Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tây Sơn: Góp phần giảm nghèo bền vững
Trong năm 2015, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Tây Sơn tiếp tục thực hiện 13 chương trình (CT) cho vay, tổng dư nợ các CT tín dụng đến cuối năm trên 286,26 tỉ đồng với 12.185 hộ vay, tăng 9,9% so với năm 2014...
Nhiều hộ ở thôn Thuận Hạnh, xã Bình Thuận được vay vốn NHCSXH để phát triển nghề chằm nón.
Theo báo cáo của NHCSXH huyện Tây Sơn, trong năm 2015, toàn huyện có 3.989 hộ nghèo được vay vốn, trong đó có 755 hộ vay theo CT cho vay hộ nghèo, 849 hộ vay CT cận nghèo, 306 hộ vay CT hộ mới thoát nghèo, 511 hộ vay CT học sinh-sinh viên (HSSV), 842 hộ vay CT nước sạch vệ sinh môi trường, 112 hộ vay CT giải quyết việc làm, 481 hộ vay CT sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, 95 hộ vay CT trồng rừng dự án WB3... Những CT có dư nợ cao là cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn 82,2 tỉ đồng, cho vay hộ nghèo 68,46 tỉ đồng, cho vay hộ cận nghèo 42,34 tỉ đồng, cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 29,24 tỉ đồng...
Hầu hết các CT cho vay đều được ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể với 290 tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động với chất lượng tín dụng khá tốt. NHCSXH huyện cũng đã lập các điểm giao dịch tại 100% xã, thị trấn trên địa bàn, đưa hoạt động sát dân, đưa đồng vốn ưu đãi của Nhà nước đến tận tay các đối tượng được hưởng thụ một cách nhanh chóng, thông suốt, đảm bảo công khai, dân chủ, tạo được lòng tin của dân đối với chính sách của Đảng, Nhà nước; đem lại hiệu quả kinh tế xã hội thiết thực.
Nhiều hộ nghèo nhờ được vay vốn NHCSXH và sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Điển hình như hộ bà Ngô Thị Nga, ở thôn Hữu Giang, xã Tây Giang. Năm 2013 được tín chấp vay vốn qua Hội Phụ nữ với số tiền 30 triệu đồng, bà đầu tư nuôi 2 con bò sinh sản, sau hơn 2 năm bò sinh được 4 con bê; năm 2015 bà bán 4 con bê được 60 triệu đồng, trả hết nợ ngân hàng, số dư được đầu tư nuôi cá lồng, tạo được thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống. Bà còn tích cực giúp nhiều hộ phụ nữ nghèo trong thôn nhân rộng mô hình làm ăn như bà, thoát nghèo bền vững.
Hoặc như bà Đoàn Thị Đính, ở thôn An Vinh 2, xã Tây Vinh, năm 2013 được vay 30 triệu đồng để nuôi bò sinh sản, sau hơn 2 năm bà bán được 4 con bê trả hết nợ, còn thu lãi 20 triệu đồng/năm. Năm 2010, bà được vay 80 triệu đồng từ CT cho vay HSSV để 3 người con theo học đại học, cao đẳng; đến nay 3 người con đã ra trường, có việc làm ổn định, bà trả nợ ngân hàng đúng quy định và gia đình bà cũng đã thoát nghèo.
Theo ông Bùi Văn Mỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, NHCSXH huyện đã tích cực góp phần giúp hộ nghèo được vay vốn để làm ăn và thoát nghèo; giúp nhiều HSSV vượt qua khó khăn để tiếp tục học tập; hỗ trợ hàng ngàn hộ gia đình nông thôn xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh; hỗ trợ cho hộ nghèo xây dựng nhà ở; giúp khôi phục các ngành nghề truyền thống... Nhờ vậy, trong năm 2015, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm 2,47%, (chỉ tiêu 2%).
Trong năm 2016, NHCSXH huyện Tây Sơn phấn đấu đạt mức tăng trưởng dư nợ 8% so với năm 2015; tập trung xử lý nợ quá hạn, giảm nợ quá hạn còn dưới 0,1%; nâng cao hiệu quả hoạt động tại các điểm giao dịch xã, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn; tích cực chuẩn bị mọi mặt để thực hiện giải ngân các CT cho vay mới...
HOÀNG CHI