Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương:
Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Bình Ðịnh
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans Pacific Partnership - TPP) được ký kết chính thức vào ngày 4.2.2016 tại New Zealand sẽ mở ra những cơ hội lớn cho tăng trưởng kinh tế và nâng cao kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của nước ta, nhưng đồng thời cũng đặt ra một loạt các thách thức mới... PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Man Ngọc Lý, Giám đốc Sở Công Thương, một số vấn đề về TPP đối với các doanh nghiệp Bình Ðịnh (DN BÐ).
* Hiệp định TPP vừa được chính thức ký kết, theo ông, TPP sẽ đem lại những thuận lợi và cả những khó khăn như thế nào cho các DN BĐ?
- TPP được đánh giá sẽ hình thành tiêu chuẩn mới cho thương mại toàn cầu trong thế kỷ XXI, đề cập nhiều vấn đề mới, tạo nền tảng cho việc hội nhập kinh tế khu vực và được xây dựng bao gồm các nền kinh tế xuyên khu vực châu Á - Thái Bình Dương; trong đó thị trường của 11 nước thành viên TPP là một thị trường mà DN BĐ đang hướng đến. DN BĐ hoạt động trong các ngành hàng có thế mạnh của tỉnh như may mặc, da giày, thủy sản, đồ gỗ, nông sản… đã có quan hệ giao thương với các nước Nhật, Canada, Hoa Kỳ, New Zealand…; tuy KNXK còn khiêm tốn, nhưng khi Hiệp định TPP có hiệu lực sẽ là cơ hội lớn để DN phát triển, mở rộng thị phần, tăng sản lượng và KNXK.
Khi mức thuế suất giảm theo lộ trình còn từ 0 - 5% sẽ là lợi thế tích cực hỗ trợ DN BĐ cạnh tranh với đối thủ là các nước không tham gia TPP; đồng thời giảm được chi phí khi nhập nguyên liệu (gỗ, hóa chất…) từ các nước New Zealand, Canada… do giảm thuế.
Khai thác tiềm năng thế mạnh địa phương, đón đầu lợi ích do TPP mang lại, từ năm 2015 đến nay, DN BĐ đã chủ động thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ. Đây là bước chuẩn bị cần thiết khi TPP có hiệu lực. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đến Bình Định khảo sát tìm hiểu và đăng ký đầu tư thành lập DN, xây dựng hệ thống kho bãi, nhà xưởng sản xuất chế biến hàng nông sản, sắt thép, phát triển nguồn nguyên liệu thủy sản, qua đó đã tạo việc làm cho người dân trên địa bàn các vùng dự án.
Bên cạnh những cơ hội, DN BĐ cũng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. DN tỉnh ta hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), xuất phát thấp cả về thiết bị công nghệ, nguồn nhân lực, vốn; đầu tư phát triển thương hiệu còn hạn chế, năng lực cạnh tranh yếu, nguồn nguyên liệu đáp ứng yêu cầu theo cam kết trong TPP chưa đảm bảo. Những cam kết từ TPP sẽ tạo ra sức ép lớn đối với những DN thiếu sức đổi mới, thiếu nhạy bén. Hàng nông sản, thủy sản Bình Định sẽ phải đối mặt với hàng rào phi thuế quan cùng các rào cản kỹ thuật khác. Mặt hàng may mặc, da giày sẽ phải đáp ứng yêu cầu về chứng minh xuất xứ, các chất gây ô nhiễm…
Đồng thời, giải quyết vấn đề vốn đối với DNVVN, DN ứ đọng vốn do khó tiêu thụ sản phẩm, đầu tư không đúng mục đích và khả năng đáp ứng vốn của ngân hàng thương mại… là những thách thức thực sự cho DN BĐ khi TPP có hiệu lực. Ngoài ra, hạ tầng giao thông, hệ thống cảng biển, hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh chưa đồng bộ; mức phí, chi phí cho các dịch vụ còn cao; các thủ tục cấp C/O, giấy tờ liên quan khác phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu còn tốn nhiều thời gian, cũng là những thách thức đáng kể cho DN BĐ.
Một phân xưởng sản xuất của Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định.
