“Dấu ấn” từ cải cách thủ tục hành chính thuế
Cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) thuế là một trong những dấu ấn nổi bật của ngành Thuế được nêu ra tại Hội nghị trực tuyến do Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) tổ chức cuối tháng 2.2016. Ở chiều ngược lại, nợ thuế, hoàn thuế và chống chuyển giá là những bức xúc được lãnh đạo ngành Thuế cả nước “ngồi lại” bàn thảo.
Trên thực tế, với 8 nhóm giải pháp và 77 nhiệm vụ cụ thể, chương trình hành động về đẩy mạnh CCTTHC, tăng cường quản lý thuế và đảm bảo kỷ luật, kỷ cương nội ngành, đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ, mang lại hiệu quả thiết thực.
Chi cục Thuế TP Quy Nhơn hỗ trợ thông tin cho NNT.
Rút ngắn quy trình
Cụ thể, Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính ban hành các Thông tư hướng dẫn về chính sách thuế, qua đó đã giảm tiếp được trên 50 giờ, đưa tổng số giờ nộp thuế của DN giảm xuống còn 117 giờ, vượt mục tiêu đặt ra từ Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của ngành tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tổng cục Thuế cũng đã ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung đối với 44 quy trình, quy chế; trình Bộ Tài chính cắt giảm 63 thủ tục, đơn giản hóa 50 thủ tục.
Bên cạnh các giải pháp về chính sách, ngành Thuế còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình khai thuế, tính thuế. Tính đến 31.12.2015, cả nước đã có 98,95% số DN thuộc diện quản lý thuế thực hiện khai thuế qua mạng và hơn 95,3% DN đăng ký tham gia nộp thuế điện tử.
Tại Bình Định, ông Phạm Ngọc Hải, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho hay, việc triển khai các giải pháp CCTTHC thuế đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế (NNT) nộp hồ sơ khai thuế và nộp thuế. Ngành Thuế tỉnh đã triển khai thực hiện kê khai và nộp thuế điện tử cho văn phòng Cục Thuế và 11 chi cục thuế địa phương. Đến hết năm 2015, có 95,17% số NNT đang hoạt động đã đăng ký khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử với tổng số tiền nộp ngân sách 1.292 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, Cục Thuế tỉnh triển khai ứng dụng quản lý thuế tập trung theo đúng kế hoạch và tiến độ của Tổng cục Thuế. Hệ thống này đã thực hiện trao đổi tự động dữ liệu giữa cơ quan thuế với các đơn vị trên cùng địa bàn (tài chính, hải quan, kho bạc, ngân hàng…) và giữa Cục Thuế với Tổng cục Thuế; đáp ứng tốt yêu cầu trao đổi thông tin phục vụ công tác quản lý thuế, chứng từ được truyền nhận và xử lý sai sót kịp thời, nhanh chóng, rút ngắn thời gian cập nhật, đối chiếu dữ liệu phục vụ công tác điều hành và quản lý thu ngân sách, khắc phục dần tình trạng thông tin thiếu đồng bộ, thống nhất.
Và những bức xúc...
Không chỉ có “điểm sáng”, lãnh đạo ngành Thuế còn thẳng thắn nêu các vấn đề, bất cập khiến cả ngành Thuế lẫn DN bức xúc.
Trong ý kiến của 6 lãnh đạo ngành Thuế các tỉnh, thành đưa ra tại hội nghị trực tuyến, hết một nửa “kêu” thủ tục hoàn thuế chậm, khiến cơ quan thuế địa phương “khó ăn khó nói” với DN.
Cụ thể là, hạn mức hoàn thuế của Tổng cục chuyển về không kịp, nên công tác hoàn thuế tại địa phương chậm, cơ quan thuế gặp nhiều khó khăn trong việc giải thích cho DN. Có ý kiến đề nghị sớm thể chế hóa cơ chế pháp luật về xử lý hoàn thuế, để cục thuế địa phương có cơ sở giải thích với NNT việc chậm hoàn thuế.
Ngay tại Bình Định, 1.103,9 tỉ đồng là số thuế giá trị gia tăng đã được hoàn thuế cho các DN trên địa bàn trong năm 2015, tăng 139,5% so với năm 2014. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều hồ sơ hoàn thế của DN đang… nằm chờ. Trong cuộc đối thoại với DN đầu tháng 11.2015, có DN còn bức xúc “đòi nợ” ngành Thuế ngay tại diễn đàn. Đại diện Cục Thuế tỉnh cho rằng, vấn đề hoàn thuế cho DN “nóng” ngay từ Trung ương. Ngành Thuế tỉnh cũng phải chờ quyết định cấp tiếp hạn mức quỹ hoàn thuế thì mới giải quyết được cho DN.
Thừa nhận việc chậm hoàn thuế cho DN là thực tế đang diễn ra, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho hay, Bộ cũng gặp khó khi giải quyết do “pháp luật hiện hành chưa đảm bảo được nguyên tắc chặt chẽ trong hoàn thuế, chưa đảm bảo người cần hoàn nhanh được hoàn nhanh hay người không cần hoàn”.
Trong khi đó, câu chuyện nợ thuế và chống chuyển giá đến thời điểm này cũng đã nóng hơn bao giờ hết. Nhiều ý kiến bàn về các giải pháp trong thu hồi nợ thuế đã đề cập thẳng đến quy định DN nợ thuế muốn nộp dần theo phân kỳ phải được ngân hàng bảo lãnh. Tuy nhiên, trên thực tế không ai bảo lãnh cho người nợ thuế. Vì thế, thay vì ngân hàng bảo lãnh cho DN nộp dần nợ thuế, cơ quan thuế có thể được trao quyền để quyết cho một số DN nộp thuế phân kỳ và có cam kết đầy đủ.
Ông Ðỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, cần nhanh chóng có hệ thống dữ liệu của các ngành sản xuất để các cục thuế có dữ liệu chung phục vụ thanh tra việc chuyển giá. Thứ trưởng cũng đặt ra bài toán cho ngành Thuế phải “làm được” trong năm 2016 là giải quyết nợ thuế. Cơ quan thuế phải xây dựng nghị quyết về xóa nợ chậm nộp, phạt chậm nộp do nguyên nhân bất khả kháng và xóa nợ cho đối tượng giải thể ngừng kinh doanh. Bởi luật hiện hành cũng như hoạt động quản lý hiện tại chưa phù hợp với thực tế.
THU HIỀN