3,57-15,38%. Từ đó đến nay, xăng hạ 10,28%, dầu hạ 19%. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố đầu vào ảnh hưởng đến giá thành cụ thể như: tiền lương, bảo hiểm xã hội tăng 12,5%; đồng thời vật tư, phụ tùng xe và các chi phí khác như thiết bị bộ đàm, bến bãi, giá điện, nước… tăng nhiều.
Hành khách mua vé xe tại Bến xe khách trung tâm Quy Nhơn.
Bài toán giảm cước vận tải
Nhiều đại diện DNVT thẳng thắn cho rằng, những lý do một số đơn vị trong ngành đưa ra để tránh việc giảm cước vận tải chỉ là ngụy biện. Đại diện một hãng vận tải tại Quy Nhơn nêu quan điểm: “Cuối năm 2015 và đầu năm 2016, có nhiều tác động đối với ngành vận tải, như giá xe nhập về tăng 20-80 triệu đồng/xe; thay đổi trong chính sách bảo hiểm dành cho người lao động; các khoản thuế, phí có hiện tượng tăng. Nói thì vậy, nhưng không đơn vị kinh doanh đàng hoàng nào lấy cớ chi phí quá cao mà lấy tiền khách hàng để bù vào cả”.
Đứng ở khía cạnh của cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Thanh Tuấn cho hay: “Những đơn vị kê khai giữ nguyên giá cước vận tải, hoặc chỉ giảm “nhỏ giọt”, Sở Tài chính căn cứ vào tỉ lệ tính toán, đối chiếu với giá bán của loại hình kinh doanh vận tải cùng loại để quyết định chấp nhận hay yêu cầu DN kê khai lại. Dứt khoát không thể vin vào các lý do để không giảm cước, hoặc giảm ít”.
Thực tế, câu chuyện giá xăng, dầu giảm sâu, DNVT kê khai giảm giá nhưng chưa thỏa đáng có một phần trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, khi thủ tục kê khai giá còn phức tạp, việc điều chỉnh đồng hồ taxi mất nhiều thời gian và chi phí… “Hiện nay, mức biến động giá cước vận tải DN tự điều chỉnh là 3%, quá ít và chỉ mang tính hình thức. Vì vậy, nên để DNVT tự kê khai tăng, giảm giá cước nếu giá xăng tăng, giảm ít nhất 7% theo biên độ mà không phải xin phép, để không tạo áp lực cho DN trong mỗi lần điều chỉnh giá” - ông Triệu Anh Tú đề xuất.
Đề cập đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Giám đốc Sở Tài chính, nhấn mạnh: “Công tác quản lý cước vận tải hiệu quả phải dựa trên cơ sở tạo lập được một môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh; giá cước vận tải phải được hình thành trên cơ sở cung, cầu của thị trường. Từ đó, các DN chủ động nâng cao chất lượng dịch vụ và duy trì giá cước hợp lý để bảo đảm tính cạnh tranh, nếu không muốn bị thị trường “đào thải”. Tuy nhiên, trước mắt, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước khi xây dựng và hình thành một thị trường vận tải cạnh tranh vẫn phải chế tài, để thúc ép DNVT giảm giá cước khi giá xăng dầu giảm mạnh”.
THU HIỀN