Nhà hát tuồng Đào Tấn: Nét thanh xuân trong mùa lưu diễn
Tươi trẻ, ngọt ngào và hấp dẫn là đôi điều cảm nhận chung của người dân mộ tuồng ở nhiều địa phương trong tỉnh khi được thưởng thức các vở diễn của Nhà hát tuồng Đào Tấn trong những ngày xuân.
1.
Khác với những năm trước đây, mùa xuân này, Nhà hát tuồng Đào Tấn lên đường phục vụ nhân dân với dàn diễn viên được trẻ hóa rất nhiều. Bên cạnh những nghệ sĩ gạo cội như NSND Minh Ngọc, NSND Xuân Hợi, NSƯT Kim Thành, NS Đình Trương, NS Thanh Thủy… có các nghệ sĩ trẻ tài năng như Thu Thẳm, Ngọc Nhân, Đức Thành, Thái Phiên, Mai Vân, Thanh Vân. Trong đó có nghệ sĩ Thanh Bình - một diễn viên trẻ vừa được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSƯT năm 2015. Sự xuất hiện của lực lượng nghệ sĩ trẻ đã đem đến các đêm diễn sự tươi trẻ và lôi cuốn khán giả.
Các diễn viên Nhà hát tuồng Đào Tấn biểu diễn ở quảng trường tượng đài Chiến thắng Quy Nhơn.
Việc lựa chọn chương trình kịch mục để phục vụ nhân dân trong mùa lưu diễn năm nay cũng có nhiều điểm mới. NSƯT Nguyễn Gia Thiện chia sẻ: “Với phương châm luôn luôn sáng tạo, đổi mới trong hoạt động nghệ thuật nhằm mang đến cho khán giả những vở tuồng hay, độc đáo. Trong mùa lưu diễn năm nay, ngoài các vở tuồng mẫu mực như “Cổ Thành”, Nhà hát đặc biệt chú trọng đến thể loại tuồng lịch sử nhằm tôn vinh các vị anh hùng dân tộc như “Quang Trung đại phá quân Thanh”, “Sao Khuê Trời Việt”, “Bông mai đỏ”… Bên cạnh đó, để thu hút khán giả trẻ đến với tuồng, đơn vị còn có những vở tuồng đặc sắc như “Giai nhân trong thời loạn”, “Tam hạ Nam Đường”, “Xử án Bàng Quý phi”, “Viên ngọc quý”…”.
Những nỗ lực đổi mới, bồi đắp thêm “sức thanh xuân” cho từng vai diễn đã được đền đáp xứng đáng. Ngay từ trước Tết Bính Thân đến nay, Nhà hát đã nhận được rất nhiều lời mời từ chính quyền và nhân dân các địa phương trong tỉnh, hiện lịch biểu diễn dày đặc và vẫn còn đang tiếp tục cập nhật thêm. Ngoài các điểm diễn truyền thống như ở quảng trường tượng đài Chiến thắng TP Quy Nhơn; Bảo tàng Quang Trung; thôn Hanh Quang, xã Phước Lộc; xã Nhơn Thọ, huyện An Nhơn… năm nay, Nhà hát tuồng Đào Tấn còn có nhiều điểm diễn mới ở chùa Bà - xã Phước Quang; các xã Phước Hưng, Phước Thuận, huyện Tuy Phước; xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn; thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ...
2.
Kể từ khi tham gia phục vụ Dạ hội giao thừa đón xuân Bính Thân 2016 đến nay, Nhà hát tuồng Đào Tấn đã đi được nhiều trên con đường lưu diễn mùa xuân. Điểm diễn nào cũng đều để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng yêu tuồng. Tại điểm diễn thôn Hanh Quang, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, ông Ba Hưng (72 tuổi), một khán giả mộ tuồng ở địa phương hào hứng chia sẻ: “Tôi đã xem Nhà hát tuồng Đào Tấn diễn rất nhiều lần. Nhưng lần này tôi thấy có nhiều gương mặt diễn viên mới với các vai như: Trương Liêu, Trương Phi trong vở “Cổ Thành”, Lưu Kim Đính, Cao Quân Bảo, Cao Hoài Đức trong vở “Tam Hạ Nam Đường”, Triệu Lân, Như Hoa và công chúa Mỹ Dung trong vở “Giai nhân trong thời loạn”… Tuy chưa sắc sảo như những lớp nghệ sĩ lớn tuổi, nhưng nhìn chung các diễn viên trẻ đều thể hiện rất tốt. Hơi hát khỏe khoắn, chất giọng ngọt ngào, sâu lắng. Cách diễn truyền cảm dễ đi vào lòng người”.
Cùng chung niềm hân hoan về chiến công vang dội quét sạch quân Mãn Thanh xâm lược của đoàn binh Tây Sơn thần tốc, dưới ngọn cờ đào của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ, được thể hiện trong vở tuồng “Quang Trung đại phá quân Thanh”, cô Nguyễn Thị Năm, một người dân thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, bày tỏ: “Hồi giờ tôi chỉ được biết về chiến công vang dội của người anh hùng của quê hương Tây Sơn - Bình Định qua sách báo. Nay có cơ hội được xem tái hiện trên sân khấu cảnh đánh trận Ngọc Hồi - Đống Đa, càng tự hào hơn về truyền thống kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta”.
Nói về cảm xúc của mình trong mùa diễn lần này, nghệ sĩ trẻ Mai Ngọc Nhân trải lòng: “Hạnh phúc nhất của tôi và các đồng nghiệp trẻ khác là được các nghệ sĩ bậc thầy như NSND Minh Ngọc, NSND Xuân Hợi... dìu dắt trực tiếp dưới ánh đèn sân khấu. Được cháy hết mình trong âm vang giòn giã của tiếng trống chầu ngày xuân và những tràng vỗ tay tán dương của khán giả. Vậy nên, tôi luôn dồn tâm huyết luyện tập, tích cực lắng nghe những đóng góp ý kiến của đồng nghiệp, khán giả để hoàn thiện vai, mong sao tạo được ấn tượng tốt nhất với khán giả trong đợt lưu diễn lần này”.
Bước đường lưu diễn của Nhà hát tuồng Đào Tấn còn dài (đến hết tháng 5.2016) ở nhiều địa phương trong tỉnh. Bằng niềm đam mê nghệ thuật và đặc biệt là sự khát khao được cống hiến, thể hiện nhiều hơn từ các nghệ sĩ trẻ, Nhà hát tuồng Đào Tấn sẽ góp phần làm cho mùa xuân trên quê hương miền đất Võ trời Văn thêm tươi thắm những sắc màu văn hóa truyền thống.
LÊ CÔNG PHƯỢNG