Từ Chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội Vĩnh Thạnh:
Nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giả
Những năm qua, huyện Vĩnh Thạnh đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, từng bước thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn huyện; đáng kể là chương trình tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).
Nguồn vốn của NHCSXH đã giúp nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội ở huyện Vĩnh Thạnh có việc làm, từng bước tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
- Trong ảnh: Mô hình trồng ớt xen đậu phụng ở thôn Định Trường, xã Vĩnh Quang cho thu nhập 60 triệu đồng/ha/vụ.
Có thể nói, đồng vốn của NHCSXH đã giúp cho hàng trăm hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác trong huyện có việc làm, từng bước tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Có rất nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhờ vốn vay của NHCSXH đã thoát nghèo, vươn lên khá giả, trở thành điển hình nông dân sản xuất giỏi. Cụ thể, như chị Đinh Thị Sen, hộ nghèo ở làng K4 xã Vĩnh Sơn, đã mạnh dạn vay 15 triệu đồng đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, nay chị đã có 2 ha trồng các loại cây như măng điền trúc, quế, cà phê, bời lời và 12 con trâu, bò; thu nhập mỗi năm trên 60 triệu đồng.
Hay như chị Đinh Thị Đem - ở làng K3 xã Vĩnh Sơn, một trong những hộ thoát nghèo từ chương trình hỗ trợ vốn của Hội Phụ nữ (HPN) xã. Chị Đem cho hay, trước đây gia đình chị gặp không ít khó khăn trong cuộc sống. Từ khi tham gia sinh hoạt Hội, được tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, cùng với số vốn 30 triệu đồng vay từ NHCSXH huyện do HPN xã đứng ra tín chấp, chị đã đầu tư chăn nuôi bò, trồng keo và bời lời kết hợp trồng mì cao sản. Hiện nay, mỗi năm gia đình chị thu nhập gần 40 triệu đồng từ chăn nuôi và trồng trọt.
Bà Hoàng Thị Ánh, Chủ tịch HPN huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Được HPN huyện đứng ra tín chấp với ngân hàng, HPN xã Vĩnh Sơn đã tích cực vận động hội viên vay các nguồn vốn khác nhau để đầu tư vào sản xuất. HPN xã Vĩnh Sơn hiện đang tín chấp với NHCSXH huyện giúp 290 hội viên vay trên 5 tỉ đồng để sản xuất, chăn nuôi. Ngoài ra, Hội còn thành lập được 5 tổ tiết kiệm tại các chi hội tổng số tiền tiết kiệm là 52,6 triệu đồng, hỗ trợ các hội viên nghèo vay làm kinh tế”.
Các cấp HPN trên địa bàn huyện còn phối hợp với các ngành chức năng thực hiện tốt công tác vận động hội viên tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT giúp hội viên áp dụng có hiệu quả vào sản xuất. Từ đó, nhiều hội viên được tiếp cận với các nguồn vốn cũng như kiến thức để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.
Ông Nguyễn Tấn Định, Giám đốc NHCSXH huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Các gia đình có hoàn cảnh khó khăn cần có vốn, nhưng làm thế nào để đồng vốn sinh lời mới là khó, nhất là đối với hộ nghèo, hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, hộ chưa có việc làm ổn định… Vì vậy, công việc của Ngân hàng không chỉ đơn thuần là giải ngân cho vay, mà còn phải hỗ trợ người nghèo sử dụng vốn sao cho hiệu quả. Định kỳ hàng tháng, hàng quý, Ngân hàng phối hợp với Hội Nông dân, HPN, Hội Cựu chiến binh kiểm tra tình hình cho vay; thu lãi, thu tiết kiệm với tổ vay vốn và tổ chức họp bàn đánh giá kết quả hoạt động nhằm kịp thời uốn nắn những sai sót trong quá trình thực hiện”.
Có thể khẳng định, nguồn vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo không chỉ tạo điều kiện cho nhiều hộ thoát nghèo, mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh.
XUÂN DŨNG