Gợi mở nhiều ý tưởng, đề xuất tôn vinh nhà thơ Yến Lan
Nhiều chương trình kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Yến Lan vừa được tổ chức tại hai địa phương cách nhau cả 1.000 cây số (thành phố Hà Nội và thị xã An Nhơn). Ðiểm chung của các chương trình là bên cạnh góp phần khẳng định thêm tài năng, nhân cách của một nhà thơ lớn, còn gợi mở những ý tưởng, đề xuất tôn vinh ông.
Phòng lưu niệm và cũng là phòng thờ nhà thơ Yến Lan khá nhỏ hẹp.
1.
Ngày 1.3, tại TP Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội thảo về những đóng góp của nhà thơ lớn Yến Lan. Trong Hội thảo, đề nghị cải chính một số thông tin về nhà thơ Yến Lan của bà Lâm Bích Thủy (con gái nhà thơ) qua các nguồn tài liệu đáng tin cậy, đã được lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam chấp thuận. Trong đó, có việc cải chính ngày sinh nhà thơ Yến Lan là 22.4.1917 (chứ không phải là ngày 2.3.1916 như các tài liệu trước đó đưa ra). Theo đại diện gia đình nhà thơ Yến Lan cho biết, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ có văn bản chính thức gửi chính quyền tỉnh Bình Định, Hội VHNT tỉnh… đề nghị phối hợp xúc tiến xây dựng nhà lưu niệm nhà thơ Yến Lan, cũng như đặt tên Yến Lan cho một con đường lớn hơn ở thành phố trung tâm tỉnh lỵ Quy Nhơn.
Ngày 2.3, Hội VHNT Bình Định và UBND thị xã An Nhơn đã phối hợp tổ chức các chương trình kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Yến Lan (theo ngày sinh chưa được cải chính). Tại lễ dâng hương nhà thơ Yến Lan tại nhà thờ ông (số 57 Quang Trung, thị xã An Nhơn), nhiều đại biểu, những người kính trọng tài năng và nhân cách nhà thơ Yến Lan phải chen chúc vì diện tích gian phòng thờ cũng là phòng lưu niệm khá nhỏ hẹp. Điều này khiến việc trưng bày các tác phẩm, hiện vật liên quan đến ông bị hạn chế nhiều năm qua...
Đến dâng hương, nhiều người mến mộ nhà thơ Yến Lan cho biết đã có cùng cảm xúc khi bắt gặp bức tường bên cạnh bàn thờ treo nhiều “ghi nhận cao quý”của ông: Giải thưởng Nhà nước trao tặng cho “các tập thơ xuất sắc, giá trị cao về văn học, nghệ thuật, ca ngợi đất nước, nhân dân, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Nhất; Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Xuân Diệu - Đào Tấn lần thứ nhất.
Một người yêu thơ Yến Lan (đề nghị không nêu tên) sau khi kính cẩn thắp hương trên bàn thờ ông, đã lẩm nhẩm đọc những câu thơ của Yến Lan: “Nhà không vườn, không gác, không sân. Tôi nợ đời rau trái tôi ăn. Nợ hàng xóm trưa hè bóng mát. Nợ em cài bên cửa một vầng trăng”. (Nợ). Rồi người này cũng chia sẻ rằng sau nhiều cống hiến trọn đời của nhà thơ Yến Lan, thế hệ hôm nay đang còn “NỢ” ông những đáp đền tương xứng...
2.
Trong buổi tọa đàm “Yến Lan - một nhân cách, một sự nghiệp thi ca” (tại hội trường UBND thị xã An Nhơn chiều 2.3), một số nhà văn, nhà thơ đã nêu lên những ý tưởng, đề xuất cần phải quan tâm nhiều hơn đến việc tôn vinh nhà thơ Yến Lan tại quê hương. Ông Trần Quang Khanh - Phó Chủ tịch Hội VHNT Bình Định - cho biết tiếp xúc với lãnh đạo thị xã An Nhơn, ông từng nghe dòng sông Trường Thi sẽ là điểm nhấn trong quy hoạch của thị xã... Điều này cũng có nghĩa là bến Trường Thi - Bến My Lăng của Yến Lan rồi sẽ là điểm nhấn của thị xã. Đặc biệt, với việc coi trọng phát triển du lịch, thị xã An Nhơn cũng đặt vấn đề xúc tiến đầu tư xây dựng các khu vực du lịch. Trong đó, có loại hình du lịch sinh thái ven sông mà hoạt động chủ yếu là nghỉ dưỡng, ngắm cảnh, giải trí...dọc hai bên sông Trường Thi là một ưu tiên. “Trong quy hoạch tổng thể lấy sông Trường Thi làm điểm nhấn đó, mong lắm thay, thị xã An Nhơn dành một quỹ đất quy hoạch Nhà lưu niệm nhà thơ Yến Lan và phục dựng Bến My Lăng huyễn hoặc trong thơ Yến Lan thành bến sông trăng đẹp, có con đò với “ông lão say trăng đầu gối sách; có chàng kỵ mã nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly”, có bãi cát vàng như vành mi thiếu nữ...Hẳn cái Bến My Lăng trong thơ ấy sẽ hút hồn du khách bốn phương về thăm Khu du lịch Bến My Lăng !”, ông Trần Quang Khanh nêu ý tưởng “hiện thực hóa Bến My Lăng”.
Cũng mong muốn có công trình tôn vinh nhà thơ Yến Lan, nhà thơ Mai Thìn - Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Bình Định, đề đạt: “Để lưu dấu tình bạn đẹp đẽ ấy của Yến Lan, của nhóm thơ Bình Định, tôi đề nghị tỉnh nhà và gia đình nhà thơ Yến Lan nên cải táng mộ nhà thơ Yến Lan về nằm cạnh Hàn Mặc Tử (để hai người bạn mãi mãi bên nhau), đồng thời nhanh chóng cho xây dựng Nhà lưu niệm Bàn thành tứ hữu trên đồi Ghềnh Ráng thay vì Nhà lưu niệm Hàn Mặc Tử như đang thiết kế. Điều này chắc hẳn Yến Lan và Hàn thi nhân cũng rất đồng tình... Bởi, chỉ có Nhà lưu niệm Bàn thành tứ hữu mới có thể tập hợp và quảng bá một cách tốt nhất về Nhóm thơ Bình Định, và qua đó tỉnh nhà sẽ có thêm một địa chỉ du lịch văn hóa đặc sắc mà không địa phương nào trong cả nước có được. Lúc bấy giờ, đồi Ghềnh Ráng nơi Hàn Mặc Tử, Yến Lan nằm... và có Nhà lưu niệm Bàn thành tứ hữu, với những bức tượng của các thi nhân (Yến Lan, Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Bích Khê...) lừng lững trên đồi cao nhìn xuống biển sẽ xứng đáng với tên gọi “Đồi thi nhân” mà lâu nay chúng ta đã phong tặng”.
HOÀI THU