Giúp các doanh nghiệp xây dựng tháo gỡ khó khăn
Tại buổi gặp mặt Hiệp hội các nhà thầu xây dựng (HHNTXD) Bình Ðịnh và các doanh nghiệp (DN) xây dựng trên địa bàn tỉnh do UBND tỉnh vừa tổ chức, các DN đã đề xuất, kiến nghị nhiều vấn đề, nhằm tạo điều kiện cho các DN khắc phục khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Một công trình xây dựng trên địa bàn phường Đập Đá (thị xã An Nhơn) bị “treo” nhiều năm do khó khăn nguồn vốn đầu tư. Ảnh: NGUYỄN HÂN
Nhiều đề xuất, kiến nghị
Ông Bùi Trần Hà, Chủ tịch HHNTXD Bình Định, cho biết: Năm 2015, mặc dù tình hình kinh tế vĩ mô đã ổn định, lạm phát được kiềm chế, lãi suất cho vay đã giảm và ổn định, song các DN ngành Xây dựng trên địa bàn tỉnh vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn. Đa phần DN xây dựng đều thiếu vốn nghiêm trọng cho sản xuất và đầu tư phát triển; trong khi lãi suất cho vay tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao so với loại hình dịch vụ của ngành Xây dựng và có nhiều quy định ràng buộc khiến cho nhiều DN chưa tiếp cận được nguồn vốn vay. Thị trường bất động sản chưa khởi động mạnh, không chỉ gây khó khăn cho các DN kinh doanh trên lĩnh vực này mà còn ảnh hưởng tới thanh khoản của các tổ chức tín dụng, gây đình trệ sản xuất cho các DN sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, xây lắp, trang trí nội thất… Việc tìm kiếm việc làm mới và thực hiện các công trình dở dang cũng không dễ, bởi nợ đọng tại các công trình là rất lớn, chưa giải quyết được. Do vậy, nhiều DN làm ăn thua lỗ, nợ xấu kéo dài và đã có không ít DN bị phá sản.
“Chính quyền các địa phương cần phải bố trí nguồn vốn để trả nợ cho các DN, nếu không trả hết nợ thì không bố trí xây dựng công trình mới ”
Đồng chí PHAN CAO THẮNG - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh
Theo HHNTXD Bình Định, có nhiều chủ đầu tư trong khi chưa xác định được nguồn vốn nhưng vẫn triển khai thi công công trình. Do không chủ động được vốn, khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, chủ đầu tư không có tiền trả nợ cho bên thi công. Tình trạng này kéo dài nhiều năm, khiến cho DN cụt vốn, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người lao động. Để giúp các DN xây dựng tháo gỡ khó khăn, ngành chức năng và chính quyền các cấp cần thực hiện quyết liệt công tác thanh toán nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Bên cạnh đó, cần phải nghiêm túc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực xây dựng.
Ông Võ Văn Hai, Giám đốc Công ty TNHH Nhật Minh, bức xúc: Thời gian qua, việc xây dựng đơn giá vật liệu xây dựng của cơ quan chức năng chưa sát với giá thị trường đã làm cho các DN xây dựng bị thua lỗ. Bên cạnh đó, một số Ban quản lý dự án ban hành quy trình nghiệm thu công trình rườm rà, qua nhiều chữ ký làm cho DN mệt mỏi. Điều đáng nói là có không ít DN tư vấn thiết kế năng lực yếu kém, nhưng vẫn được mời tham gia thiết kế các công trình xây dựng có quy mô lớn; đến khi triển khai thi công không khả thi gây nhiều thiệt hại cho DN xây dựng, song không có ai đứng ra chịu trách nhiệm. Nhiều công trình do thiết kế sai phải sửa đi sửa lại nhiều lần, gây thiệt hại cho DN, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng dân cư, khiến người dân bức xúc.
Ông Đinh Văn Phước, Giám đốc Công ty TNHH Đinh Phát, kiến nghị: Để hỗ trợ cho các DN xây dựng ổn định, phát triển, UBND tỉnh nên tác động các tổ chức tín dụng, ngân hàng có cơ chế tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho DN. Tỉnh cần chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng quyết liệt công tác thanh toán nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Bên cạnh đó, cần phải minh bạch trong công tác đấu thầu tất cả các dự án; chấn chỉnh, nâng cao năng lực các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát và tăng cường công tác quản lý chất lượng các công trình.
Tại buổi gặp, các DN cũng kiến nghị tỉnh quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN được tiếp cận nguồn vốn vay của Quỹ Hỗ trợ DN; hỗ trợ vốn đào tạo nghề; có chính sách hỗ trợ việc làm cho người lao động. Tỉnh cần đẩy mạnh triển khai các dự án nhà ở xã hội để làm “ấm” lại thị trường bất động sản và tạo việc làm cho DN…
Nỗ lực tháo gỡ khó khăn
Tại buổi gặp mặt, một số vấn đề mà các DN ngành Xây dựng kiến nghị, đề xuất đã được lãnh đạo các ngành chức năng của tỉnh ghi nhận, giải đáp. Theo ông Trần Viết Bảo, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, để khắc phục tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản, từ năm 2015, sau khi Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng có hiệu lực, Sở Xây dựng và các ngành chức năng chỉ thẩm định các dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thiết kế dự toán các dự án đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền. Nghĩa là những dự án này đã xác định được nguồn vốn đầu tư cụ thể, có thể bố trí vốn nhiều năm theo quy mô của dự án nhưng chắc chắn vốn được bố trí theo đúng kế hoạch, không có tình trạng không biết nguồn vốn từ đâu như những năm trước đây.
Ông Nguyễn Thành Hải, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, cho biết: Để tháo gỡ tình trạng nợ đọng kéo dài trong xây dựng cơ bản, thời gian tới, Sở sẽ thống kê lại số tiền nợ đọng tại các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh và sớm đề xuất UBND tỉnh các giải pháp giúp DN xây dựng tháo gỡ khó khăn. Mong các DN chia sẻ và cộng đồng trách nhiệm với các sở, ngành của tỉnh trong việc tháo gỡ khó khăn cho các DN.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng đã yêu cầu Sở Xây dựng, Sở KH&ĐT phổ biến Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu mới cho các DN, đồng thời rà soát lại nợ tồn đọng trong xây dựng cơ bản để có kế hoạch bố trí vốn trả nợ cho các DN. Chính quyền các địa phương cần phải bố trí nguồn vốn để trả nợ cho các DN, nếu không trả hết nợ thì không bố trí xây dựng công trình mới. Sở Xây dựng chủ trì tiến hành kiểm tra, củng cố kiện toàn các Ban quản lý các dự án, phát hiện và kiên quyết xử lý các Ban quản lý, đơn vị tư vấn giám sát buông lỏng trong công việc hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được giao; các nhà thầu gian dối trong quá trình thực thi công trình cũng phải bị xử lý thích đáng. Tăng cường giám sát năng lực nhà thầu trong hoạt động xây dựng; thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu. Các DN cũng cần chủ động liên doanh, liên kết, nâng cao năng lực để đấu thầu và thực hiện các dự án BT, BOT... trên địa bàn.
NGUYỄN HÂN