* Như vậy, DN BĐ cần làm gì để đón “vận hội mới” một cách hiệu quả nhất, cũng như có thể “né tránh” những bất lợi?
- Có thể thấy rằng, những mặt hàng có thế mạnh như nông sản, thủy sản, đồ gỗ, da giày dệt may… khi TPP có hiệu lực sẽ tăng trưởng mạnh (dự kiến tăng từ 15 - 20% ). Tuy nhiên, muốn đạt được mức tăng trên đòi hỏi chúng ta phải mở rộng, phát triển nguồn nguyên liệu phù hợp yêu cầu cam kết TPP; hạn chế nhập khẩu nguyên liệu dệt may, da giày từ các nước không tham gia TPP; mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, mở rộng ngư trường, phát triển trồng rừng nguyên liệu; và nhất là bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật… để hưởng ưu đãi xuất xứ. Nếu không đáp ứng được yêu cầu nêu trên dẫn đến kết quả KNXK không tăng mà ngược lại sẽ bị chính các rào cản thương mại kìm hãm.
Để chủ động tham gia TPP, DN BĐ phải chuẩn bị về mặt tâm lý cùng các điều kiện cần thiết, chủ động khai thác những lợi thế do TPP mang lại, đồng thời tự đánh giá về thực trạng DN mình để đưa ra giải pháp ứng phó khó khăn, tận dụng cơ hội tái cơ cấu, hội nhập; chủ động giải quyết những vấn đề nội tại của DN về trình độ quản lý, công nghệ thiết bị, chất lượng, mẫu mã sản phẩm... khi tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu. DN cần nghiên cứu lộ trình cắt giảm thuế, những rào cản, để có bước điều chỉnh thích hợp nhằm có thể trụ vững được và cạnh tranh hiệu quả với các nước thành viên TPP; đồng thời cần có chiến lược xúc tiến quảng bá thương hiệu ở các nước thành viên TPP một cách phù hợp để xây dựng hình ảnh DN...
* Sở Công Thương sẽ hỗ trợ các DN trên địa bàn tỉnh như thế nào trong các vấn đề nói trên, thưa ông?
- Bên cạnh sự chủ động tái cơ cấu, đổi mới của từng DN, các cơ quan quản lý nhà nước nói chung, Sở Công Thương nói riêng, phải đồng hành cùng các DN trên địa bàn. Sở Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu tham gia, đề xuất ban hành các bộ tiêu chuẩn, các tiêu chí chất lượng sản phẩm hàng hóa được phép lưu thông trên thị trường, qua đó phối hợp với các cơ quan chức năng ngăn chặn sản phẩm hàng hóa không đạt tiêu chuẩn nhập khẩu vào Việt Nam, tạo ra sự bình đẳng trong tiêu dùng, tạo điều kiện cho DN BĐ phát triển.
Chúng tôi sẽ tham mưu UBND tỉnh về những vấn đề có liên quan thủ tục hành chính, những cơ chế, chính sách phù hợp với cam kết TPP, nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN. Đồng hành cùng DN trong hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu, mở rộng thị trường các nước thành viên TPP; hỗ trợ DN ứng dụng thương mại điện tử. Tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics, vận tải biển, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ du lịch… Sở sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các DN đang đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sớm đưa vào hoạt động. Ưu tiên hỗ trợ DN đổi mới phát triển công nghiệp có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường. Trong đầu tư mới, chú trọng thu hút các nhà đầu tư vừa và nhỏ nhưng có công nghệ sạch và cao từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ.
Sở Công Thương sẽ phát huy vai trò thành viên Ban chỉ đạo Hội nhập quốc tế về kinh tế tỉnh trong công tác tuyên truyền, phổ biến để cộng đồng DN BĐ nắm bắt kỹ về TPP, qua đó khai thác những ưu thế, khắc phục hạn chế, xây dựng biện pháp ứng phó phù hợp. Kết nối với tham tán thương mại Việt Nam tại các nước tham gia TPP và các tổ chức nghiên cứu độc lập thu thập thông tin, cung cấp cho DN có nhu cầu…
* Xin cảm ơn ông!
BÙI LỢI (Thực hiện)