Đau đầu bài toán thu nhập - chất lượng
Lãnh đạo nhiều bệnh viện cho rằng, cùng với việc đưa phụ cấp, tiền lương vào giá dịch vụ y tế, Thông tư 37 đã đẩy các bệnh viện vào thế khó: vừa phải lo nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, vừa lo đảm bảo thu nhập cho người lao động.
Mỗi lần giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng, xã hội lại thêm một lần “lên cơn sốt”, bởi “đồng tiền đi liền khúc ruột”. Thông tư 37 đi vào thực tế cũng là một dịp như thế, mức tăng tại thời điểm 1.3 chưa khiến người bệnh hốt hoảng, nhưng mức tăng từ 1.7 sẽ khác. Nhiều dịch vụ y tế sẽ tăng nhiều lần, như giá công khám tại bệnh viện hạng 3 sẽ đạt mức 31.000 đồng, tăng hơn 3 lần so với hiện tại. Giám đốc một bệnh viện lớn trong tỉnh thẳng thắn: “Bệnh viện thì phục vụ là chính, cực chẳng đã lắm mới đụng đến chuyện tiền bạc. Chẳng lẽ người lang thang cơ nhỡ vào viện lại nói không có tiền anh không phục vụ?”.
Không dễ gì để hài hòa giữa thu nhập của y bác sĩ và chất lượng khám chữa bệnh.
- Trong ảnh: Chăm sóc bệnh nhân tại TTYT huyện Vĩnh Thạnh.
Về lý thuyết, nếu mức thu sau lần tăng giá này không đủ chi, bệnh viện sẽ được ngân sách bù. Tuy nhiên, Giám đốc BVĐK khu vực Bồng Sơn Lê Thân khẳng định, nếu nguồn thu mới chỉ đủ trả lương như trước đây thì cũng coi như thất bại. Bởi, khi giá dịch vụ tăng lên thì người bệnh có quyền đòi hỏi chất lượng phục vụ cũng tăng. “Thu nhập không tăng, không có chi phí tái sản xuất, nâng cấp cơ sở vật chất thì sao mà nâng cao chất lượng KCB được?”, bác sĩ Thân bày tỏ.
Bác sĩ Thân cũng cho rằng, từng lãnh đạo bệnh viện phải xác định đối tượng phục vụ là cán bộ công nhân viên, bệnh nhân và người nhà của họ. “Nếu anh chỉ tập trung phục vụ cho nhóm đối tượng 1 thì anh “vô nhân đạo”, nếu chỉ dồn cho nhóm thứ 2 thì chắc chắn anh thất bại. Không dễ gì để đảm bảo hài hòa cả 2 mục tiêu đó trước tình hình quá tải, khó khăn kinh phí như hiện nay”, bác sĩ Thân đặt vấn đề.
Với các bệnh viện tuyến dưới, tình hình cũng không mấy tươi sáng. Ngay cả TTYT huyện Vĩnh Thạnh - đơn vị y tế miền núi có danh mục dịch vụ y tế phong phú nhất cũng không khỏi lo lắng trước thực tế khó có thể lấy viện phí để trả lương. Thêm vào đó, tại tuyến xã, nhiều dịch vụ cận lâm sàng làm tốt nhưng không được đưa vào danh mục thanh toán BHYT do thiếu chứng chỉ hành nghề của người thực hiện. Điển hình là siêu âm, điện tim, xét nghiệm đường huyết… “Để có chứng chỉ hành nghề, bác sĩ phải ra Huế học vài tháng. Mà mỗi trạm chỉ có 1 bác sĩ, sao bỏ trạm để đi học được? Tiền khám không bao nhiêu, dịch vụ thì nghèo nàn, thu sao đủ bù chi. Dù có làm hết mức thì cũng phải bù, phải 5-10 năm nữa thì may ra mới nói chuyện tự lo được!”, Giám đốc TTYT huyện Vĩnh Thạnh Hứa Tự Thảo tâm tư.
Rõ ràng, thu nhập của y bác sĩ và chất lượng phục vụ người bệnh có quan hệ không thể tách rời. Để đảm bảo cùng lúc “nâng chất” cả 2 mục tiêu đó, lãnh đạo bệnh viện phải thật nhiệt tâm, linh hoạt và quyết đoán. Một khi phải tự đảm bảo cân đối thu - chi, bệnh viện sẽ không khác doanh nghiệp là mấy, giám đốc sẽ phải như doanh nhân.
Nếu như thế thật, rồi đây danh xưng “nhà thương” có lẽ sẽ ít được xuất hiện hơn trong đời sống hằng ngày…
MAI LÂM