“Việt Nam phải mạnh lên bằng hiền tài”
“Singapore trở thành một quốc gia giàu có nhờ sử dụng tài năng. Nếu quy tụ được hiền tài thì tôi tin Việt Nam là một trong những nước giàu mạnh”
Cho rằng 30 năm Đổi mới đã qua với thành quả rất đáng trân trọng nhưng 30 năm tới phải đưa dân tộc Việt Nam lên hùng cường, PGS Vũ Minh Khương (Trường Chính sách công Lý Quang Diệu – ĐH Quốc gia Singapore) nhấn mạnh, muốn làm được điều đó cần có chính sách cụ thể về trọng dụng hiền tài, trong đó có những người Việt ở khắp nơi trên thế giới đóng góp cho quê hương.
PV: Ông từng chia sẻ rằng nếu Hải Phòng hay TPHCM cần thì ông sẵn sàng về công tác tại Việt Nam?
PGS Vũ Minh Khương: Tôi khát khao từng ngày trở về Việt Nam đóng góp với đất nước. Nếu có dịp bất kể điều kiện như thế nào tôi sẵn sàng về ngay. Đó là điều thôi túc từ trái tim mình và cũng là trách nhiệm với đất nước.
PGS Vũ Minh Khương
PV: Dịp ở đây có thể hiểu như thế nào, thưa ông?
PGS Vũ Minh Khương: Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt rất lớn, đòi hỏi cải cách trọng đại. Chúng ta qua 30 năm Đổi mới với thành quả rất đáng trân trọng, từ dân tộc nghèo đói đến khấm khá, nhưng 30 năm tới phải là thời kỳ chấn hưng, đưa dân tộc lên hùng cường.
Điều đó đòi hỏi nỗ lực của mỗi người, trong đó có người trí thức. Chúng tôi luôn nghĩ về đất nước và nhiều người mong muốn trở về đóng góp.
PV: Là người có dịp tiếp xúc nhiều với các bạn trẻ đang học tập và làm việc ở nước ngoài. Có nhiều người cùng chung suy nghĩ như ông không?
PGS Vũ Minh Khương: Người Việt Nam thời đại ngày nay có tầm toàn cầu, đi khắp nơi, đóng góp nhiều cho cộng đồng trí thức thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam. Như các bạn trẻ ở Singapore là những người vươn lên xuất sắc về mặt chuyên môn, điều đó ai cũng phải thừa nhận.
Nhiều người trăn trở với tôi về cơ hội đóng góp cho đất nước. Có bạn viết sách xuất bản trong nước, rồi lập ra hiệp hội hướng về quê hương… Nhưng ta chưa có kênh thực sự thôi thúc mọi người trở về xây dựng đất nước như thời kỳ Bác Hồ vào những năm đất nước khó khăn trước đây.
PV: “Kênh” này không hẳn là chế độ đãi ngộ cao, thưa ông?
PGS Vũ Minh Khương: Không. Chế độ chỉ là một vấn đề phụ. Tất nhiên khi làm tốt thì không ai nghèo khó.
Singapore vốn nghèo nhưng với tài năng được sử dụng thì tiền tài đẻ ra rất nhiều nên họ trở thành một quốc gia giàu có hàng đầu thế giới. Họ mạnh lên bằng hiền tài, còn chúng ta thất thoát, lãng phí vô cùng nhiều. Nếu quy tụ hiền tài thì tôi tin rằng Việt Nam là một trong những nước giàu có.
Có nước khi mời một người đang làm cho một công ty tư nhân vào vị trí Bộ trưởng Bộ Công thương đã tạo sự biến đổi kỳ lạ: Trước đây cả Bộ thu hút mãi không đủ 200 người làm đơn xin vào mà trình độ chỉ trung bình nhưng khi ông ấy về đã làm sống dậy một không khí ở đất nước đó. Khi đó, có tới 2.000 đơn xin vào mà toàn những người ưu tú, sẵn sàng chấp nhận lương thấp để cùng “chiến đấu” đóp góp cho đất nước.
Điều đó thể hiện việc chọn người hiền tài vào cương vị phù hợp để giao nhiệm vụ, từ đó giám sát như cầu thủ vào sân bóng không đá được thì ra, dù chưa thành công cũng có cơ hội đóng góp và qua đó trưởng thành hơn.
PV: Vừa qua cũng có ý kiến cho rằng đóng góp với đất nước không hẳn phải về nước?
PGS Vũ Minh Khương: Chúng ta phải chấp nhận tính đa dạng. Nhà nước nên khảo sát như ở Trung ương cũng như địa phương nên có danh sách những người nào muốn quay về đóng góp cho đất nước, người nào muốn về hẳn thì sẵn sàng về ở cương vị gì; người nào có thể đóng góp được từng phần thời gian, người nào đóng góp theo kiểu chuyên môn trí thức và hỗ trợ ở xa...
PGS Vũ Minh Khương làm việc tại trường Chính sách công Lý Quang Diệu – ĐH Quốc gia Singapore từ 2006, chuyên nghiên cứu dự án về tăng trưởng và phát triển. Ông từng thỉnh giảng tại nhiều trường đại học ở Mỹ và Nhật Bản.
Ông hoàn thành xuất sắc luận án tiến sĩ tại Đại học Harvard, được tên được khắc trang trọng trên bảng vàng của trường Hành chính Kennedy.
PGS Vũ Minh Khương tham gia nhiều chương trình hướng về quê hương và hiện là Trưởng Ban danh dự Ban liên lạc cộng đồng người Việt ở Singapore.
Nên có danh mục cụ thể và rà soát, đánh giá, công nhận, ghi nhận hàng năm. Còn chúng ta chưa thu hút được hết về là lỗi của ta. Hiện ta đang mơ màng với tất cả các ý kiến này khác. Cái đó phải rất cụ thể vì có hàng triệu người ở nước ngoài, suy nghĩ có khác nhau, điều kiện khác nhau và sự sẵn sàng cũng khác nhau thì mình hoàn toàn thông cảm.
PV: Ông nói nếu đặt vị trí xứng đáng thì nhiều người sẽ về nước cống hiến. Với ông thì sao?
PGS Vũ Minh Khương: Tôi về ngay lập tức. Những năm tháng gắn bó với thực tiễn, dù trong quân đội hay ở doanh nghiệp, tôi thấy người Việt Nam mình có sức quật khởi mạnh mẽ, nhất là khi phải gắn kết với nhau để vượt qua thách thức. Một lãnh đạo có tầm nhìn và phẩm chất hiến dâng, dù ở quy mô nào, cũng có thể đem lại những đổi thay to lớn.
Trước mắt, tôi có thể làm một số việc liên quan đến chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt của Singapore, trong phát triển thành thành phố toàn cầu và tham gia các phân tích nhằm hoạch định chiến lược phát triển của Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
Tôi cũng có thể tham gia giảng một số bài về quản lý chiến lược cho cán bộ chủ chốt hai thành phố. Hiện giờ, chúng ta thiên lệch quá nhiều vào việc sự vụ mà coi nhẹ nỗ lực xây dựng thiết chế quản lý chiến lược là một nguyên nhân quan trọng làm công việc sự vụ ngày càng tăng, thậm chí đến mức không thể giải quyết được…
PV: Xin cảm ơn ông!./
Theo Ngọc Thành/VOV.VN