Doanh nghiệp Việt đang nhỏ dần
Đối mặt với hội nhập nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn chỉ lắp ráp, gia công và lệ thuộc quá lớn vào khu vực doanh nghiệp nước ngoài.
Trong 2 năm 2014-2015, nhiều chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp (DN) có nhưng lại quá chậm.
Chế biến cao su kỹ thuật cao tại Công ty Cao su Thống Nhất Ảnh: Tấn Thạnh
Chỉ chăm chăm gia công, lắp ráp
Một trong những trọng tâm nhóm tư vấn của Thủ tướng Chính phủ trăn trở là cần đẩy mạnh chương trình năm DN quốc gia, tập trung lớn nhất cho DN bởi khu vực tư nhân mới là nền tảng, động lực phát triển kinh tế. Đây là chia sẻ của TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tại hội thảo Kịch bản kinh tế Việt Nam 2016 do Ban Kinh tế trung ương và Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 3.3 ở TP HCM.
Theo TS Trần Đình Thiên, nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao - tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm tới 165% GDP nhưng lại chủ yếu lệ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi chiếm tới 60-70%. “Điều này cho thấy cấu trúc kinh tế của Việt Nam chủ yếu lệ thuộc vào nước ngoài. Chúng ta chỉ lắp ráp, gia công mà đối mặt với hội nhập sâu rộng là rất nguy hiểm” - ông Thiên lo ngại.
Cũng vì độ mở của nền kinh tế quá lớn nên chỉ cần mỗi cái “hắt hơi, sổ mũi hoặc cựa quậy” của các nền kinh tế lớn cũng tác động không nhỏ tới Việt Nam. Ông Vũ Bá Phú, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Bộ Công Thương, dẫn chứng kinh tế châu Âu (EU) liên tục suy giảm trong 3 năm qua khiến xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực này không khả quan. Hay kinh tế Trung Quốc giảm tốc đã đẩy hàng hóa nước này tràn sang các nước, trong đó có Việt Nam nhưng xuất khẩu của DN Việt vào thị trường này lại giảm mạnh.
“Hạn chế về vốn, nguồn lực và trình độ cũng khiến DN trong nước chưa tận dụng được cơ hội trên sân nhà chứ đừng nói đến việc ra nước ngoài chiếm lĩnh thị trường. Suốt 3 năm làm tham tán thương mại tại Bỉ, tôi đã cố gắng thuyết phục DN Việt sang Bỉ đầu tư làm ăn bởi nơi đây có rất nhiều tập đoàn đa quốc gia nhưng đến khi kết thúc nhiệm kỳ, cũng chưa có DN nào thành công” - ông Phú bộc bạch.
Trong khi đó, số liệu thống kê 2 tháng đầu năm về lượng DN thành lập mới dù tăng nhiều nhưng số lượng DN đóng cửa vẫn ở mức 17,3%. Năm ngoái, số lượng DN phải ngừng hoạt động, giải thể cũng tăng 14% so với cùng kỳ. Theo ông Trần Đình Thiên, thực tế này cho thấy DN Việt đang nhỏ dần về tầm vóc, quy mô và “li ti hóa”, làm sao hội nhập cạnh tranh với những “ông lớn” của thế giới. Cấu trúc của nền kinh tế đang thiếu một tuyến trụ cột là những DN tư nhân lớn, đủ sức để cạnh tranh ra nước ngoài. DN vừa và nhỏ dù rất quan trọng những nếu thiếu trụ cột thì rất khó phát triển.
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tôn Hoa Sen, thừa nhận rất khó để DN vừa và nhỏ tiến lên khi vừa thiếu vừa yếu lại sinh sau đẻ muộn trong khi cuộc chơi là sòng phẳng và hội nhập khiến Việt Nam phải mở cửa tối đa. Chưa kể, một điểm yếu của DN Việt là thiếu đoàn kết. “Những nhà đầu tư Nhật ra nước ngoài thường dẫn DN vệ tinh đi theo, trong khi Việt Nam vì thiếu DN đầu tàu nên vệ tinh không đi theo được. Rồi không ít tập đoàn “lớn lên” nhưng lại thiếu quan tâm tới DN vừa và nhỏ” - ông Vũ dẫn chứng.
Phải nâng đỡ khối doanh nghiệp tư nhân
Ngoài ra, có một thực tế, theo các chuyên gia, sau khi Việt Nam ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp tinh thần của nhà nước và DN phấn chấn hơn thì thách thức cũng dần lộ ra. “Việt Nam đang tham gia các FTA đẳng cấp rất cao nhưng trình độ của chúng ta lại thấp nhất, từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay so cả với EU, Hàn Quốc... Chiến lược không sai nhưng nhìn vào thực tiễn cần nỗ lực trong ngắn hạn rất khó để thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế” - ông Thiên đúc kết.
Ông Lê Phước Vũ cho rằng phải có những tập đoàn mũi nhọn để kéo nền kinh tế đi lên. Muốn vậy, phải cho DN một niềm tin. Trong 2 năm qua, lãi suất giảm mạnh đã hỗ trợ rất tốt cho cộng đồng DN nhưng vừa rồi, có nhiều tín hiệu cho thấy lãi suất sẽ tăng lại khiến DN lo lắng. “Tôi có thể đầu tư dự án hàng trăm triệu USD nhưng không dám đầu tư dự án lớn vài tỉ USD, vài chục tỉ USD nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước” - ông chủ Tôn Hoa Sen trăn trở.
Theo TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, không một quốc gia nào trở thành nước phát triển nếu chỉ dựa vào khu vực FDI mà phải từ nội lực. Để được vậy, cần cả chính sách của nhà nước và bản thân DN cũng nên nhìn lại mình. Hiện đội ngũ DN Việt khát vọng rất nhiều nhưng họ cần niềm tin vào chính sách. Vấn đề thắng thua trên thương trường chưa hẳn tùy thuộc vào quy mô DN lớn hay nhỏ mà tùy thuộc vào tư duy đổi mới và sáng tạo. Chính sách lớn nhất DN kỳ vọng hiện nay là làm sao nhà nước tạo ra được môi trường, thể chế giúp nuôi dưỡng sự sáng tạo của DN...
“Cái nợ lớn nhất của nhà nước cần trả trong năm nay là tháo gỡ cho DN. Hai năm qua, dù Chính phủ và nhà nước đã làm được một số việc nhưng tiến độ quá chậm. Nay cần phải đẩy mạnh, giúp DN khởi nghiệp theo tinh thần mới bởi khu vực DN tư nhân mới là nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế. Cần đổi mới phương thức tổ chức kinh doanh nông nghiệp, lấy DN đầu tư vào nông nghiệp làm lực lượng chính” - ông Trần Đình Thiên gợi ý.
Sớm ban hành Luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, cho biết Luật DN vừa và nhỏ đang được soạn thảo và sẽ sớm trình Quốc hội ban hành trong năm nay để đáp ứng nhu cầu hỗ trợ cho DN tốt nhất. Nhà nước và Chính phủ sẽ có những quyết sách hỗ trợ DN nhiều hơn.
Theo THÁI PHƯƠNG (NLĐO)