An Nhơn trong thơ Yến Lan
Trong đời thơ của mình, thi sĩ Yến Lan (1916-1998) đã viết về nhiều địa phương, nhiều vùng đất khác nhau. Nhưng hơn đâu hết, đó chính là vùng đất An Nhơn – Bình Định, nơi ông khởi đầu và kết thúc sự nghiệp văn chương một cách đẹp đẽ…
Theo tiểu sử, nhà thơ Yến Lan sinh ngày 2.3.1916, tại thị xã An Nhơn. Chính tại nơi đây, ông đã khởi nghiệp văn chương trên tư cách một cây bút Thơ Mới, đã cùng với Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử và Quách Tấn lập nên nhóm thơ “Bàn thành tứ hữu”, góp phần tích cực vào công cuộc cách tân thi ca Việt Nam theo hướng hiện đại.
Nhà thơ Yến Lan cùng vợ và con gái.
Cũng tại nơi đây, Yến Lan đã viết nên bài thơ “Bến My Lăng” nổi tiếng với hình ảnh ông lái đò say trăng giữa một bến sông mênh mông trăng lạnh. “Bến My Lăng” là một sáng tạo đột xuất của thi sĩ Yến Lan, không chỉ làm giàu cho thành tựu Thơ Mới mà còn làm cho bến đò Trường Thi quê hương ông trở thành bến mộng, bến mơ, nơi mong ước được một lần diện kiến của biết bao bạn đọc gần xa.
Như vậy, Yến Lan đã có một khởi đầu tuyệt vời về đề tài quê hương. Sau này, khi tập kết ra Bắc cũng như lúc đã hồi hương, Yến Lan càng viết nhiều về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Vì thế, hình ảnh An Nhơn trở nên xuyên suốt trong thơ Yến Lan, nhất là thơ tứ tuyệt vốn là sở trường, tâm huyết của ông.
Đúng vậy, An Nhơn là “một cõi đi về” của hồn thơ Yến Lan. Chúng ta sẽ bắt gặp trong thơ ông có rất nhiều bài viết về vùng đất chôn nhau cắt rốn của mình. Trước hết, đó là những bài thơ nói về một địa danh, một công trình hay một sản phẩm cụ thể nào đó của An Nhơn. Có thể kể tới các bài sau: “Bình Định”, “Chiều qua tháp Cánh Tiên”, “Mưa Bình Định”, “Ơn suối”, “Qua bến My Lăng”, “Qua cửa đông thành Bình Định”, “Tâm tư ngày cũ”… Trong những bài thơ này, An Nhơn có lúc là hình ảnh của hoài niệm: “Tám tư về lại ở An Nhơn / Phố cũ người xưa chẳng mấy còn / Đêm đến nằm nghe cành liễu phất / Còn nhìn quen thuộc tiếng chuông boong” (Tiếng chuông ngày cũ); nhưng phần lớn là hình ảnh của cuộc sống hiện tại: “Thăm quê về lại bến trăng xưa / Còn tưởng đêm nay đứng gọi đò / Chưa kịp nhớ ra lòng có hẹn / Chèo ai cập bến đã vang khuya” (Qua bến My Lăng)…
Hình ảnh An Nhơn còn xuất hiện trong nhiều bài thơ khác nữa của thi sĩ Yến Lan. Đó là những bài mà ở đó các địa danh không xuất hiện một cách trực tiếp. Nhưng căn cứ vào hoàn cảnh sáng tác, đặc điểm văn hoá địa phương, người đọc hoàn toàn có thể nhận ra được dấu ấn An Nhơn trong tác phẩm. Chẳng hạn, An Nhơn là vùng đất nổi tiếng với nghề trồng mai. Cho nên, khi gặp những bài thơ như thế này, chúng ta thấy thi hứng Yến Lan nảy sinh từ chính việc cảm thụ loài hoa này của quê hương: “Mai ơi, nở đó mà thưa thớt / Phẩm chất thanh u trĩu nhánh gầy” (Vóc mai); hay: “Vặt lá đầu mùa để đón hoa / Biết trong chồi biếc sắc vàng pha / Bao nhiêu đau đớn cành mai chịu / Đợi với trời xanh rực bóng nhà” (Tỉa mai)…
Bên cạnh thiên nhiên, hình ảnh con người An Nhơn cũng được nói đến nhiều trong thơ Yến Lan. Người đọc sẽ bắt gặp trong thơ ông rất nhiều tâm tư, hoài niệm về người thân: “Bạn xưa còn có cây me cụt / Mưa xói mòn nơi mẹ tựa trông” (Cây me mẹ tựa), “Lặn lội bên đầm hái lá sen / Xôi dừa chị gói gửi theo em” (Quà tiễn); hay về một người đồng hương, một bóng dáng bắt gặp trên đường: “Ghé thăm chùa cổ, gặp sư già / Nhận khách đồng hương hỏi chuyện nhà / Xóm núi chiều nay kinh kệ vắng / Lòng sư còn bận nhớ quê xa” (Tiếng chuông xóm núi), “Áo nâu cô gái vương đầu ngõ / Chân khách bâng khuâng xỏ dép mòn” (Đường ngõ thôn)…
Thơ Yến Lan hấp dẫn người đọc nhờ có nhiều phát hiện tinh tế về tình cảm, giá trị con người trong cuộc sống thường nhật. Trên cơ sở đó, nhà thơ thiên về ghi nhận và gá gửi suy tưởng, triết lí. Nhờ thế, thơ Yến Lan có đặc điểm ngắn gọn, hàm súc và giàu sức khơi gợi, được những người đọc có nhiều trải nghiệm cuộc sống thích thú, đồng cảm.
Tình cảm của Yến Lan đối với An Nhơn là một giá trị đặc biệt trong toàn bộ di sản tinh thần của ông. Là người con, ông đã được thừa hưởng biết bao giá trị vật chất và tinh thần của một vùng đất vốn rất giàu có về văn hoá và từng giữ vị trí trung tâm của Bình Định nói riêng, Nam Trung Bộ nói chung. Là nhà thơ, ông hạnh phúc khi An Nhơn chính là nơi đã khơi dậy tiềm năng sáng tạo, giúp ông không ít lần thăng hoa trên đôi cánh của thơ mới và tứ tuyệt. Đúng là, giữa không gian An Nhơn thân thuộc này, Yến Lan đã viết nên cho đời hàng trăm thi phẩm, góp một phần không nhỏ vào thành tựu chung của thơ ca Việt Nam thế kỉ XX.
LÊ NHẬT KÝ