HTX Khai thác thủy sản Thành Thái trước nguy cơ phá sản: Vì đâu nên nỗi?
Hợp tác xã Khai thác thủy sản Thành Thái (gọi tắt là HTX Thành Thái) được thành lập đầu năm 2013 với kỳ vọng thổi luồng gió mới cho mô hình HTX kiểu mẫu trong lĩnh vực khai thác, đánh bắt thủy sản trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, sau 3 năm hoạt động, HTX Thành Thái đang đứng trước nguy cơ bị giải thể.
HTX Thành Thái (trụ sở tại xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn) được thành lập với 15 xã viên tham gia trên nguyên tắc “3 cùng”: cùng quê quán, cùng góp tàu, cùng góp vốn sản xuất, kinh doanh. HTX đăng ký tham gia hoạt động trong lĩnh vực khai thác hải sản xa bờ tại 2 ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa và nuôi trồng thủy sản ở địa phương.
Việc thành lập các HTX Khai thác thủy sản giúp bà con ngư dân liên kết chặt chẽ, hỗ trợ hiệu quả trong hoạt động, tăng năng suất đánh bắt.
Từ “mô hình HTX kiểu mới”...
Lúc mới thành lập, HTX Thành Thái có 6 chiếc tàu do 5 thành viên đóng góp với tổng công suất khoảng 1.600CV. Trong đó, ngư dân Nguyễn Công Đồng - Phó Chủ nhiệm HTX - góp 2 chiếc; 4 ngư dân còn lại, gồm: ông Nguyễn Ảnh, Trần Kim Bình, Nguyễn Văn Thiện và Nguyễn Quang Phương - Chủ nhiệm HTX - mỗi người góp 1 chiếc. Những thành viên còn lại tham gia góp vốn sản xuất với số tiền 100 triệu đồng/xã viên.
Ông Nguyễn Công Đồng cho biết: “Thời điểm từ năm 2013 - 2014, HTX hoạt động rất hiệu quả. Sản lượng khai thác, đánh bắt thủy hải sản mỗi năm đạt gần 170 tấn. Sau khi trừ chi phí, người có lãi thấp nhất cũng đạt 80 triệu đồng/năm, người cao nhất hơn 1 tỉ đồng. Đời sống xã viên được cải thiện, nâng cao”.
Đặc biệt, đội tàu của HTX hỗ trợ tích cực, hiệu quả trong tìm kiếm nguồn hải sản và tiêu thụ sản phẩm. Các thành viên trong HTX tương trợ trong phòng tránh thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, qua đó hạn chế được rủi ro trên biển. Ngoài ra, HTX chủ động đưa kỹ thuật mới vào khai thác, giúp nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập cho các xã viên.
“Trước kia, một tàu cá hoạt động độc lập trên biển, khi gặp luồng cá, tàu thường đánh đầy khoang rồi vào bờ bán sản phẩm. Sau đó, tàu quay lại ngư trường để khai thác, nhưng để tiếp tục gặp “mẻ” cá lớn là rất khó. Khi hoạt động theo mô hình HTX, chúng tôi có thể luân chuyển cho tàu cá ra vào để giữ luồng cá, qua đó, duy trì sản lượng đánh bắt và chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, năng suất đánh bắt được nâng lên rõ rệt”, ông Đồng dẫn chứng hiệu quả của mô hình HTX.
Hiện HTX Thành Thái phải “tạm trú” tại nhà ông Nguyễn Văn Thiện, ở thôn Lâm Trúc 1, xã Hoài Thanh.
đến... “giữa đường gãy gánh”!
Từ đầu năm 2015, HTX Thành Thái bắt đầu có dấu hiệu “rệu rã” trong công tác quản lý, điều hành. Sứt mẻ đầu tiên xuất phát từ việc các xã viên không tìm được “tiếng nói chung” trong việc sửa chữa, cải hoán tàu cá. Đến thời điểm đầu tháng 3.2016, HTX chỉ còn 3 tàu cá, song hoạt động manh mún, đơn lẻ.
