Chủ động phòng, chống hạn trong vụ Hè Thu
Nguồn nước chứa tại các công trình thủy lợi giảm mạnh, nhiều diện tích lúa tại xã Tây Thuận (Tây Sơn) bị hạn cục bộ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đã đi khảo sát thực tế và chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền các địa phương triển khai các biện pháp bảo vệ cây trồng vụ Đông Xuân (ĐX) 2015-2016 và chủ động phương án phòng, chống hạn vụ Hè Thu (HT) năm 2016.
Lượng nước tại các hồ chứa giảm
Ông Phan Xuân Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Đê điều và Phòng chống lụt bão (Sở NN&PTNT), cho biết, hiện tượng El Nino đã và đang tác động bất lợi đến sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà. Lượng mưa trong tháng 1-2.2016 đều thấp hơn cùng kỳ nhiều năm, lượng nước tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh bị giảm sút. Hiện các hồ chứa đang tích trên 407/578 triệu m3, đạt 70,4% dung tích thiết kế. Trong đó, các hồ chứa do Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Bình Định tích được trên 335 triệu m3, bằng 88% so với cùng kỳ năm 2015; các hồ chứa do địa phương quản lý tích được trên 72 triệu m3, đạt 59,8%, bằng 73,6% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn nước tại các hồ thủy điện ở thượng lưu hồ Định Bình cũng chỉ còn trên 58 triệu m3, đạt 34,95% dung tích. Đáng chú ý là hồ thủy điện Trà Xom hiện chỉ còn tích được 4/31,3 triệu m3; hồ thủy điện An Khê thuộc thủy điện An Khê - Ka Nak đã nằm ở mực nước chết, nên có 150 ha lúa ở thôn Trung Sơn và Thượng Sơn, xã Tây Thuận (Tây Sơn) ăn nước từ hồ thủy điện này không được cung cấp nước tưới đã khô hạn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu kiểm tra nguồn nước tại xã Tây Thuận - huyện Tây Sơn. Ảnh: TIẾN SỸ
Cũng theo ông Phan Xuân Hải, nguồn nước tưới vụ HT năm 2016 sẽ căng thẳng hơn vụ ĐX. Dự kiến đầu vụ sản xuất HT, lượng nước các hồ chứa còn trên 334 triệu m3, đạt 57,8%. Trong đó, các hồ chứa do Công ty TNHH KTCTTL Bình Định còn 208 triệu m3, đạt 61% thiết kế; các hồ chứa do các địa phương quản lý còn 53,6 triệu m3, đạt 44,7% thiết kế. Đáng lo ngại là lượng nước tại các hồ chứa đang giảm từ 3-6 triệu m3/tuần, dự kiến sẽ có 15/161 hồ chứa bị cạn nước, tình hình hạn hán sẽ xảy ra ở nhiều địa phương.
Ông Trần Quốc Lại, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, bày tỏ lo ngại khi nguồn nước tại các công trình thủy lợi không đảm bảo nhu cầu sản xuất. “Nguồn nước hồ chứa nước Hà Nhe, xã Vĩnh Hòa hiện chỉ còn 0,34 triệu m3, đạt 9% dung tích thiết kế, không đảm bảo tưới cho 85 ha lúa và 17 ha màu vụ ĐX 2015-2016. Hiện chúng tôi đang nỗ lực chỉ đạo nông dân áp dụng các biện pháp chống hạn, bảo vệ cây trồng. Nguồn nước tại hồ Tà Niêng, xã Vĩnh Thuận hiện cũng giảm mạnh. Vụ HT, 2 hồ chứa nói trên chắc chắn sẽ cạn nước, việc chỉ đạo sản xuất gặp nhiều khó khăn”, ông Lại nói.
Chủ động cân đối nguồn nước phục vụ đời sống và sản xuất
Ông Nguyễn Hữu Vui, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak đã thống nhất với đề nghị về số đợt và lượng nước cần cấp cứu lúa của ngành Nông nghiệp tỉnh. Theo đó, từ ngày 3-27.3, Công ty sẽ điều tiết 3 đợt nước để cứu lúa. Đợt 1 từ ngày 3-7.3; đợt 2 từ ngày 13-17.3; đợt 3 từ 23-27.3; mỗi đợt cấp 150 ngàn m3; sẽ cứu được 150 ha lúa bị hạn. Đối với vụ HT, trên cơ sở nguồn nước hiện có và diễn biến tình hình thời tiết, Sở NN&PTNT đã xây dựng phương án cấp nước. Trường hợp không có mưa tiểu mãn hoặc lượng mưa bổ sung không đáng kể vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6.2016, dự kiến các công trình thủy lợi có khả năng tưới 42.101 ha (lúa 38.510 ha và 3.519 ha màu), trong đó nguồn nước từ các hồ chứa cung cấp cho 14.800 ha lúa; đập dâng 20.927 ha; trạm bơm 5.108 ha và các công trình tạm cung cấp nước tưới cho 1.266 ha. Nếu có mưa tiểu mãn, lượng nước mưa bổ sung từ 150-200 mm, phải cân đối lại nguồn nước để điều chỉnh kế hoạch tưới phù hợp.
Kiểm tra tình hình thực tế, nghe ngành chức năng báo cáo tình hình sản xuất vụ ĐX 2015-2016, phương án cấp nước và phòng chống nguy cơ hạn hán vụ HT 2016, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp với UBND huyện Tây Sơn chỉ đạo chính quyền và nông dân xã Tây Thuận tổ chức đắp bờ trữ nước, bơm tát nước chống hạn khi có nước về. Tiếp tục chỉ đạo Công ty KTCTTL Bình Định xác định lại nguồn nước hiện có; xây dựng và công bố lịch gieo sạ vụ HT; kế hoạch, lịch tưới thông báo cho các địa phương biết để chủ động điều hành sản xuất. Ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, vùng lúa giống, vùng lúa trọng điểm. Kiểm tra, sửa chữa các hạng mục công trình chứa nước bị hư hỏng, tăng cường lực lượng nạo vét kênh mương dẫn nước; phối hợp với chính quyền các địa phương hướng dẫn bà con nông dân phương pháp tưới tiết kiệm, tưới luân phiên và tận dụng nước mưa, dòng chảy cơ bản của sông suối, thực hiện đắp bờ giữ nước trên ruộng để làm đất, gieo sạ.
Đối với khu tưới các hồ chứa nhỏ, các khu vực thiếu nước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền các địa phương chủ động bố trí cây trồng, mùa vụ cho phù hợp với đặc điểm nguồn nước tại địa phương, hoặc chuyển sang các loại cây trồng cạn, giống lúa ngắn ngày sử dụng ít nước. Đối với vùng mà nguồn nước không bảo đảm cấp cả vụ, cần lập kế hoạch tưới ẩm để tiết kiệm nước và chỉ cấp nước cho cây lúa theo yêu cầu ở các giai đoạn quyết định năng suất, các giai đoạn khác hạn chế cấp nước. Các địa phương không để dân tự phát gieo trồng quá khả năng cung cấp nước tưới. Tiếp tục củng cố các tổ đội thủy nông để quản lý tưới nội đồng, điều tiết tưới theo phiên lịch, giảm tranh chấp nước. Mặt khác, chuẩn bị nhân vật lực, khẩn trương nạo vét, tu sửa kênh mương để tưới kịp thời, hạn chế thất thoát, tiết kiệm nước. Kiểm tra và xử lý bảo đảm hoạt động của các công trình chống hạn đã xây dựng, sẵn sàng triển khai công tác chống hạn.
PHẠM TIẾN SỸ