Ðợt cao điểm hành động Năm VSATTP trên lĩnh vực nông nghiệp: Quyết liệt, hiệu quả!
Sáng 3.3, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết đợt cao điểm hành động năm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trên lĩnh vực nông nghiệp (từ tháng 10.2015 - 2.2016). Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, đợt cao điểm VSATTP lần này thành công ngoài mong đợi nhờ sự nỗ lực thực hiện đồng bộ và quyết liệt từ Trung ương đến địa phương.
Báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho thấy, các nhiệm vụ và giải pháp chính đề ra trong đợt cao điểm hành động năm VSATTP trên lĩnh vực nông nghiệp đều được các bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố thực hiện hiệu quả. Công tác thông tin, truyền thông đã góp phần nâng cao nhận thức các tầng lớp nhân dân về lợi ích, trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh (SXKD) và tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp đảm bảo VSATTP. Việc hướng dẫn các cơ sở SXKD đảm bảo VSATTP; giám sát, xác nhận sản phẩm an toàn đã được tăng cường.
Sản xuất và tiêu dùng rau an toàn là một trong những biện pháp góp phần đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất.
- Trong ảnh: Tham quan mô hình sản xuất rau an toàn tại phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn). Ảnh: TIẾN SĨ
Hiệu quả tích cực
Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành từ Trung ương đến địa phương đã đạt kết quả nhất định. Thanh tra Bộ NN&PTNT phối hợp với C49 Bộ Công an đã tổ chức thanh tra đột xuất và đã phát hiện xử lý 13 doanh nghiệp (DN) SXKD thức ăn chăn nuôi có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vượt ngưỡng cho phép. Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra, bắt giữ 6 tấn thức ăn chăn nuôi của 1 DN có chất cấm salbutamol cao hơn ngưỡng cho phép 63 lần. Ngoài ra, 46/63 tỉnh thành cũng đã phát hiện và xử lý 24 cơ sở vi phạm buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và nhiều mẫu thịt sản phẩm có chất cấm salbutamol… Các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT cũng đã kiểm tra xử lý 4 cơ sở kinh doanh thực phẩm vi phạm về công bố tiêu chuẩn sản phẩm; kiểm tra giám sát 26.918 lô hàng nguồn gốc thực vật nhập khẩu từ 70 quốc gia và 1.985 lô hàng động vật, thủy sản nhập khẩu.
“Ðiều đáng mừng là các mẫu rau, thịt động vật và mẫu thủy sản được kiểm tra trong đợt này gần như không có dư lượng hóa chất, kháng sinh hạn chế và cấm sử dụng”
Ông NGUYỄN VĂN TRƯỢNG, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT
Trong đợt cao điểm hành động năm VSATTP trên lĩnh vực nông nghiệp này, tỉnh ta cũng đã xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động đảm bảo yêu cầu của Bộ NN&PTNT. Ông Nguyễn Văn Trượng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Trung ương và của tỉnh trên lĩnh vực quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN), VSATTP nông, lâm thủy sản (NLTS), ngành Nông nghiệp tỉnh đã tích cực thanh tra, kiểm tra các cơ sở SXKD các mặt hàng NLTS; tăng cường công tác giám sát dư lượng các chất độc hại và kháng sinh cấm trong sản phẩm NLTS. Điều đáng mừng là các mẫu rau, thịt động vật và mẫu thủy sản được kiểm tra trong đợt này gần như không có dư lượng hóa chất, kháng sinh hạn chế và cấm sử dụng.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, qua đợt cao điểm hành động năm VSATTP, nhận thức, trách nhiệm của người SXKD về VSATTP đã được nâng cao. DN và người dân ủng hộ sự vào cuộc của các cơ quan chức năng của ngành Nông nghiệp. Sự phối hợp giữa các cơ quan Trung ương và cơ quan trung ương với địa phương chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn. Việc triển khai thí điểm kiểm tra, giám sát, xác nhận sản phẩm an toàn trên cơ sở tự nguyện của các cơ sở SXKD sản phẩm đến người tiêu dùng đã được một số địa phương quan tâm. Các hoạt động thực hiện trong đợt cao điểm hành động năm VSATTP đã từng bước ngăn chặn hiệu quả, xử lý nghiêm các trường hợp lưu thông, buôn bán và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; bước đầu hình thành một số điểm bán nông thủy sản an toàn đã được kiểm soát theo chuỗi và được giám sát, xác nhận sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, hạn chế được tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và các chất cấm trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Tăng cường công tác đảm bảo VSATTP
Bộ NN&PTNT xác định năm 2016 là năm cao điểm VSATTP trên lĩnh vực nông nghiệp, với mục tiêu ngăn chặn, xử lý dứt điểm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản; giảm thiểu rõ nét vi phạm về tồn dư thuốc BVTV, kháng sinh, chất bảo quản, phụ gia trong các sản phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành NN&PTNT.
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện một số tỉnh, thành cho rằng, để lập lại trật tự kỷ cương trên lĩnh vực VSATTP, Trung ương cần ban hành Nghị định về điều kiện ATTP đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn SXKD thực phẩm tại Việt Nam và chuẩn mực, thông lệ quốc tế để các địa phương có cơ sở thực hiện. Đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền và công bố các cơ sở SXKD các mặt hàng VTNN, NLTS sử dụng các loại chất cấm độc hại, ảnh hưởng đến cộng đồng; đồng thời nâng cao định mức xử phạt các đối tượng vi phạm nhằm ngăn chặn tình trạng SXKD và sử dụng các loại chất cấm.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đồng tình với ý kiến góp ý của các đại biểu và yêu cầu các đơn vị trực thuộc nhanh chóng tham mưu đề xuất sửa đổi hành lang pháp lý trên lĩnh vực ATTP phù hợp với điều kiện thực tiễn; phối hợp với các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật lĩnh vực quản lý chất lượng VTNN, VSATTP NLTS, và cung cấp thông tin kịp thời, chính xác các cơ sở vi phạm quy định của nhà nước trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, lập đường dây nóng, tiếp nhận, xử lý các thông tin từ phía người dân; đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, giám sát việc lạm dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; ngăn chặn tình trạng nhập lậu thuốc BVTV kém chất lượng, thuốc giả và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. UBND các tỉnh, thành trong nước cũng phải xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, duy trì thực hiện đồng bộ các giải pháp đã được áp dụng thành công trong đợt cao điểm hành động VSATTP vừa qua.
Tại tỉnh ta, qua thanh tra, kiểm tra 169 cơ sở SXKD các mặt hàng NLTS; ngành chức năng đã xếp loại 97 cơ sở SXKD sản phẩm NLTS, trong đó có 30 cơ sở đạt loại A và 67 cơ sở đạt loại B. Công tác giám sát dư lượng các chất độc hại và kháng sinh cấm trong sản phẩm NLTS được tăng cường. Có 88 mẫu rau, thịt động vật và mẫu thủy sản được kiểm tra không phát hiện dư lượng hóa chất, kháng sinh hạn chế và cấm sử dụng. Qua kiểm tra 90 mẫu thịt heo, 38 mẫu nước tiểu và 34 mẫu thức ăn chăn nuôi để phân tích các chỉ tiêu chất cấm (clenbuterol, salbutamol…), chỉ phát hiện có 3 mẫu (1 mẫu nước tiểu, 2 mẫu thức ăn chăn nuôi) dương tính với salbutamol.
PHẠM TIẾN SỸ