Ông Nguyễn Công Đồng cho biết: Hải sản ở các ngư trường rất dồi dào nhưng tàu cá của HTX có công suất nhỏ nên không đáp ứng được nhu cầu khai thác. Trước thực tế này, thành viên góp tàu ở HTX yêu cầu cải hoán, đóng tàu mới, chủ yếu là tàu vỏ sắt. Song, vốn để đóng tàu rất lớn nên một số xã viên không kham nổi, cộng thêm tâm lý hơn thua trong làm ăn đã dẫn đến hiệu quả hoạt động của HTX Thành Thái ngày càng đi xuống. “Khi quyết định thành lập HTX, chúng tôi chưa đánh giá được hết mặt mạnh và điểm yếu của mô hình nên không thể lường hết rủi ro khi vấp phải khó khăn”, ông Đồng thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân khiến HTX Thành Thái “tuột dốc không phanh” như hiện nay.
Liên quan việc này, ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản - Sở NN&PTNT, nhận định: Các xã viên trong HTX Thành Thái mới chỉ hỗ trợ trong việc góp tàu, góp vốn, còn tính hợp tác, chung sức, cùng hướng về mục tiêu chung còn hạn chế nên mạnh ai nấy làm. Ngoài ra, bộ máy quản lý, điều hành HTX chưa được kiện toàn, khó khăn về vốn, cán bộ quản lý yếu chuyên môn, chưa nắm chắc thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm lẫn việc định hướng trong phát triển kinh tế. Đặc biệt, HTX chưa có trụ sở độc lập, phải “tạm trú” tại nhà một xã viên. Đây là những nguyên nhân chính khiến HTX Thành Thái hoạt động thiếu hiệu quả.
Ông Nguyễn Công Đồng, Phó Chủ nhiệm HTX Thành Thái: “Tôi luôn muốn duy trì, xốc lại hoạt động của HTX. Nhưng ngặt nỗi, tâm lý xã viên bây giờ đang xuống, không còn hăng hái, quyết tâm như trước”.
Còn theo ông Bùi Đắc Cường, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn - Sở NN&PTNT, thì: “Từ lúc thành lập đến nay, HTX Thành Thái chưa lần nào tổ chức Đại hội xã viên theo quy định. Với thực tế này, việc HTX hoạt động không hiệu quả là điều khó tránh khỏi”.
Được biết, trong tháng 3.2016, các ngành chức năng của tỉnh sẽ kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân khiến HTX Thành Thái hoạt động sa sút. Mong rằng, qua đợt kiểm tra, HTX Thành Thái sẽ được vực dậy, bởi đây là mô hình HTX kiểu mới được các ngành chức năng và bà con ngư dân đặt nhiều kỳ vọng. Đồng thời, đây cũng là chủ trương của Bộ NN&PTNT trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.
Có thể thấy, việc HTX Thành Thái đứng trước nguy cơ phá sản cần được chính quyền địa phương, Sở NN&PTNT và các đơn vị liên quan nghiêm túc nhìn nhận để rút kinh nghiệm trong việc thành lập, chỉ đạo, quản lý. Mặt khác, các ngành chức năng cũng cần tính đến việc hỗ trợ các HTX về vốn, đào tạo nhân lực để đủ điều kiện phát triển một cách ổn định, bền vững.
VĂN LỰC - TRỌNG LỢI
Làm ăn theo cơ chế thị trường có cái hay của nó, rất hợp tình hợp lẽ. Cái gì ổn thì tồn tại, không ổn thì tự nó tan rã. Nhà nước không cần phải bảo hộ, cố duy trì làm gì vì bài học thời bao cấp còn đó. Chỉ cần định hướng, hướng dẫn hoặc hỗ trợ họ cách làm mà thôi. Không có cái HTX này thì có cái HTX khác hoặc 1 hình thức liên kết khác. Cứ để cơ chế thị trường điểu khiển. Chuyện rất bình thường. Còn về trụ sở làm việc của HTX, có thì càng tốt, không có thì kiếm chỗ nào ngồi cũng được, miễn sao là làm ăn có hiệu quả, có tiền, thì ngồi ở quán cà phê, lướt web, điều hành qua net cũng OK. Trên thế giới người ta khoán việc hết, anh làm ở đâu cũng được, miễn sao là hoàn thành nhiệm vụ, khỏi phải thuê trụ sở, văn phòng, điện nước, máy điều hòa...tốn!